Câu chuyện nông thôn

Con người nông thôn mới

Cập nhật, 07:27, Thứ Tư, 28/01/2015 (GMT+7)

Khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, đương nhiên sẽ có những cái... mới hơn cái cũ. Tuy nhiên, có những cái có thể nhìn thấy trực quan, có những cái có thể định lượng được; song có nhiều thứ chúng ta không thể đánh giá bằng mắt, đánh giá bằng những con số cụ thể được. Đó là “tiêu chí” về con người, mà cái này thì mới thật sự là quan trọng.

Về con người, thì theo Hai Lúa tui được biết chỉ có quy định ở tiêu chí 18: “Hệ thống tổ chức chính trị- xã hội vững mạnh”, trong đó có nói về phần cán bộ. Nhưng còn về “con người” ở những lĩnh vực khác thì sao? Ví dụ thế này, phần y tế chỉ nói về cơ sở vật chất và việc phải mua BHYT; vậy cán bộ y tế thì sao?

Chất lượng đội ngũ y- bác sĩ cơ sở; cũng như số lượng có đáp ứng yêu cầu thực tế chưa? Tương tự như vậy, ở lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực văn hóa cũng vậy; cái phần được quan tâm, bắt buộc để đạt tiêu chí trước tiên là xây dựng cơ sở vật chất. Điều này tốt thôi, nhưng cơ sở vật chất đầy đủ, mà thiếu... con người, thì quả là chuyện đáng bàn.

Còn một đối tượng quan trọng nhất ở nông thôn mới, đó là người thụ hưởng tức là nhân dân trên địa bàn. Có trường hợp rõ ràng thế này, nông thôn có nhiều thay đổi, phát triển, nhưng con người vẫn “cũ”.

Thể hiện như ý thức về vệ sinh môi trường, ý thức về vệ sinh thực phẩm, về vệ sinh an toàn trong sản xuất nông nghiệp... Hoặc ở phạm trù khác về ứng xử văn hóa, về giữ gìn bản sắc truyền thống trong cộng đồng...

Đó chỉ mới là một số ví dụ nhỏ mà thôi, còn rất nhiều chuyện để bàn về vấn đề con người phải “mới” để theo kịp với sự phát triển của nông thôn mới.
 
Những ý kiến góp nhặt từ nhiều người, Hai Lúa tui xin phép nêu ra, để có thể nhận được những giải thích, phản hồi từ những người có trách nhiệm; với mong muốn làm sao nông thôn mới sẽ đi vào thực chất hơn, toàn diện hơn.

Hailua@.com