Tản văn

Cho những miền ký ức!

Cập nhật, 21:27, Chủ Nhật, 25/07/2021 (GMT+7)

(VLO) Lặng lẽ theo dòng chảy thời gian, mọi chuyện đều sẽ chỉ còn trong miền ký ức. Nhưng rồi bất chợt ở một nơi nào đó, một lúc nào đó, người ta lại ao ước được trở về, được tìm lại những ký ức bị bỏ quên.

1. Mưa! Mấy hôm rồi ngày nào trời cũng đổ mưa. Chợt đến chợt đi, trời mưa rồi trời lại nắng. Ấy thế mà mang lại biết bao ký ức bồi hồi.

Mưa của những đứa trẻ vùng quê bắt đầu bằng việc xách chiếc xe đạp chạy vòng vòng khắp con đường đất, ngửi mùi rơm rạ còn đang bốc khói xa xa.

Mưa đổ ầm ầm, đám trẻ ào xuống con sông quê, lặn hụp, nô đùa, làm bè chuối… Ngồi ngẩn người một chiều mưa, lòng chợt nhớ thương da diết nơi tắm mát bao tâm hồn tuổi thơ.

Trên bến sông quê, dưới hiên nhà lá, lặng nhìn từng dòng nước mưa chảy giọt, có lúc tuôn ồ ạt, lại có lúc khẽ khàng rơi. Bỗng giật mình “hóa ra cái thuộc về ký ức đều đẹp đẽ đến vậy”.

2. Một buổi tối cúp điện, ánh trăng vàng trườn vào sân, len lén bò vào cửa sổ. Những câu chuyện kể về ngày xưa tự dưng xuyến xao đến lạ.

Ngoại kể, hồi còn chưa có điện, hồi còn khổ, bà con quê mình hay làm đèn mù u. Con nít hồi bấy giờ hay xúm xít ra bờ sông để lượm trái mù u chín về đập, phơi, rồi quấn với mớ bông trắng của cây gòn.

Đủ thứ công đoạn thì mới xong được cái đèn mù u để xua đi bóng tối… Ngoáy ống trầu dang dở, ngoại chép miệng giờ trong nhà điện đài lúc nào cũng sáng choang. Hễ có cúp điện cũng đủ loại đèn, đâu lo đêm tối tĩnh mịch.

Những hàng mù u xanh rợp đường quê và những đêm đen nhờ ánh sáng leo lét của đèn mù u chỉ còn trong câu chuyện kể.

Mỗi ngày đi qua góp nhặt lại thành miền ký ức trong cuộc đời con người. Trong miền ký ức của ngoại, bông mù u vẫn trắng tinh, trái mù u mãi xanh tươi tròn trịa.

3. Những ngày giãn cách xã hội giúp cuộc sống vốn hối hả, ồn ào của chúng ta “chậm lại”, để rồi chợt nhớ, chợt thương chuyện giản dị hàng ngày.

Cô em gái muốn được đi đây đó, muốn đến trường mà không cần đeo khẩu trang, ríu rít tâm sự chuyện ô mai hoặc chỉ cần được làm những việc nhỏ nhặt nơi giảng đường.

Cũng như em, mỗi chúng ta đều ấp ủ cho mình rất nhiều dự định với mong ước sau khi dịch bệnh qua đi, ta sẽ làm bằng được cho “đã cái nư”…

Chính những ngày “vắng hoe” này, người ta chợt nhận ra những điều quá đỗi thường ngày bỗng dưng trở thành thứ xa xỉ. Và cũng chính những ngày này cho chúng ta một khoảng trống hoài niệm, một cơ hội để tìm về ký ức “một thời đã xa”.

AN CHI