Nghệ thuật phải dựa trên nền tảng văn hóa, truyền thống

Cập nhật, 14:23, Thứ Sáu, 04/06/2021 (GMT+7)

(VLO) Tại cuộc họp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 2/6/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tập trung phát triển lĩnh vực nghệ thuật là lĩnh vực khó, đặc thù nhưng “phải dựa trên nền tảng văn hóa, truyền thống của chính chúng ta thì mới có thể phát triển bền vững, lâu dài”.

Văn Xương các- điểm nhấn văn hóa của vùng đất học Vĩnh Long. Ảnh: NGỌC TRẢNG
Văn Xương các- điểm nhấn văn hóa của vùng đất học Vĩnh Long. Ảnh: NGỌC TRẢNG

Đây cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được thể hiện trong nhiều văn bản quan trọng; đặc biệt, từ Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thời kỳ phát triển hội nhập và thành tựu khoa học- công nghệ phát triển vũ bão đã tác động mạnh mẽ, đòi hỏi một sự đổi mới không ngừng mà vẫn không làm phai nhạt bản sắc của truyền thống.

Vấn đề này, đã có những lúc ngành chủ quản chưa thể hoàn thiện những cơ chế, thể chế, chính sách phù hợp với tình hình mới, đưa đến công tác quản lý không theo kịp đòi hỏi thực tiễn, phát sinh rất nhiều “lỗi” trong lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật thời gian qua.

Thậm chí nhiều khái niệm bị “đánh tráo” dẫn đến những định hướng và quan niệm sai lệch trong một bộ phận người làm nghề, trong giới trẻ.

Sự phát triển hội nhập luôn đòi hỏi có được sự chắt lọc tinh hoa của nhân loại, nhưng một khi “bộ lọc” chưa hiệu quả, thì tất nhiên sẽ xuất hiện tình trạng xâm nhập những cái chưa hay, chưa tốt do bị ngộ nhận hoặc do sự lôi cuốn của đám đông.

Trong sự phát triển, hội nhập, đòi hỏi có sự chắt lọc trong văn hóa, văn nghệ. Ảnh: Thanh Bình
Trong sự phát triển, hội nhập, đòi hỏi có sự chắt lọc trong văn hóa, văn nghệ. Ảnh: Thanh Bình

Đồng thời, là sự “đứt gãy” tính kế thừa những giá trị tốt đẹp ngàn đời của văn hóa- lịch sử dân tộc. Từ đây, cũng dễ hình thành những cái mới chưa hay và lại dần lãng quên những cái độc đáo truyền thống.

Quá trình này ngày càng được diễn ra nhanh chóng do “thói quen” mới của thời đại, đó là tính hiệu quả, tính ứng dụng cực kỳ tiện lợi của công nghệ thông tin, không gian mạng “làm phẳng” thế giới; cho nên đòi hỏi ngành chủ quản văn hóa phải luôn kịp thời có những điều chỉnh thật sự phù hợp trong công tác quản lý với từng giai đoạn, tình hình mới.

Đó là vấn đề quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khi nói về phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Tập trung phát triển lĩnh vực nghệ thuật, đây là lĩnh vực khó, đặc thù, phải có chính sách đúng tầm, phù hợp. Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí trên nền tảng văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4- “Phải dựa trên nền tảng văn hóa, truyền thống của chính chúng ta thì mới có thể phát triển bền vững, lâu dài”.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát huy sức mạnh nội sinh của đất nước, của dân tộc, trên cơ sở bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đi, dự báo, nắm chắc tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung các quy định, tổ chức thực hiện cho phù hợp.

Người dân kỳ vọng đây là cơ sở để ngành chủ quản kịp thời chấn chỉnh một số hiện tượng chưa hay, chưa phù hợp nổi lên trong những năm gần đây trong lĩnh văn hóa văn nghệ; đặc biệt, làm lành mạnh hóa, trong sạch hóa môi trường công nghiệp giải trí.

NGỌC TRẢNG