Tản văn

Giữ mãi một mối tình quê

Cập nhật, 05:54, Thứ Bảy, 04/04/2020 (GMT+7)

Ngày nào tía chị cũng ngồi uống trà với mấy ông bạn già ở xóm. Mấy ngày nay, tía chị ngồi một mình uống trà. Nhà ai về nhà nấy uống trà. Tía chị vừa uống trà vừa nghe tin tức thời sự, tía chị theo dõi tình hình con vi rút cô rô na.

Ngồi kiểu nước ngập, dáng người nhỏ thó, tía chị bảo, nhà mình không ai được ra khỏi nhà. Chị thấy thương cho tía chị nhiều hơn, cả đời vất vả vì đàn con đông, giờ lại đến lo cho cháu.

Chị sẽ về trồng một giậu mồng tơi trước nhà để giữ mãi một mối tình quê.
Chị sẽ về trồng một giậu mồng tơi trước nhà để giữ mãi một mối tình quê.

Với giọng lạc quan, tía chị bảo, không có gì phải sợ, nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn, không tám tiết chuyện với ai. Không có gì phải mắc dịch. Ông già lạc quan, quay sang má chị bảo: “Bà không cần đi chợ. Tôi câu cá ở ao, kẹt quá thì bắt gà mà mần thịt ăn. Rau thì ra ngoài vườn hái thiếu gì, lá cách, rau mồng tơi, bồ ngót đó. Ăn cho qua đợt dịch này rồi muốn ăn gì ăn”. Má chị thống nhất liền, vì má chị cũng chẳng dám ra đường vì sợ mắc dịch. Không chỉ má chị mắc bệnh mà má chị sợ lây sang con sang cháu. Cẩn thận vẫn hơn. Vì mấy đứa con của anh, của chị chị được gửi ông bà trông hộ. Để anh chị an tâm đi làm.

Vì con vi rút cô rô na nên trường của chị tạm dừng việc dạy và học. Gia đình chị cũng về quê ở. Sáng chị cầm chiếc rổ tre ra giậu mồng tơi hái đọt non xanh vào nấu nồi canh. Đâu phải lần đầu chị hái rau đâu. Nhưng hôm nay, chị cảm nhận nó đẹp lạ, chị ngắm nghía từng trái chín bóng tím màu, đọt non tơ đu đưa theo con gió. Chị ngâm nga mấy vầng thơ của nhà thơ Nguyễn Bính: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn…”. Cuộc sống cứ nhẹ nhàng trôi và rồi chị nhớ miên man những ngày thơ bên giậu mồng tơi tím màu.

Chị nhớ những mâm cơm với món canh mồng tơi của má. Mồng tơi xuất hiện nhiều trong mâm cơm gia đình chị, với món canh mồng tơi nấu suông, mồng tơi nấu với tép. Hôm chị no cứng cả bụng với món canh mồng tơi nấu với thịt cua đồng, mướp hương. Ôi, vị ngọt của tô canh không thể nào quên. Và không thể quên những trò chơi thuở nhỏ. Nhớ thằng bạn chị hái trái mồng tơi bóp giập lấy nước đổ lên áo giả làm Võ Đông Sơ trong cơn lửa binh. Sau đó là một trận no đòn dưới tay của má nó vì cái áo đã giặt nhưng vẫn mang màu tim tím mồng tơi. Giờ bạn chị lớn chắc thấy mồng tơi là nhớ ngay một thời non thơ nghịch ngợm.

Chị hiểu ra, vì chị đang sống chậm. Mấy lần về thăm nhà, do áp lực thời gian, áp lực của cuộc sống chị không cảm nhận được. Sống chậm giúp chị thêm yêu gia đình hơn, yêu mảnh đất quê hơn. Được ăn lại những món ăn má nấu với món ăn gần gũi và dân dã. Và càng thương tía, má chị hơn, vì tay tía, má chị nay đã nhăn nhúm da. Thời gian trôi nhanh quá, đôi lúc người ta mất đi một thứ gì quý giá nhất người ta mới chợt nhận ra nên mới có từ “muộn mằn”.

Nay, những người giàu đem quà phát tặng những người bán vé số dạo trong xóm. Người giàu bảo, “có ai sống được trên thế gian này hai lần đâu”. Có thể làm bất cứ điều tốt đẹp nào hay thể hiện lòng nhân ái của mình với bất kỳ ai, người ta sẽ thực hiện ngay. Chị đã nhận ra được nhiệm vụ quan trọng nhất của chị bây giờ là sống và mang đến cho mình cùng những người xung quanh những giây phút thanh bình và hạnh phúc. Và khi hết dịch, chị sẽ về trồng một giậu mồng tơi trước nhà của chị để giữ mãi một mối tình quê.

Bài, ảnh: MAI KHA