Kết nối phố

Người ta xứ khác còn thương sông mình!

Cập nhật, 17:02, Thứ Tư, 19/02/2020 (GMT+7)

Nếu như “ai cũng có một dòng sông tuổi thơ” thì ắt hẳn dòng sông đó trong veo như Tế Hanh đã nói: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/Nước gương trong soi tóc những hàng tre” (“Nhớ con sông quê hương”). Bởi vì, con sông xưa vốn dĩ trong lành và bởi người ta có thói quen cất giữ trong lòng những hình ảnh và tình cảm đẹp nên những gì thuộc về ký ức cũng lung linh là dễ hiểu.

Riêng nói về sông, nhiều người cho rằng, thực sự là con sông xưa mới đẹp chớ sông bây giờ… đã ít đẹp hơn bởi rác và ô nhiễm. Chuyện này phổ biến từ thành thị đến nông thôn. Đặc biệt là những sông rạch ở đô thị vì đây là nơi có hệ thống thu gom, vận chuyển rác hoàn thiện hơn, sớm hơn so nông thôn nhưng ô nhiễm thì nặng hơn và nếu nói xấu thì cũng xấu hơn… Tại sao? Do sông rạch ở đô thị bị lấn chiếm phổ biến hơn, mật độ dân cư đô thị nhiều hơn, công nghiệp- dịch vụ phát triển hơn nên rác nhiều, xả thải cũng nhiều hơn… Và nếu rác, nước thải bị đổ xuống sông vô tội vạ thì sông bị ô nhiễm là điều tất nhiên.

Nhiều người cho hay, mỗi khi tiếp cận những thông tin như: ông Tây đến Việt Nam vớt rác cứu sông, bạn trẻ “mở chiến dịch” khơi thông kinh rạch… thì vừa vui vừa trăn trở. Vui vì hành động tử tế của những người “sống đẹp” nhưng buồn vì ý thức nhiều người chưa cao. Nếu mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh, mỗi người dân đều ý thức để rác, xả thải đúng quy định thì sông rạch đâu trở thành bãi rác. Như vậy, vấn đề rác đã được giải quyết từ gốc chớ đâu cần tốn công sức, thời gian, tiền của xã hội để đi giải quyết cái ngọn.

Nhiều người cho rằng, ngày trước người ta sống nương theo sông nên thương sông. Ngày nay, nước máy đến tận nhà, đường lộ phẳng phiu nên quên rằng, sông vẫn là mạch nguồn cho sự sống ngàn đời.

Một sớm mai thức giấc, hãy nhìn thẳng vào mặt sông, suy ngẫm: người xứ khác tới còn thương sông. Sao sông đó của phố mình, của quê mình, mang tươi mát- trù phú cho mình mà nỡ lòng… xem là nơi xả bẩn?

SÔNG HẬU