Hồi ức "người mang án tử hình" của đồng chí hồ minh mẫn

Đấu tranh chống Mỹ- Ngụy sau Hiệp định Genève (tt)

Cập nhật, 21:59, Thứ Tư, 08/01/2020 (GMT+7)

(Tiếp theo kỳ trước) 

Tôi chỉ đạo thêm xã An Bình. Anh Ba Mỏng- Bí thư xã- bố trí tôi ở nhà anh Sáu Thôi trên đầu cồn, rồi về ấp Bình Lương ở nhà ông Đặng Văn Bộn. Ông bà và vợ chồng anh Chín Thẹo hết lòng chăm lo cho cán bộ khi về nhà.

Nhà ông có hầm bí mật là cái đi văng 2 ngăn (hiện đang để ở Bảo tàng Vĩnh Long). Tối, ông trải chiếu, giăng mùng ngủ trên đó. Có lần đồng chí Ba Lưỡi Hái về thì tối lính xét nhà. Chúng kêu chủ nhà mở cửa, ông làm bộ mò kiếm hột quẹt đốt đèn, chờ đồng chí Ba chun xong vào đi văng rồi ông bật đèn. Chúng vào xét cùng nhà nhưng không thấy gì, nên rút đi, anh Ba an toàn.

Cũng ở ấp Bình Lương, anh Tư Lý thợ mộc cũng nuôi chứa cán bộ. Có lần tôi cải trang vô ở bán hợp pháp trong nhà anh. Anh mới mua một cái radio Philip loại lớn treo trên tường nhà. Tối lại tôi mặc bộ đồ bà ba trắng nằm trên đi văng xem anh Tư bắt radio. Anh bắt đài Hà Nội trúng giờ hát chèo, tôi không nghe được nên bảo anh bắt thử đài Sài Gòn, đài Sài Gòn tố cộng.

Tôi nổi sùng bảo anh bắt lại đài Hà Nội. Vừa rà tới rà lui tới đài Hà Nội, bỗng anh nhanh tay rà sang Sài Gòn, tôi ngạc nhiên hỏi: “Tại sao anh bắt đài Sài Gòn?” Anh không trả lời tôi mà quay ra cửa: “Thưa ông cảnh sát mới tới”. Tôi quay sang thấy tên cảnh sát xã dẫn một tốp dân vệ vô nhà.

Anh Tư Lý nói tiếp: “Ông anh cô cậu với tôi bên chợ mới qua nhà tôi chơi, tôi định qua công sở trình với ông cảnh sát nhưng bận đi không kịp, xin ông thông cảm”.

Tên cảnh sát vui vẻ nói: “Ô! Có gì đâu, gia đình anh tôi biết mà”. Anh Tư kêu con đem bánh, trà mời tên cảnh sát và mấy tên lính uống. Bọn chúng mời tôi ngồi cùng uống trà. Không biết trong số lính có tên nào biết mặt tôi không, nên tôi giả bộ đau bụng và từ chối uống trà. Bọn chúng uống trà xong kiếu từ ra đi.

Tôi nói với anh Tư: “Anh giỏi thật”. Chiều ngày sau, gia đình anh Tư có việc đi chợ, tôi ở nhà có một mình, tôi chủ quan, mặc bộ đồ bà ba đen. Tôi thấy không có ai nên đến bắt radio. Thình lình sau lưng tôi có tiếng: “Sao không đi coi đá banh mà ở nhà?”

Tôi quay ra, thì ra tên cảnh sát Lắm mà đêm hôm nó dẫn dân vệ đến. Tôi nói: “Bụng còn đau quá nên không đi. Vợ chồng chú Tư đi chợ rồi, mời ông vào”. Nói là nói vậy chớ muốn cho nó đi sớm, hắn chào tôi rồi ra đi, không biết có nghi ngờ bộ bà ba đen của tôi không và tôi cảnh giác đi sang cơ sở khác.

Năm 1958, ta liên tiếp diệt các tên ác ôn: tên Hòn ở Tân Ngãi, cảnh sát Phương ở Phú Quới, xã Tráng ở An Bình để hỗ trợ phong trào quần chúng. Chúng ra sức đánh phá ta, bắt anh Quí- Huyện ủy viên chỉ đạo Phú Quới, anh Mỏng- Bí thư xã An Bình- và đánh chết trong nhà giam Vĩnh Long. Chúng đem anh Hai Mùi- Bí thư Huyện ủy- thủ tiêu tại Cái Muồng- Phú Quới.

Cơ quan Huyện ủy di dời liên tục, có lúc đóng ở Xẻo Trầu, nhà Chín Bình, Phú Hựu. Lúc này anh Năm Châu là Bí thư, tôi là Phó Bí thư, trên bổ sung thêm một số cán bộ để bổ sung cho Huyện ủy vừa bị tiêu hao. Có lần Hội nghị Huyện ủy tại Xẻo Trầu 2 ngày phải dời về An Đức vì sợ lộ.

Căn cứ Huyện ủy ở An Đức tương đối tốt, anh Năm Kế là Bí thư xã cho chúng tôi ở vùng Hậu Thành (Long An cũ). Hội nghị thường ở nhà bà Năm Phẩm. Nhà có hầm bí mật trong nhà, sau nhà là một đường kinh, có gì thì dễ rút lui.

Một hôm, tôi và anh Năm Châu đang bàn công việc với anh Năm Kế, thì bọn lính đồn vô tới. Anh Năm Kế nhường hầm bí mật cho tôi và anh Năm Châu, còn anh rút ra ruộng lúa. Nào ngờ bọn lính thấy, chúng rượt bắt được anh đem về trước nhà đánh đập tàn nhẫn. Tôi và anh Năm Châu ở dưới hầm nghe rất rõ.

Chúng tôi rút súng lên cò sẵn, nếu chúng vào khui hầm là nổ súng. Nhưng anh Năm Kế không khai báo gì, chúng dẫn anh về đồn. Không nghe tiếng động ngoài sân, tôi hé nắp hầm hỏi con Út ở nhà coi còn lính không, nó sợ quá nín thinh bỏ đi.

Chúng tôi e rằng nó sẽ trở lại nên ra khỏi hầm, hỏi con Út. Nó nói chỉ có 4 tên lính dân vệ, với 2 cây “quảnh tầm sào”, dắt anh Năm Kế tới đồn rồi. Tôi và anh Năm Châu tức quá, vì chúng tôi có 2 khẩu súng ngắn và 4 trái lựu đạn. Nếu biết quân số ấy chúng tôi rượt theo nổ súng chắc nó bỏ chạy, ta giành lại được anh Kế. Lỡ cơ hội, chúng tôi đành lội dưới kinh ra đồng và dặn ở nhà phải lấp hầm liền. May thay nơi làm hầm không bị lộ, gia đình cũng an toàn.

Địch vẫn chưa biết cơ quan Huyện ủy về đóng ở vùng này, nhưng vì cảnh giác ta dời về vùng cống Phó Mùi, ở nhà ông Tám Cống và nhà anh Sáu Vị (ta đưa anh làm Trưởng ấp ngụy). Sau nhà có 2 bờ trâm bầu dài 200m, rậm rạp, ta đào hầm bí mật trên bờ kinh. Nhà gần quốc lộ, giao liên bán khai ghé và đi dễ dàng. Ban đêm anh em ra bờ trâm bầu ngủ, ban ngày vào nhà.

Trong xóm đó, cách 500m, có tên Long đi lính ngụy rã ngũ về thường la cà với anh Tường. Cơ quan đóng ở đây cũng ổn, nếu có động thì rút sang ngọn Ông Đệ (Hòa Hiệp).

Vào đầu tháng 11/1959, chúng tôi tổ chức hội nghị Huyện ủy để anh Nguyễn Việt Châu- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- phổ biến Nghị quyết 15 hết sức quan trọng. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày an toàn, tất cả huyện ủy viên trở về địa bàn quán triệt cho các đảng bộ, còn tôi triệu tập Chi ủy An Đức để phổ biến nghị quyết. Anh Châu đi đường công khai, nên tôi mượn lại khẩu súng của anh để trừ gian, vì súng của tôi đưa anh Tám đi diệt ác bị giặc phục kích bắt mất súng.

Chi ủy An Đức họp vào 9/11 gồm anh Huỳnh Công Thuần- Bí thư- và 2 chi ủy viên là Tư Dậy và anh Chín Xệ. Đồng chí Tây gác theo dõi ám hiệu các nơi. Ngày trước đó là ngày cúng rằm, nên anh Tương đem chè cho chúng tôi ăn, chén tô còn bỏ dưới mương liếp trâm bầu.

Khoảng 2 giờ chiều, đồng chí Tây chạy đến báo “có 2 người từ lộ Ba Kè về hướng này, có cầm dầm, không phải súng” tôi bảo coi kỹ lại phải đề phòng. Các mặt gác khác không có báo động. Đang sắp xếp đồ đạc thì bọn này nổ súng tràn vào. Tôi và Tư Dậy xuống hầm, đồng chí Thuần chạy 100m rồi chém vè dưới mương trâm bầu. Anh Chín Xệ và Tây bò dưới lúa qua bờ trâm bầu cách đó 100m, chúng bắn theo, nhưng các anh chạy thoát.

Cánh quân trước lướt khỏi nơi anh Thuần chém vè liền quay lại. Còn anh Thuần thấy nó đi qua tưởng êm, trèo lên bờ cho đỡ lạnh, anh bệnh mới hết và lảng tai nên địch tới anh không hay. Vừa thấy địch đã tới nơi, anh chạy băng qua đồng, chúng bắn anh bị thương tay té xuống ruộng, chúng đè bắt anh lôi vô vườn.

Chúng nghi còn người nữa nên bắt lính mò hết mương trâm bầu. Đến ngang hầm bí mật, chúng lấy được mấy cái chén mà chúng tôi ăn chè rồi bỏ xuống. Chúng càng nghi, vạch từng gốc trâm bầu, chúng phát hiện nắp hầm tôi và la lên “hầm bí mật đây rồi!” Hầm lúc này ngập chỉ còn 1 tấc đủ ngước mặt thở. Trong hầm tôi có một cây súng Hertal 9m/m băng đôi, mỗi băng 15 viên và 2 trái lựu đạn.

Tôi bảo chú Dậy: “Tôi bắn nó, chú tung nắp hầm lên chúng ta chạy”. Chúng đang đứng trên nắp hầm. Thình lình súng nổ 2 phát, tên lính chạy la lên “nó có súng, nó có súng”, bọn lính chạy tán loạn vì không ngờ ta có súng. Chú Dậy đưa 2 tay tung nắp hầm, nhưng 2 đầu hầm bị gài cứng dưới gốc trâm bầu. Tôi bắn tiếp 3 phát, nó dạt ra và tập trung trung liên, tự động bắn vào nắp hầm, đất văng tung tóe, lưới lửa gài dày đặc trên miệng hầm.

Tôi tiếp tục bắn 2 viên nữa thì súng tôi bị kẹt đạn, tôi liền rút nhíp lựu đạn tung lên nhưng lựu đạn lép, tôi tung trái thứ hai lép luôn. Dậy bị thương nơi bàn tay, tôi tháo súng ra không được vì súng để dưới nước bắn bị nóng, nòng bị rỉ sét gài kẹt cứng.

Tôi xé tất cả tài liệu, trong đó có giấy đi nhận 4 súng để lập đội vũ trang, tôi vò nát và đạp dưới bùn. Đang nhét xong thì địch đã chĩa súng trên đầu bắt chúng tôi lên bờ, trấn nước cho bất tỉnh, rồi lôi ra xe.

Khi đi ngang nhà dân, tôi tranh thủ nói với bọn lính: “Chúng tôi chống Mỹ và bọn tay sai Ngô Đình Diệm, còn các anh là những người bị bóc lột, đem xương máu đổi lấy chén cơm. Chúng tôi cho lính là người bị bắt buộc mà kẻ thù chúng tôi là Mỹ- Diệm”. Một số lính đi gần chúng tôi không cho bọn ác ôn đánh.

Sợ dân bị hù dọa mà khai nên tôi nói: “Chúng tôi ở lùm bụi, vừa tới bị mấy ông vây bắt” ngụ ý cho dân biết chúng tôi không có ở trong nhà nào.

Chúng đẩy chúng tôi lên xe lam, trói chặt vào thành xe rồi chở về nhà việc Long Châu.

Lúc ở dưới hầm nổ súng bắn địch, tôi định còn 1 viên đạn cuối sẽ tự sát, nhưng nửa chừng bị kẹt đạn, ý định đổ vỡ.

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)