Hồi ức "Người mang án tử hình" của đồng chí Hồ Minh mẫn

Đấu tranh chống Mỹ- Ngụy sau Hiệp định Genève (tt)

Cập nhật, 06:08, Thứ Bảy, 04/01/2020 (GMT+7)

(Tiếp theo kỳ trước)

Hàng ngày, Tám Rảnh chở tôi đi bác sĩ, trưa về nấu cơm tôi ăn. Tôi thấy phiền cho em quá, định về, nhưng hôm đó Tám Rảnh mang về một quyển sách và một số thuốc quảng cáo về trị bệnh khớp xương, tôi mừng quá nằm đọc kỹ lưỡng.

Sách nói, nguyên nhân và diễn biến của bệnh trúng ngay bệnh tôi. Cách trị phổ biến là Salycilate và iode. Tôi nhớ lại tôi đã chích trên 100 ống Salycilate rồi, đã có uống iode. Uống cả loại cao cấp là Cotisone, Hydrocotisone, nhưng sao lại không hết.

Đồng chí Hồ Minh Mẫn thời trẻ.
Đồng chí Hồ Minh Mẫn thời trẻ.

Tôi tự suy nghĩ: Đánh địch mà không bồi dưỡng ta, tạo sức đề kháng thì khó thắng địch. Từ lâu ta chỉ chích thuốc chống địch, bây giờ vừa chống vừa bồi dưỡng. Tôi định toa: vừa trị bệnh vừa bồi dưỡng sức.

Nào dè 2 ngày đầu bệnh giảm. Tôi tiếp tục trị 10 ngày, bệnh đã hết. Tôi mừng quá, nói với em tôi: đi đã 2 tháng rồi, phải về gấp để công tác trở lại, tình hình địa phương địch đang đánh phá ác liệt, em tôi đồng ý. Tuy bệnh vừa hết, nhưng hai chân đi không vững.

Tôi về ở nhà một cơ sở gần lò gạch Đông Sơn ở xã Tân Hòa. Bọn gián điệp theo dõi đồng chí Tư Dõng (chân đi cà thọt), chúng thấy tôi đi tưởng là đồng chí Tư Dõng nên báo bọn lính quận lên bao nhà, nhưng không gặp ai vì tôi đã đi Phú Quới. Qua ngày sau tôi về nghe báo lại, tôi dời ở nơi khác.

Cơ quan Huyện ủy Châu Thành, có lúc đóng ở Ngã Cạy (sông nhánh của sông Cái Cam), nay là sát sân bay Vĩnh Long. Tôi và anh Tư Hiền thường ở nhà ông Bảy Chùa.

Ông bà chỉ có một con trai là Quốc, tính tình hiền lành, tốt bụng. Ban ngày ở tại nhà, tối chúng tôi ngủ trên gác chuồng trâu. Ban đầu hôi thối quá ngủ không được, nhưng dần dần cũng quen, ngủ khò.

Chúng tôi thường qua nhà bác Ba và chị Năm Long để xây dựng hàng rào bảo vệ chúng tôi. Năm ba ngày có tên thiến heo dạo, dắt con chó bẹc-giê rất khôn ghé nhà bác thì chị Năm kiềm nó, bác Ba báo cho chúng tôi biết né tránh. Bọn này đa số là do thám. Nó vào là để ve vãn chị Năm.

Một hôm, chúng tôi đào hầm bí mật trong nhà, bưng đất đổ sau mương. Hầm gần xong thì tên thiến heo tới. Nó vô nhà ngồi ở bàn giữa. Chị Năm lấy đệm đậy lại miệng hầm, rồi ra ngồi nói chuyện với nó, tìm mọi cách để đuổi nó đi. Nhưng tính dê của nó cứ đeo mãi chọc chị Năm.

Sợ nó lọt vào phía sau là lộ hầm bí mật, nên chị làm dữ và mắng nó, bác Ba can thiệp đuổi nó mới chịu đi. Chị Năm vào giở đệm lên, nãy giờ ngộp muốn chết, nay không khí ập vào, tôi ễn ngực mà hít thở cho đã. Chúng tôi tiếp tục đào đến 9 giờ tối là hoàn thành. Từ đây hết ngủ chuồng trâu rồi.

Xóm Bà Bông và Rạch Ông Tôm xã Tân Ngãi là vùng có nhiều đảng viên, quần chúng rất tốt ở liên hoàn với nhau. Anh Hai Bá - Bí thư Huyện ủy là thổ địa tại đây.

Vợ anh Bảy Phó nhận một cán bộ bị lính Cao Đài vây bắt làm chồng để anh thoát nạn. Nhà bà Hai Nương, mà tôi gọi cậu mợ Hai, đã chứa đồng chí Hai Miêng, ngụy trang thầy thuốc Bắc để chỉ đạo TX Vĩnh Long.

Con gái cậu mợ Hai đã có gia đình ở xa, còn lại cô Tám Hoa, 16 - 17 tuổi, em Mười 9 tuổi.

Tôi về là Mười quấn quýt bên tôi. Tối nó không ngủ với mợ Hai mà qua chun vô mùng tôi ngủ. Và chính nhờ vậy mà tôi yên tâm khi xuống hầm bí mật dưới gầm giường.

Có lần tôi đi công khai ngang qua trường, Mười nhìn thấy, vừa tan học Mười ôm cặp chạy một mạch về nhà quăng cặp trên ván ngựa rồi chạy thẳng vào buồng ôm siết tôi “Anh đi lâu quá vậy, nhớ anh muốn chết, hồi nãy ngồi trong lớp thấy anh đi qua em mừng nôn, nhưng nén giữ kín tan học em mở hết tốc độ về đây, tối nay anh em mình ngủ một đêm rồi sẽ đi”.

Tôi ghì em vào lòng và nói “anh sẽ ở lại mai đi”. Từ đó về sau tôi đổi địa bàn, rồi bị bắt. Sau giải phóng tôi trở về thì cô Tám cho biết em đã hy sinh trong trận chiến đấu ở Phước Hậu.

Đến bàn thờ nhìn ảnh em, đốt cho em nén hương “Mười ơi! Anh về đây! Nhưng em đã ra đi vĩnh viễn”. Khói hương cuốn theo gió phảng phất mùi hương gợi lại những kỷ niệm xưa giữa tôi và em nhỏ.

Địch khủng bố ác liệt, đồng chí Hai Bá- Bí thư Huyện ủy- bị địch bắt. Tôi sợ anh chịu đòn không nổi, khai thì bể hết, nên tôi tạm lánh đi nơi khác. 3 tháng sau, thấy êm tôi trở lại. Trong nhà mừng quá. Mợ Hai nhìn tôi chằm chằm rồi hỏi: “Mầy bệnh gì mà xanh quá vậy hả?” (tôi lấy tên gọi ở đây là Ba Hà) - “Đâu có bệnh gì mợ! Tại ở hầm bí mật nhiều, bị rập nên xanh thôi”.

Mợ không tin “Mầy giấu tao chớ gì. Tám mầy hốt ổ gà đang ấp luộc cho anh Ba mầy ăn”. Tôi kêu: “Tám! Em không luộc nhe, anh không ăn đâu, để ấp có gà con nuôi chớ!” Tám đâu chịu nghe tôi mà đi tuốt xuống bếp, nửa giờ sau nó bưng lên một tô hột gà và bảo “anh ăn đi cho lại sức”. Lỡ rồi tôi mời mợ Hai và Tám cùng ăn cho vui.

Mợ móc túi tôi không thấy tiền liền hỏi “Mầy đi vầy tiền đâu mà xài?” “Huyện ủy cho… thật ra chỉ có sinh hoạt phí, mình ở ăn cơm của dân nên còn dư giữ để mua vặt”. “Mầy nói láo, Huyện ủy có tiền đâu” thế rồi bà bỏ đi. Một giờ sau, tay nắm một nắm bạc 500 đồng, bà nhét vào túi áo tôi bảo đem theo xài đi. Tôi lấy bạc để vào tay mợ:

- Tiền đâu mợ có?

- Ở đâu kệ tao, tao đưa là xài.

Giằng co một hồi tôi chợt nhớ, hồi nảy bà đi qua nhà Út Điệu (em dâu mợ Hai) - Có lẽ mợ đi mượn tiền. Tôi liền qua gặp chận đầu chị Út hỏi:

- Mợ Hai qua đây hỏi tiền chị hả?

- Bả nhờ tôi cho bà 10 giạ tiền lúa.

Té ra mợ đi hỏi nợ lúa non để cho tôi. Tôi móc 500 đồng đưa chị Út. Trả lại chị đó, nhưng chị đừng cho bả biết tôi trả tiền lúa lại. Chị Út gật đầu.

4 giờ khuya tôi đi. Mợ Hai thức sớm bảo cô Tám:

- Mầy xách cái đèn lồng đi dọ đường trước, nếu không có địch phục kích thì cầm cái đèn đứng lại đầu cầu ông Tôm cho anh Ba mầy đi. Còn có địch thì tắt đèn trở về.

Tám làm y theo lời mợ Hai nên tôi đi an toàn.

Năm 1957, tỉnh Vĩnh Long được phân định lại, từ sông Măng Thít giao Trà Vinh và nhập các huyện tỉnh Sa Đéc về Vĩnh Long, huyện Châu Thành nhận thêm 4 xã An Nhơn, An Khánh, An Phú Thuận và Phú Hựu.

Tỉnh điều đồng chí Ba Thái (Bửu) và anh Năm Son làm Huyện ủy viên Châu Thành, anh Hai Mùi về làm Bí thư Huyện ủy thay anh Hai Bá bị địch bắt. Rút anh Sáu Hiếu ở An Khánh bổ sung cùng chị Năm Việt, Bảy Bền làm Huyện ủy viên dự khuyết.

Chúng chà đi sát lại một số cơ sở của ta bị vỡ, số bị địch bắt bớ, số bị hy sinh, số còn lại phải đổi chỗ ẩn náu trong dân.

Trung ương Cục có Chỉ thị 17, rà soát số cán bộ bị địch truy bắt gắt, cho điều lắng đến địa phương khác, khi ổn định chỗ ở thì móc nối hoạt động lại. Anh Dõng- Phó Bí thư Huyện ủy- và anh Lê Minh được điều lắng. 2 năm sau, anh Lê Minh được rút về bổ sung Đại đội 926, Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt. Vắng bóng một số cán bộ chủ chốt, quần chúng hoang mang. Lực lượng ta sa sút.

Có một hôm tôi bơi chiếc xuồng ngang nhà anh Ba Bụng, thấy anh ôm đứa con, đọc chuyện Tây Du. Tôi ghé xuồng đến gần võng thì thấy 2 mắt anh nhắm hít, cuốn truyện đâu không thấy. Tôi vỗ vai, anh thức dậy như cái lò xo nói liền:

- Chưa đi đầu hàng sao? Tát mương lựa cá lớn chừa cho ông ăn, vợ chồng con cái tôi thường cho ông ăn đi để làm cách mạng chớ không phải để đi đầu hàng “đầu thú” nghe. Ông mà đầu hàng thì tới số với tôi đó nghe.

- Truyện Tây Du đâu mà đọc hay quá vậy?- tôi hỏi.

- Dốt không biết một chữ mà đọc cái gì cha! Ngồi nghe người ta đọc mà thuộc lòng, nhái lại vậy thôi!

Chị Ba vọt miệng:

Thằng chả sáng dạ, nhớ dai lắm, nghe đọc vài lần là ổng thuộc lòng.

Nói là nói vậy, chớ hai vợ chồng mời ở lại nấu cơm ăn rồi mới đi.

Tôi còn nhớ một lần, tôi và anh Sáu Lài- Bí thư xã Tân Hòa- họp Chi ủy tại nhà anh. Nhà anh có hầm bí mật vách đôi. Anh Sáu Lài bố trí gác các nẻo đường chính và làm ám hiệu khi có địch đến. Riêng anh Ba Bụng gác trước nhà.
Anh nói:

- Tôi đục cái mỏ cô ở sân nhà. Nếu có địch thì tôi la lớn “chó” các anh vào hầm”. Anh bảo chị Ba bắt con vịt xiêm làm thịt để anh em họp xong nhậu một trận. Đến 4 giờ chiều, giờ tan phèn rồi, anh lại chủ quan. Thình lình chó sủa dữ dội sau nhà, anh chạy ra thì thấy lính từ ngoài ruộng luồn vào vườn. Anh hốt hoảng nhảy gần cửa la “chó” rồi tiếp: “lính tới sát hè rồi!”.

Chúng tôi chun vào hầm xong là nó đi sát vách. Chúng ghé nhà nhìn sơ sơ rồi bỏ đi. Anh Ba theo nó đến đường cái, biết nó rút hết, anh trở về vỗ vách “thôi ra ăn thịt vịt mấy cha, nó rút hết rồi”. Chị Ba dọn thịt vịt và một xị rượu. Chúng tôi lai rai, tôi rót một ly
đưa anh:

Tôi phạt anh về cái tội chủ quan khinh địch, suýt chút nữa thì tụi tôi bị bắt hết thì sao?

Anh nhận khuyết điểm và hứa sửa.

Có lần tôi và anh Năm Châu- Phó Bí thư Huyện ủy mới được điều động về đi công tác xã Tân Hòa. Trời mưa rả rích, trời tối om, xa xa chỉ có những bóng đèn leo lét nổi lên bầu trời tối đen. Tôi và anh Năm Châu bơi xuồng tới lui, không biết đêm nay sẽ ngủ ở đâu, chợt anh Năm nói:

Hay mình bơi đại xuồng đến chỗ có ngọn đèn xem sao.

Nước rong tháng 8 ngập lé đé nền nhà. Xuồng tôi nhẹ cập sát vách một cái chòi, không một tiếng động. Tôi lắng tai nghe ông cụ đang rầy đứa con gái, bà cụ cũng mắng nhiếc đủ điều. Ông bà đều giận dữ. Qua ánh đèn thấy ông bà là tướng nông dân chất phác, nên chúng tôi mạnh dạn gõ cửa. Ông cụ hỏi:

Ai?

Chúng tôi trả lời: Quen bác ơi!

Ông cụ mở cửa, chúng tôi bước vô nhà, thấy cụ nhìn chúng tôi ra vẻ ngạc nhiên. Tôi liền nói:

Chúng cháu là cán bộ cách mạng chớ không phải là lính ngụy đâu. Chúng cháu đã nghe hai bác rầy em ở nhà, muốn can gián và xin hai bác tạm nghỉ đêm, đến khuya chúng cháu đi.

Thế là chúng tôi vô đề giáo dục cách mạng, thì ra rể của bác cũng tham gia cách mạng tại xã. Qua nhiều lần ở đây, chúng tôi động viên bác cho đào hầm bí mật trong nhà. Ông là Tư Dương, con gái là cô Út mà sau này chúng tôi nhờ cô làm giao liên đi tài liệu, hoặc dẫn cán bộ đi công khai.

Từ khi có hầm bí mật trong nhà thì cán bộ tỉnh, huyện thường lui tới. Nói là chòi, chứ thật là nhà gồm 2 cái cất sát nhau, nhà cách lộ độ 100m và gần lò gạch Cái Đôi. Tôi đến nhà có khi đi đường công khai, cải trang thầy chú, có khi đi đường bất hợp pháp với bộ đồ chăn trâu.

2 bác rất thương anh em, lúc rảnh rỗi hàn huyên tâm sự. Một hôm tôi xách cây súng cạc-bin từ cầu Cái Đôi vô nhà, bác Tư gái mừng ríu rít “sao lâu quá mày không về Ba”. Tôi hoạt động ở vùng đó lấy tên là Ba, bác Tư đặt thêm chữ “ốm” - là Ba ốm. Tôi trả lời “bận công việc nên về không được”. Bác bảo cô Út:

Út! Mày xách giỏ qua chợ mua 1kg tép, 1/2kg mỡ, và giá sống, rau thơm
về đây.

Tôi vội hỏi:

Mua làm gì nhiều quá vậy bác Tư.

Ử, tao nhớ mầy nói với tao hồi đi học mầy thích ăn bánh khọt đó, bữa nay tao đổ bánh khọt mầy ăn. Thật hết sức cảm động, không ngờ mình nói chơi mà bác Tư để ý lúc nào không biết.

Cũng ở xã Tân Hòa, tôi ở nhiều nơi: nhà dì Hai Tú, ông Sáu Thơm, Sáu Guốc, Hai Bồi nhưng có một nhà huyện ủy đóng cơ quan có những việc đáng chú ý.

Hôm đó, anh Ba- Chi ủy viên xã dẫn chúng tôi đến nhà anh Ba “đầu tóc”, vì anh mới 26 - 27 tuổi mà để búi tóc. Anh là giao liên xã, mới nhìn bề ngoài tưởng anh cũ kỹ lắm, nhưng bên cạnh anh luôn có cây đàn Mendoline, anh đánh nhạc kháng chiến xôm lắm.

Anh còn ông cha cũng để búi tóc, và ba em gái chưa chồng ở trong một nhà. Thanh niên lối xóm đi ngang mà ngó nhìn con gái ông, thì ông cự quyết liệt. Riết rồi nhà ông ít ai đến. Anh Ba bảo “Nhà này mà chịu chứa, thì ta ở êm lắm”, còn tôi sợ ông không chứa.

Quả thật cả gia đình vui vẻ đón chúng tôi, dù chúng tôi có vài thanh niên, nhà lá chỉ có một buồng cho các cô gái, thế mà các cô nhường chỗ cho chúng tôi làm việc và ở đây rất an toàn. Tôi cũng tự kiểm điểm quan điểm quần chúng của mình. Khi dân tin thì họ sẵn sàng hy sinh cho cách mạng.

Ông Út Chề ở xép Ông Thiệt xã Tân Ngãi, làm ruộng mỗi năm trên 200 giạ lúa mà cơ quan Huyện ủy và cán bộ ăn hết, ông Út và các anh các cháu trong xóm đều nuôi chứa anh em cách mạng. Sau này ông và anh Tư Trợ (cháu) đều được kết nạp Đảng.

(Mời xem tiếp trên số báo tới)