Hồi ức "người mang án tử hình" của đồng chí Hồ Minh Mẫn

Đấu tranh chống Mỹ- Ngụy sau Hiệp định Genève (tt)

Cập nhật, 05:36, Thứ Ba, 31/12/2019 (GMT+7)

Chi bộ xã Phước Hậu trên 60 đảng viên, nhưng sau khi phân hạng thì hạng A và hạng B còn trên 40. Đồng chí Ba Đỗ- Bí thư xã- bị địch bắt, trên chỉ định ông Tư làm bí thư.

Tiếp xúc vài ba lần với ông Tư, tôi đánh giá ông này không đủ năng lực lãnh đạo xã, trình độ quá kém, lại nặng gia đình, nên về sau đưa Năm Mẹo rồi anh Danh thế. Tôi bàn cùng Xã ủy xây dựng căn cứ Huyện ủy ở Phước Hanh, Phước Lợi B, Phước Ngươn.

Một lần tôi tổ chức hội nghị Huyện ủy ở ấp Phước Hanh. Chị chủ nhà có một em đi lính dân vệ xã. Khoảng 9 giờ sáng, anh lính dân vệ về thăm chị, vào nhà kêu chị Hai ơi rùm trời.

Chị Hai hốt hoảng chạy ra cản em không cho vô buồng, hai người đẩy tới, đẩy lui, rốt cuộc cậu dân vệ lọt vào buồng gặp Huyện ủy đang họp.

Chú dân vệ nói: “Các anh đừng sợ, tôi không làm lộ chỗ ở của các anh đâu”. Chúng tôi mời anh ngồi xuống rồi giáo dục động viên anh bảo vệ cách mạng.

Anh rất vui lòng. Anh dân vệ đi với ý thức cảnh giác, chúng tôi dời chỗ họp. Đúng như nhận định, anh dân vệ giữ bí mật và bảo vệ tốt cơ sở ta.

Tề xã, từ Chủ tịch Hội đồng xã đến cảnh sát và dân vệ, ta nắm gần hết. Nhà vợ tôi ở gần đồn xã. Khi tôi về nhà thì cho anh em cơ sở trong dân vệ hay, nếu có lính quận vô đồn thì báo trước để tôi né tránh.

Có lần Tư Công- ủy viên cảnh sát nói với tôi: “Tên quận Đăng nó nói anh đi hoạt động chớ không phải về quê đâu. Nó bảo tôi bắt anh đó. Hãy cảnh giác đừng chủ quan”.

Có khi phải cải trang đi công khai, hội nghị thanh vận Vĩnh Trà 9/1954 tôi mượn quần áo, nón của y để mặc.

Tôi biết anh Mười Huệ tổ chức đưa anh vào cảnh sát. Năm Mậu Thân 1968, bộ đội đánh vô thị xã bắt Tư Công (lúc đó là Chủ tịch Hội đồng xã) giết chết. 3 đứa con trai liền đi bộ đội đã hy sinh 2, còn 1 vào Đảng không được, sau giải phóng về nhà. Một nghịch cảnh đau thương.

Có lần tôi bơi xuồng từ Phước Hậu xuống Hòa Hiệp thỉnh thị Tỉnh ủy về thơ mời của Tiểu đoàn Hòa hảo bị Mỹ Diệm đánh chạy khỏi Cái Vồn, tiểu đoàn này thương lượng nạp vũ khí cho ta. Tính tôi dè dặt, nên gói cái thơ đút vào bẹ chuối tát nước xuồng rồi bơi xuồng đi.

Ngang đồn trong lúc bà con đi làm giấy rất đông, tôi hỏi một dân vệ “có lính quận vào không? Y trả lời “không”.

Tôi yên tâm bơi xuồng vào ngọn Mương Kinh qua An Đức. Vào khỏi Mương Kinh tôi thấy một tốp người đi trên 3 chiếc tam bản, đầu đội nón lá, mặc đồ nông dân.

Tôi bơi lẹ vượt qua họ. Nhưng vừa ngang tam bản họ, một tên lấy nón lá đậy cây súng tiểu liên, nhưng cái nón không che được cây súng, chúng biết tôi biết chúng là lính nên kêu: “Xuồng kia lui lại, đi đâu đây?” Tôi nói: “Tôi đi đám giỗ bà ngoại tôi ở Ba Kè”.“Gói gì đó?”, chúng hỏi tiếp “Bộ quần áo tôi mang theo thay, ăn giỗ mà!”

Trong lòng hồi hộp vì mình đi chiếc xuồng nhỏ kiểu Việt Minh, bộ đồ mặc cũng bà ba đen, chắc nó nghi mình. Chúng nhìn tới nhìn lui rồi ra lệnh: “Lui lại, đi sau tụi tao”.

Tôi đành lui lại và tiếp tục chầm chậm bơi tới. Độ 500m, tất cả 3 ghe ghé bờ bao vây một nhà nông dân. Sau này mới biết chúng được tin mật báo nên vây bắt đồng chí Nghị- nguyên là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Phước Hậu, nhưng đồng chí Nghị đã đi nơi khác rồi.

Ở Phước Ngươn, tôi ở nhà chị Ba Đổ. Anh Ba là Bí thư xã Phước Hậu, có làm vách đôi trong nhà. Anh bị địch bắt nhưng chị Ba vẫn giữ hầm bí mật này để nuôi chứa cán bộ.

Địch theo dõi rượt bắt anh Năm Châu, chị Năm Việt nên chúng xét nhà lòi hầm bí mật, chị Ba chạy thoát. Gần nhà chị Ba, tôi thường ở nhà chị Năm Bền.

Anh Năm bị địch theo dõi bỏ chạy xuống Sóc Trăng. Nhà chị có một hầm bí mật trong cái bồ lúa vuông đóng bằng gỗ. Hầm này rất an toàn, anh Tư Hiển binh vận thường ở đây.

Nhà đồng chí Chín Nhỏ gần ngã ba Đình cũng xây một hầm bí mật giữa cây rơm. Cái Tết 1957, địch ráo riết càn quét, tôi và đồng chí Ba Thà ở trong cây rơm suốt ngày, tối mới ló ra cho đỡ ngộp, thế mà đồng chí Chín Nhỏ vẫn dọn cho chúng tôi trà bánh ăn tết trong hầm.

Căn cứ Huyện ủy đặt ở Phước Lợi B, anh em thường ngủ ban đêm ngoài vườn để gần hầm bí mật. Có một lần tôi phải đi An Bình để dự cuộc họp chi bộ xã đã triệu tập.

Tối đêm đó, tôi ngủ sớm, đến khuya thức dậy rọi đèn thấy nhấp nhá là 4 giờ rồi. Tôi mặc đồ xuống đẩy tam bản chèo đi kịp tháp tùng bà con đi chợ Vĩnh Long cho địch không nghi.

Tôi chèo nước xuôi nên đi rất nhanh. Hai bên bờ sông không thấy nhà đốt đèn, dưới sông không có một xuồng đi chợ, tôi sinh nghi “hay là ta coi đồng hồ lộn”.

Trời im phăng phắc, chỉ có tiếng chèo khuấy nước của tôi. Trước mắt tôi là bụi gừa tàn che kín con sông, tam bản tôi nhè nhẹ trôi dưới tàn gừa. Bỗng từ Tây sang Đông, một cục ánh sáng lù lù trên trời, phát ra tiếng kêu thấy lạnh cả người.

Tôi biết đây là chất lân tinh cháy, chớ không phải bà xẹt như những người mê tín dị đoan nói. Tôi coi lại đồng hồ qua ánh sáng ấy thì thấy kim chỉ mới 1 giờ khuya. Tôi thất vọng đành ghé tam bản đậu lại chờ sáng cùng đi ngang chợ với bà con.

Địch đánh hơi ta hoạt động mạnh, nên đưa 1 trung đội biệt kích, chà đi xát lại tại Phước Hậu. Cơ sở ấp Phước Ngươn bị phục kích liên tục. Tôi phải về cơ sở sát đồn Đìa Chuối, xóm nhà anh Tư Chưởng.

Hôm đó, tôi đang ở trên bồ lúa trong buồng nhà anh Tư Chưởng, thì trung đội biệt kích hành quân về đóng quân tại nhà anh Tư Chưởng.

Gió thổi màn vén qua tôi thấy rõ, khẩu súng trung liên chúng để tại cửa và Ban Chi ủy Trung đội ở đó. Tôi đang lo lắng “chúng xét nhà là ta bị bắt, vì không có hầm bí mật, vả lại đây là tháng 8 âm lịch, nước ngập mênh mông”. Tôi sợ rủi tôi bị ho lên thì địch sẽ phát hiện.

Nhưng thấy bọn chúng đi vô ra nhà không có vẻ gì nghi ngờ. Anh Tư Chưởng thỉnh thoảng đi qua bồ lúa, cốt để tôi có ho thì anh hứng chịu. Chiều lại chị Tư quăng lên cho tôi hai đòn bánh tét để ăn.

Tối lại tôi lẻn ra đi đến nhà có hầm bí mật, nhưng ở đâu chúng cũng phục kích, tôi quay lại nhà anh Tư Chưởng. Ở sau nhà có bờ trâm bầu rậm rạp để tạm né.

Nào ngờ có mấy người đi đập chuột dài theo bờ, tôi hết tránh, đành trật quần giả đi tiểu. Tuy vậy, mấy anh biết tôi là cán bộ nên rủ đi nơi khác.

Chiều lại địch rút quân, tôi vô nhà. Vợ chồng anh Tư Chưởng hỏi “đói lắm phải không? Thôi bữa nay ăn cơm thỏa mãn nhé!”

Ở Phước Hậu, tôi ở rất nhiều chỗ: nhà anh Bảy Chuột, Bảy Đuông, Hai Chà, và lần ra xã Tân An ở nhà bà Bảy.

Có lần tôi hẹn 4 giờ khuya, giao liên rước tôi tại vựa lá đồng chí Bảy Khá (cầu Kinh Cụt). Đến giờ, tôi đến nhà bà Bảy để cùng đồng chí Ba Ngay đi ra trại lá. Hôm đó tôi không đi cửa trước mà đi cửa sau. Vào nhà không gặp ai, tủ nhà bị lục tung, sách vở tung tóe.

Tôi nghi có cái gì đây. Tôi vào buồng mở nắp hầm bí mật, chẳng có ai. Tôi liền đi thẳng ra cầu tiêu sau vườn coi Ba Ngay có đi tiêu không, nhưng chẳng có một ai.

Trời tối im phăng phắc, tôi quả quyết có địch xét nhà. Tôi quay về cơ sở rạch Ông Thuẩn chờ người là cơ sở đi dọ hỏi. Đi đến cửa nhà bà Bảy, gặp bọn lính phục kích xét giấy.

Anh Ba Ngay nói: Anh đi chợ, chúng thả anh về. Biết bị lộ, tôi liền kêu một chiếc xe lôi của cơ sở mà chạy về An Đức.

Lúc tôi chỉ đạo xã Long Hồ, Long Mỹ, thường ở nhà anh Ba Thăng. Trong những năm 1947- 1948 anh là Huyện đội phó huyện Nhứt, nay anh về ở hợp pháp tại ấp Long Thuận, xã Long Hồ, vợ anh chỉ cho tôi nghề đan giỏ xách bằng cây lùng.

Tôi đan mỗi ngày 4- 5 giỏ. Chị Ba đi bán giùm. Thật sự, tôi định đan tiếp chị Ba để có tiền tiếp gia đình, nhưng chị kiên quyết không lấy.

Lúc này, bệnh đau khớp xương của tôi hoành hành, các anh đưa tôi đến ở nhà anh Ba Lỳ. Nhà anh Ba làm trại lá. Em chị Ba là Tộ- đoàn viên Thanh niên lao động. Anh chị Hai (chị Ba) làm nghề cạo heo, sáng nào chị cũng mang cho tôi một tô cháo toàn thịt và tim gan.

Anh chị Ba Lỳ nuôi tôi hết sức tận tình, đầu giường tôi nằm luôn có nước cam vắt, hoặc cà phê sữa, các con của anh chị hết sức chất phác dễ thương.

Bệnh tôi trị không thuyên giảm. Y sĩ đâu có túc trực, trạm xá lại không có, nên tôi phải tự chích cho tôi. Thuốc trị là Salycilat de soude 100c, phải chích mạch máu mới khó. Hễ trịch khỏi gân là bị áp-xe và nhức nhối lắm. Có lúc uống hoặc chích Filatow nhưng không hết bệnh.

Tỉnh ủy kêu tôi tìm người quen lên Sài Gòn trị. Tôi liên lạc với dì Tám Hoa (em chú bác với vợ tôi), tổ chức tôi lên gặp em tôi (con cô Tám) là Tám Rảnh để ở điều trị.

Tám Hoa là Thường vụ Ban Chấp hành Phụ nữ Cái Ngang, đình chiến ở miền Nam hoạt động hợp pháp, có chồng về Sài Gòn, còn Tám Rảnh ở Công đoàn tỉnh Vĩnh Long, sau về làm xướng ngôn viên Đài Tiếng nói Sài Gòn, Chợ Lớn tự do của Khu ủy Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định. Sau đình chiến về làm báo ở Sài Gòn hoạt động hợp pháp.

Tám Hoa tổ chức một chiếc xe Jeep, chồng cô lái xe. Để đối phó với những bất trắc trên đường đi, Tám Hoa kêu một đứa cháu làm việc cho ngụy Sài Gòn ngồi xe.

Bữa ấy, tên quận Đăng cùng bọn lính ở Ngã Ba, xe phải chạy ngang. Tôi nép mình tránh mặt nó, còn cháu của cô Tám Hoa ngồi trước. Đi ngang qua, lính kêu xét, cháu cô Tám Hoa móc giấy ra đưa rồi nói: “Xe tôi mà muốn xét hả?” Bọn chúng sợ bảo: “Thôi đi đi”. Hú vía!

Từ Vĩnh Long về Sài Gòn an toàn, xe tới cầu Bình Điền thì ghé vào một quán nhậu nổi tiếng “Quán Ba Râu”. Sĩ- chồng Tám Hoa- nói: “Tới đây là yên tâm rồi, thôi vô đây nhậu một trận”.

Chúng tôi kêu món ăn, thật ra Sĩ mới rành món nhậu ở quán này. Tiếp viên đem ra một dĩa tôm nướng cỡ lớn, 1 con cá lóc nướng trui, rau húng rất tốt lá, mùi thơm kích thích cái bụng đói. Tôi ngồi đó, không ăn được, trong bụng lo lắng, không biết ngày mai ra sao, ăn ở trị bệnh thế nào để sớm về công tác.

Xe về Sài Gòn, ghé nhà anh Bảy (anh chị Ba Đổ), ở một ngày thì em tôi Tám Rảnh đến rước về nhà trọ của Tám Rảnh mướn một căn của cơ sở mộc của chị Sáu.

Đầu tiên tôi đến bác sĩ chuyên khoa Hoàng Mộng Lương, rồi bác sĩ Ngỡi (đối lập với Ngô Đình Diệm), đi 6 bác sĩ nhưng bệnh không giảm.

Nhà cũ chật, Tám Rảnh mướn nhà để tôi về ở với anh Tư và Hoài Trinh (viết báo Sài Gòn). Qua giao dịch, tôi biết các anh là dân kháng chiến, bộc lộ tư tưởng chống Diệm, nhân ngày 26/10, ngày quốc khánh của Ngô Đình Diệm, anh Tư rủ tôi đi Gò Vấp, nơi đó có một ngôi chùa mà chủ là một nhà sư bị Diệm đuổi khỏi núi Bà Đen.

Chúng tôi đến nơi thì nhà sư tiếp chúng tôi vui vẻ, nhà sư hỏi: “Bữa nay sao trôi dạt về đây?” Anh Tư trả lời “ghét cái ngày quốc khánh mới về đây”.

Nhà sư hỏi: “Bữa nay ăn chay hay ăn mặn? Thấy tôi lạ mới đến, sư liền nói: “Ở đây một tháng ăn chay tám ngày, còn bình thường ăn mặn”.

Tôi nói: “Đã đến chùa ăn chay cho hợp lẽ”, thế rồi thầy mời chúng tôi vào phòng và tố cáo chế độ Diệm, gia đình trị và đàn áp Phật giáo, đuổi sư không cho bói sậm ở núi Bà Đen.

Ở nhà buồn đọc báo, toàn là những bài nhảm nhí. Một hôm tôi nói với Hoài Trinh: “Vì sao anh không đề nghị với bà Bút Trà mở trang phóng sự cho xôm”.

Hoài Trinh đáp: “Bà này sợ Bộ Thông tin lắm, thôi để tôi đề nghị xem sao!”. Thế là bà Bút Trà mang đề nghị lên Bộ Thông tin xin mở mục “Phóng sự đô thành”.

Bộ lấy viết chì đỏ đánh một dấu hỏi to tướng vào chữ “Phóng sự”. Thế là bả xanh mặt rút lui, Hoài Trinh thuật lại thái độ sợ hãi của bà Bút Trà và nói: “Tôi cũng muốn viết lắm chớ, nhưng ở đây có cái thứ tự do báo chí đó, tự do viết, tự do vô tù”.

Thời kỳ này ta chủ trương đấu tranh dân sinh dân chủ, dần đến đấu tranh chính trị. Tôi thấy bệnh tôi không thuyên giảm, đi đứng không được, nên có ý định dùng “viết”, dùng ngòi bút mà chiến đấu, nên muốn mở trang phóng sự mà chen bài mình vào giáo dục quần chúng.

Tuy vậy, tôi vẫn viết bài hợp pháp gởi các báo chung quanh dân sinh dân chủ. Có những bài tôi đưa Tám Rảnh coi, y nói: “Anh viết tôi đọc biết ngay anh là Cộng sản, hoặc thân Cộng sản. Một bài báo có hàng chục ngàn người đọc, anh phải khoác cái áo dân dã mà viết”.

Tôi thấy có lý nên sau này viết chặt chẽ hơn. Tuy vậy bọn mật thám đánh hơi, sau khi tôi rời khỏi Sài Gòn, năm sau chúng bao bắt Tám Rảnh, nhưng Tám Rảnh chạy khỏi.

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)

(Tiếp theo kỳ trước)