Hồi ức "người mang án tử hình" của đồng chí Hồ Minh Mẫn

Đấu tranh chống Mỹ- Ngụy sau Hiệp định Genève (tt)

Cập nhật, 05:10, Chủ Nhật, 29/12/2019 (GMT+7)

(Phần tiếp theo kỳ trước)

Sau Hiệp định Genève (1954), Mỹ ép Pháp đưa Ngô Đình Diệm về thay Bửu Lộc làm thủ tướng, và trực tiếp viện trợ cho Diệm.

Diệm dùng viện trợ nắm lấy quân đội, gạt tướng Nguyễn Hinh, đưa Lê Văn Tỵ lên, dùng quân đội đàn áp các giáo phái Hòa hảo, Cao đài, Bình xuyên và số thân Pháp, tổ chức tổng tuyển cử lật đổ Bảo Đại và đòi quân Pháp về nước như hiệp định đã ký.

Diệm lập bộ máy cai trị từ Trung ương đến xã ấp, gần 1 triệu đồng bào Công giáo bị gạt di cư vào Nam làm hậu thuẫn cho Diệm.

Chúng suy tôn Diệm, đưa ra thuyết duy linh, thành lập Đảng Cần lao nhân vị, tổ chức phong trào cách mạng quốc gia, thanh niên cộng hòa… Chúng mị dân bằng tuyên bố “kháng chiến là có công, cộng sản là có tội” nhưng thẳng tay đàn áp người kháng chiến và không thi hành Hiệp định Genève.

Chủ trương của ta là củng cố Đảng bộ, tập hợp số đảng viên còn ở miền Nam, chuyển hướng hoạt động bí mật trong lòng địch, giải tán các hội cứu quốc, chỉ còn Đoàn Thanh niên lao động, tổ chức các tổ chức hội biến tướng do Đảng lãnh đạo qua các tổ nòng cốt.

Mục tiêu đấu tranh là đòi thi hành Hiệp định Genève, đòi hiệp thương tổng tuyển cử, đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, chống bắt bớ người kháng chiến, đòi dân sinh, dân chủ, cài người vào bộ máy ngụy quyền, làm công tác binh địch vận, súc tích lực lượng cho cách mạng miền Nam sau này.

Từ giã những người thân một cách âm thầm vì phải giữ bí mật, tôi bơi xuồng về Danh Tấm (xã Hậu Lộc) gặp anh Hai Tý- Chi ủy viên.

Anh báo lại với tôi tình hình địch, cơ sở ta, số đảng viên cán bộ và cơ sở quần chúng, Chi ủy chỉ còn anh Hai Tý và chị Năm Trầu, tôi là bí thư.

Anh dẫn tôi gặp gia đình má Ba, má Bảy, chọn nơi ở để hoạt động. Nhà má Bảy còn ông Bảy và một con là chú Em đã có vợ và một con, là nơi thuận lợi để tôi nhập thân. Thế là tôi bơi xuồng về Phước Hậu để báo cho vợ tôi hay tôi đã nhập thân về xã Hậu Lộc.

Tôi còn nhớ một chuyến đi từ Cái Sơn về Phước Hậu, tôi ghé xuồng tại chợ Ba Càng mua cái gì ăn đỡ lòng. Đang khom lưng lấy gói xôi, thì một tên lính vỗ vai tôi: “Anh Mẫn, không đi tập kết sao còn ở đây?”

Tôi ngoảnh lại nhìn trân trân vào y, hắn hỏi tiếp “bộ anh quên tôi rồi sao?” tôi chực nhớ ra: Hắn là Tám- Ấp đội phó du kích tại nghiệp ấp An Hiệp (xã Long An), lúc tôi là chính trị viên Xã đội. Tôi làm ra vẻ mừng rỡ hỏi thăm sức khỏe hắn.

Hắn mời tôi “Về đồn tụi mình tâm sự. Đồn tôi bên kia đầu cầu”, tôi khéo từ chối vì không biết hắn có ác ôn không? Dường như hắn đoán tôi không tin hắn nên nói: “bộ anh sợ tôi bắt anh à? Tôi xưa và nay cũng vậy thôi. Nếu bận thì anh đi, khi rảnh anh ghé tôi chơi”.

Tôi xuống xuồng đi mà còn ngoái lại nhìn coi hắn có theo bắt mình không. Ngày giải phóng 30/4 tôi có đến nhà thăm anh, anh vẫn vui vẻ nhắc lại chuyện xưa và nói: “Tôi biết anh ở lại hoạt động chứ, tôi mặc đồ lính mà lòng thì của ta mà”.

Tôi trở về ở nhà má Bảy. Cả gia đình rất vui. Lúc rảnh rỗi tôi kéo mô trồng dưa leo, cải. Tết đến dưa cải ăn không hết cho cả xóm.

Chi bộ được tập hợp gồm số đảng viên sống hợp pháp, số bất hợp pháp và số từ các cơ quan trên điều động về.

Sau có một số bộ đội được tuyển học tập ở Cà Mau rồi đưa về địa phương mai phục lâu dài. Chi ủy được bổ sung thêm anh Trọng và Tư Nam (ngoài tôi, anh Hai Tý, chị Năm Trầu).

Có lúc tôi về ở nhà anh Năm Huyện (con của cậu tôi) ở Cai Quá, nhưng chủ yếu vẫn ở nhà má Bảy và má Ba, vì vùng này đảng viên ở đây đông. Chị Bảy cùng chồng là Yến, con má Ba đều là đảng viên.

Một hôm tôi và đồng chí Ngươn ở Huyện đoàn (lúc đó là cán bộ thanh vận) phụ vợ chồng chị Bảy cất cái nhà lá. Chúng tôi dựng cột, gác kèo và cột đòn tay gần xong thì ông Bảy đến nhìn tới nhìn lui giàn nhà rồi ông la: “Sao tụi bây gác kèo giọng phá, còn đòn tay 8 cây là sai rồi, trúng trực nguy rồi, thôi tháo ra làm lại”.

Tôi nói: “Sớm mai đến giờ mệt quá rồi ba ơi, thôi đi, nhà bằng tre lá mà làm gì đủ quy cách vậy”. Má Ba nghe ông Bảy nói cũng đồng tình: “Thà không biết thì để vậy, mà thợ phát hiện rồi phải sửa con ơi!” Thôi thì đành bỏ công tháo ra làm lại từ đầu.

Ngụy ra sức lập lại chính quyền, kêu gọi dân làm giấy kiểm tra, chúng gạt dân rằng kháng chiến là có công mà Cộng sản là có tội. Chúng bày trò lừa mị dân trong vùng giải phóng, xóa thành quả về tạm giao tạm cấp đất, phục hồi địa chủ.

Xây dựng bộ máy tề xã, ấp, lập dân vệ, bảo an khắp nơi. Lợi dụng cơ hội này, ta cài người vào tề, ngụy hợp pháp hóa số cán bộ của ta từ địa bàn khác về địa bàn này.

Riêng ở Hậu Lộc, bộ máy tề còn là số cũ chúng dựng lên khi chúng đánh chiếm Ba Kè. Tuy vậy, ta vẫn móc nối tổ chức được họ.

Bí thư Huyện ủy Cái Ngang lúc này là anh Chín Ngự (khi lập Huyện ủy Tam Bình thì đồng chí Kính thay). Tháng 10/1954, tỉnh Vĩnh Trà tách thành tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, huyện Cái Ngang chia lại huyện Châu Thành, Tam Bình và Trà Ôn.

Tôi được bổ sung vào Huyện ủy, Huyện ủy viên phụ trách Thanh vận kiêm Bí thư xã, sau một tháng tôi được Huyện ủy phân công, chỉ đạo Xuân Hiệp, Thới Hòa, Hòa Bình thay anh Tám Vĩnh (Huyện ủy viên) có lúc phụ trách chỉ đạo Mỹ Thạnh Trung, Song Phú.

Sang tháng 5/1955, tôi được Tỉnh ủy điều động bổ sung Huyện ủy viên Châu Thành, Bí thư Huyện ủy Châu Thành là Cao Thanh Viễn, Phó Bí thư là anh Trần Đẩu (Tư Dõng).

Công việc được phân công đầu tiên là xây dựng Chi bộ Long Đức (xã Thanh Đức ngày nay) đã bị địch đánh rã. Tôi gặp một số đồng chí cũ: chị Tư Đức, anh Mười Mặn.

Trên bổ sung anh Tư Dần (gọi là Tư Lu vì anh có nghề nắn lu xi măng) về Huyện ủy, anh ở hợp pháp tại xã Thanh Đức. Sau bổ sung chị Sáu Xây, từ đây chi bộ được thành lập và xây dựng nhanh chóng cơ sở ấp Thanh Mỹ và Sơn Đông.

Sau này Huyện ủy điều động đồng chí Bảy Già và Bộ Báu bổ sung về chi bộ, chi bộ hoạt động gầy dựng cơ sở nhanh nhờ tổ chức Đoàn Thanh niên lao động, mà tích cực ở vùng Cái Sơn Bé là đồng chí Ba Sáng.

Tôi ở nhà anh Sáu Sứ. Vợ chồng và các em vợ đều là công nhân lò gạch Chín Hủ. Để hợp thức hóa tôi và anh Tư Dần (Tư Lu) anh Bảy Đồng làm một trại nắn lu xi măng chở đi bán (tạo thế hợp pháp để đi lại các xã).

Anh Tư Dần chỉ cho nắn lu, tôi cố học, trong vài lần nắn là tôi rành nghề. Mỗi ngày rảnh tôi nắn được 3 lu (loại đựng 3 giạ).

Tôi cũng ở nhà bà Tám- mẹ anh Tư Be, anh đi bộ đội rồi rã ngũ về nhà làm ăn. Anh Ba Tý là anh của Tư Be, làm hầm bí mật nuôi anh Năm Châu, Sáu Bé, Bộ Báu. Hầm bí mật lộ, giặc bắt anh Ba Tý ở tù 3 năm. Trong công tác ở đây có lúc tôi ở công khai với danh nghĩa chủ lò gạch, lúc ngủ trong lùm bụi bất hợp pháp, lúc bán hợp pháp.

Lúc này tôi còn được phân công chỉ đạo xã An Bình, Phước Hậu, Tân An.

Năm 1957 là năm Ngô Đình Diệm ra sức đánh phá ta bằng các “chiến dịch diệt cộng”, cơ sở ta bị địch bắt, một số bỏ địa phương chạy nơi khác, một số đầu hàng địch.

Tại Thanh Đức, hiệp hội chủ nhân lò gạch do chủ lò Vạn Sương làm chủ tịch đã đồng loạt hạ giá in xuống 10% vì lý do bị lỗ lã. Cơ sở trong các lò gạch bực tức đề nghị có biện pháp đối phó.

Chi bộ họp lại bàn bạc và kiến nghị Huyện ủy, Tỉnh ủy, lãnh đạo đình công toàn tuyến lò gạch từ huyện Châu Thành đến huyện Mang Thít trên 2.000 công nhân với yêu sách “giữ giá in và lương như cũ”. Tỉnh ủy và Huyện ủy đồng ý cử đồng chí Tư Cẩn xuống cùng tôi chỉ đạo cuộc đình công.

Ta cũng quyết định đưa người lên nghiệp đoàn tỉnh cho lập nghiệp đoàn công nhân lò gạch để công khai lãnh đạo đình công. Anh Tư Be cốt cán của ta đưa làm chủ tịch nghiệp đoàn.

Ngày đầu tiên 4 lò gồm: lò Tàu Hỷ, lò Vạn Xương, lò Tọt Xi, lò Ba Địa, đình công trước. Sau 3 ngày toàn tuyến lò gạch đã đình công. Chủ nhân thì hăm dọa công nhân, đe dọa cho bọn công an, dân vệ bắt, còn dân vệ và bọn ác ôn, tình báo rình rập tuần tra, phục kích quanh các lò.

Cuộc đình công kéo dài đã hơn nửa tháng. Công nhân không tiền mua gạo ăn, một số dao động, bọn chủ mua chuộc một số ít đi làm, ta viết thơ cảnh báo rải ở các lò đó.

Bọn dân vệ lấy cớ truyền đơn rải ở lò nên phục kích ngày đêm quanh lò, trên đường, làm ta đi lại khó khăn, tình thế bức bách buộc tôi cải trang, mặc âu phục, xách ba-ton đến các lò để tranh thủ, vì chủ lò này tốt.

9 giờ sáng, tôi bước vào văn phòng gặp ông chủ và tự xưng là người của cách mạng, yêu cầu ông giải quyết yêu sách của công nhân. Ông nói “Các chủ lò đồng ý yêu sách thì tôi đồng ý theo”. Mặt khác, chúng tôi viết thư cảnh cáo chủ lò Vạn Xương ác ôn.

Để nuôi dưỡng cuộc đấu tranh, chi bộ vận động nông dân tốt giúp đỡ gạo cho anh em công nhân ăn để kéo dài cuộc đấu tranh.

Tôi mời Chủ tịch Hội đồng hương chính xã Long Đức là xã Điền (người ta đưa vào) hối thúc chủ và công nhân họp lại giải quyết tranh chấp.

Lần đầu chủ vẫn giữ lập trường, công nhân đấu lý với chủ, cuộc giải quyết không thành.

Lần thứ hai, chủ đồng ý giảm 5% chứ không giảm 10% như ban đầu, cuộc đình công đã đúng một tháng sức ta cũng sa sút sau khi chúng bắt ban chủ nhiệm nghiệp đoàn. Tỉnh ủy và Huyện ủy đồng ý kết thúc đình công với thắng lợi một bước, sau sẽ củng cố và tiếp tục đấu tranh.

(Mời xem tiếp trên số báo tới)