Viết ngắn

Ca dao- tục ngữ

Cập nhật, 05:29, Thứ Ba, 05/11/2019 (GMT+7)

Ngoại tôi biết đọc, biết viết là nhờ phong trào bình dân học vụ. Cùng lứa tuổi với ngoại, ở quê tôi hầu hết đều không được học hành. Dù ít chữ nhưng ngoại tôi là một kho ca dao, tục ngữ.

Bất cứ công việc gì, muốn khuyên con cháu những điều gì... ngoại đều vận dụng ca dao, tục ngữ một cách nhuần nhuyễn và chuẩn xác. Khuyên tôi cố gắng học hành cho bằng bè bạn thì:

“Thua thầy một vạn không bằng kém bạn một ly”.

Động viên tôi hăng hái tham gia phong trào quyên góp, giúp đồng bào lũ lụt:

“Một nắm khi đói bằng một gói khi no”.

Dạy tôi hãy yêu thương đồng loại:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn”.

Khuyên tôi phải nghe lời cha mẹ:

“Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư”.

Đôi khi là một câu “nho học”:

“Nhất tự vị sư, bán tự vi sư” (Dạy một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy).

Và thực tế, ngoại vẫn gọi những người đã dạy trong phong trào bình dân học vụ là thầy, cô; dù sau này không ai còn dạy nữa. Và những thầy cô đó đều đáng tuổi con, cháu của ngoại mà thôi...

Giờ đây, tôi đã trưởng thành và đi làm ăn xa xứ. Chốn thị thành, ngày ngày tôi vẫn nghe đủ giọng nói Bắc- Trung- Nam, cả Châu Âu, Châu Mỹ... mỗi đêm lúc nghỉ ngơi, tôi lại thèm vô cùng giọng ngoại tôi đọc những câu ca dao, tục ngữ hồn dân tộc:

Đi xa con nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương...

BÙI KIM THÀNH