Khám phá Bảo tàng Chăm Đà Nẵng

Cập nhật, 16:57, Thứ Ba, 19/11/2019 (GMT+7)

Đến thăm TP Đà Nẵng- dải đất thơ mộng bên bờ biển Đông lộng gió của miền Trung Việt Nam, sau khi tham quan những di tích thắng cảnh tuyệt vời của thành phố biển, nếu du khách không ghé tham quan Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm thì sẽ là một thiếu sót đáng tiếc!

Tham quan Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm.
Tham quan Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm.

Bảo tàng nằm ngay dốc cầu Rồng nổi tiếng. Đây là nơi lưu giữ những di vật, di chỉ, tác phẩm nghệ thuật điêu khắc của các triều đại Chăm Pa đã từng tồn tại trên dải đất Nam Trung Bộ vào những thế kỷ trước của thiên kỷ đầu tiên. Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng có tổng diện tích 6.673m², trong đó phần diện tích trưng bày là 2.000m².

Trước khuôn viên bảo tàng có nhiều cây sứ đại cành phơi đầy hoa trắng. Hoa sứ đại còn có tên là hoa chăm pa, được xem là quốc hoa của dân tộc Chăm xưa kia.

Đầu tiên, bước vào nhà trưng bày, khách sẽ gặp ngay tượng bán thân của thần giữ cửa. Đi lần vào trong theo hướng dẫn, ta sẽ gặp rất nhiều tượng, phù điêu chạm trên đá các vị thần, bồ tát của Hindu giáo như thần Shiva, Barham, Umar, Vishnu, Genasa,...

Chất liệu của đa phần các tác phẩm điêu khắc hiện có tại Bảo tàng Chăm là sa thạch, đất nung và đồng. Sa thạch được sử dụng nhiều nhất trong khoảng thời gian từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV với hoa văn chạm khắc vô cùng tinh xảo, độc đáo, thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Chăm thời bấy giờ.

Công trình Bảo tàng Chăm được Trường Viễn Đông Bác cổ khởi công xây dựng từ năm 1915, đến năm 1919 thì hoàn tất và khánh thành với 160 cổ vật điêu khắc. Bộ sưu tập nguyên thủy là do nhà khảo cổ Henri Parmentier thu thập từ thế kỷ XIX được bổ túc thêm bằng những phát hiện sau.

Năm 1927, kiến trúc sư J. Y. Claeys thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ đề xướng mở mang, khuếch trương nhà bảo tàng nhưng dự án bị chậm trễ đến năm 1936 mới hoàn thành. Ngày 11/3, nhân việc tái khánh thành viện bảo tàng có sự hiện diện của H.Parmentier, Viện Bác cổ vinh danh ông bằng cách đổi tên Viện Bảo tàng Chăm thành “Musée Henri Parmentier”. Diện tích mới được dùng để thu nhận thêm bộ sưu tập cổ vật khai quật ở Trà Kiệu và Tháp Mẫm ở Bình Định.

Hình dáng mặt tiền nhà bảo tàng mô phỏng theo kiến trúc Gothique, hài hòa với không gian xung quanh, là một điểm tham quan cho du khách khi đến thăm Đà Nẵng. Bảo tàng mở cửa đón khách tham quan xuyên suốt 7 ngày trong tuần.

Tổng số hiện vật nghệ thuật trưng bày tại bảo tàng lên tới khoảng 500 món và được phân chia theo các gian phòng tương ứng với các khu vực địa lý nơi chúng được phát hiện gồm: phòng Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Bình và Bình Định.           

Du khách trong nước và khách nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới khi đến với TP Đà Nẵng đều tìm đến Bảo tàng Chăm để có dịp trải nghiệm chiêm ngưỡng dấu ấn văn hóa một thời, của một vương quốc có nền văn minh Nam Á khá rực rỡ...    

Đến tham quan, du lịch Đà Nẵng, ghé thăm Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm, thâm nhập vào không gian văn hóa độc đáo có một không hai này, du khách như lạc vào quá khứ, quên đi những bộn bề, lo toan của cuộc sống xô bồ bên ngoài, chìm đắm vào sự tĩnh lặng, trầm ngâm, trải nghiệm triết lý, sự tồn tại, mất còn của vật chất và sự hiện hữu của con người với thời gian.

Viếng Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm để chiêm ngưỡng sức sáng tạo tài hoa, độc đáo các nghệ nhân Chăm xưa đã tạo nên những tuyệt tác còn mãi với thời gian. Từ đấy, ta cảm thấy trân quý vô cùng những di sản vật thể góp phần làm nên diện mạo, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam…

Bài, ảnh: ĐẶNG HOÀNG THÁM