Ám ảnh "ô nhiễm tiếng ồn"

Kỳ cuối: Để tiếng hát không gây... ô nhiễm

Cập nhật, 13:49, Thứ Ba, 08/10/2019 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Ca hát- vui có chừng, dừng đúng lúc

Ghi nhận qua đợt khảo sát của Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh về công tác quản lý, xử lý vi phạm tiếng ồn trong hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, việc thực hiện công tác này tại một số địa phương chưa thật sự hiệu quả, còn nhiều bất cập.

Để hạn chế đến mức thấp nhất vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng và chính quyền địa phương, người dân cần nâng cao nhận thức trong việc tổ chức vui chơi, ca hát.

Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh giám sát công tác quản lý, xử lý vi phạm về tiếng ồn trong các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng tại huyện Vũng Liêm.
Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh giám sát công tác quản lý, xử lý vi phạm về tiếng ồn trong các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng tại huyện Vũng Liêm.

Còn nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm

Theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT (quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường), giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, nhà ở riêng lẻ, cơ quan hành chính,…) là 70dBA (từ 6- 21 giờ) và 55 dBA (từ 21- 6 giờ).

Đối với hành vi mở karaoke gây ra tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 17, Nghị định 155/2016/NĐ-CP, với mức phạt từ cảnh cáo đến 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2dBA đến trên 40dBA. Hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động cơ sở gây tiếng ồn từ 3- 12 tháng, tùy trường hợp vi phạm.

Tại Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000- 300.000đ đối với hành vi “gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau”.

Ngoài ra, hành vi sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép tại khu dân cư cũng bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định 179/2013/NĐ-CP. Thẩm quyền xử phạt thuộc về chủ tịch UBND các cấp, công an nhân dân các cấp, thanh tra chuyên ngành tài nguyên- môi trường và các lực lượng khác,…

Pháp luật đã có những chế tài cụ thể. Song, do công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, nếu có cũng chỉ dừng lại ở hình thức nhắc nhở và một phần xuất phát từ tâm lý “ngại va chạm” nên tình trạng ô nhiễm tiếng ồn vẫn tái diễn.

Có gần 20 năm làm các dịch vụ phục vụ đám tiệc, trong đó có nhạc sống, chú Nguyễn Hữu Thành (xã Tân Quới- Bình Tân) chia sẻ những tình huống “dở khóc dở cười” gặp phải trong nghề: “Phục vụ nhạc sống cũng như làm dâu trăm họ, khách muốn hát bài gì mình cũng phải chấp nhận, thậm chí khi họ có hơi men hát lớn quá, mình cũng không dám nói”.

Qua báo cáo của các địa phương, mặc dù chính quyền cơ sở đã đưa các nội dung quản lý tiếng ồn vào các quy ước, hương ước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở khu dân cư, để vận động người dân thực hiện, lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; song, khó khăn chung trong công tác này tồn tại ở quy định đối tượng được trang bị và sử dụng trang thiết bị nghiệp vụ để đo độ ồn.

Theo Sở Tài nguyên- Môi trường, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 thanh tra viên của sở là có chứng chỉ để đo độ ồn. Về thiết bị đo độ ồn, chỉ có Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học- Công nghệ) và Công ty TNHH Khoa học công nghệ và Phân tích môi trường Phương Nam là có máy đo đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. Do đó, hình thức xử lý vi phạm hiện nay đa phần vẫn là nhắc nhở kết hợp với tuyên truyền.

Vì những bất cập trên, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tiếng ồn chưa được thực hiện thường xuyên, chủ yếu thực hiện khi có yêu cầu hoặc người dân bức xúc phản ánh. Từ năm 2018 đến tháng 6/2019, đội kiểm tra liên ngành tỉnh đã tiến hành kiểm tra 3 đợt tại 8 đơn vị cấp huyện, đối với cấp huyện đã tổ chức kiểm tra 15 cuộc.

Cần siết chặt quản lý, mạnh tay chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn

“Tôi mong chính quyền địa phương quản lý tốt để hoạt động karaoke di động đi vào nề nếp, vừa thỏa mãn niềm đam mê của mọi người mà vẫn gìn giữ được tình làng nghĩa xóm với nhau”- anh Trần Hiếu Thảo (xã Tân An Luông- Vũng Liêm) mong muốn.

Để ca hát thật sự trở thành nét đẹp văn hóa, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân. Tích cực vận động tuyên truyền thuyết phục, để mọi người hiểu và có ý thức tự giác chấp hành. Từ đó, nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong công tác giám sát.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên cũng cần được chú trọng.

“Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua sinh hoạt tổ nhân dân tự quản, các hội, đoàn thể... vận động người dân chấp hành. Đồng thời, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải tuân thủ và gương mẫu thực hiện”- ông Lê Văn Tiều- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Vĩnh Long- đề nghị.

Căn cứ quy chế phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên- Môi trường và Công an tỉnh về tăng cường công tác quản lý việc cưới, việc tang, lễ hội; hoạt động văn hóa, văn nghệ gây tiếng ồn, mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, Đại tá Nguyễn Trọng Dũng- Phó Giám đốc Công an tỉnh- nhấn mạnh thời gian tới, sẽ phối hợp tốt hơn trong việc tham mưu, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn, đảm bảo hoạt động văn hóa, văn nghệ trong cộng đồng đi vào khuôn khổ, đúng quy định pháp luật.

Tại đợt khảo sát về công tác quản lý, xử lý vi phạm tiếng ồn trong các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn tỉnh, ông Trần Văn Ý- Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh kiến nghị, các sở, ngành chức năng và liên quan cần thống nhất xem xét phân loại đối tượng, xác định loại hình kinh doanh đối với các dịch vụ âm thanh nhạc sống, cho thuê thiết bị karaoke di động để yêu cầu đăng ký kinh doanh.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thường xuyên phối hợp tốt giữa các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở cần cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân về tiếng ồn, giải quyết kịp thời những bức xúc, nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Về phía người dân, nếu phát hiện tình trạng hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sử dụng âm thanh quá giờ quy định với cường độ lớn thì báo với trưởng công an, chủ tịch UBND cấp xã đến kiểm tra xử lý.

Bài, ảnh: AN CHI- KIẾN THÀNH