Ám ảnh "ô nhiễm tiếng ồn"

Cập nhật, 05:40, Chủ Nhật, 06/10/2019 (GMT+7)

Từ đáp ứng nhu cầu hát hò của người dân trong hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, các loại hình giải trí sử dụng âm thanh như nhạc sống, karaoke di động đang bị lạm dụng và trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người.

Việc đảm bảo nhạc sống, karaoke di động vừa là hoạt động giải trí đồng thời giữ gìn môi trường sống yên bình cho người dân đặt ra nhiều thách thức với ngành chức năng, khi công tác xử lý vi phạm tiếng ồn từ hát hò còn nhiều khó khăn, bất cập.

Đây là hoạt động giải trí được cho phép nhưng phải thực hiện đúng quy định về giờ giấc, độ ồn và nội dung bài hát.
Đây là hoạt động giải trí được cho phép nhưng phải thực hiện đúng quy định về giờ giấc, độ ồn và nội dung bài hát.

Kỳ 1: Ca hát- vui có chừng, dừng đúng lúc

Cùng với sự phát triển của phong trào sinh hoạt văn nghệ trong cộng đồng, các dịch vụ kinh doanh nhạc sống, cho thuê dàn karaoke di động ngày càng nở rộ.

Bên cạnh những mặt tích cực, loại hình này cũng phát sinh nhiều phiền toái, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân. Hay nói cách khác, ranh giới giữa niềm vui ca hát và nỗi khổ chịu đựng tiếng ồn chỉ cách nhau trong gang tấc, vì vậy cần vui có chừng, dừng đúng lúc.

Từ niềm vui người hát…

Để đáp ứng nhu cầu ca hát, những năm gần đây các loại hình nhạc sống, karaoke di động (hay còn gọi là loa kẹo kéo) xuất hiện ngày càng phổ biến từ thành thị cho đến nông thôn.

Bởi, mỗi gia đình chỉ cần vài triệu đồng là có thể sắm một chiếc loa kẹo kéo công suất lớn, có thể kết nối với điện thoại thông minh qua bluetooth để thỏa thích hát. Còn đám tiệc thì thuê hẳn dàn nhạc sống để phục vụ, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bà con.

“Tôi thấy ca hát là nhu cầu giải trí chính đáng, giúp giao lưu bạn bè và giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi. Việc phát triển các phong trào văn nghệ ở địa phương cũng góp phần giảm thiểu một số tệ nạn xã hội”- anh Phạm Thành Nam (ngụ xã An Bình- Long Hồ) cho biết.

Nhu cầu ca hát là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân.
Nhu cầu ca hát là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân.

Có cầu ắt có cung nên số lượng các điểm kinh doanh nhạc sống, cho thuê thiết bị karaoke di động ngày càng nở rộ, qua đó góp phần giúp cải thiện thu nhập cho nhiều hộ kinh doanh.

Theo anh Trần Minh Kết (xã Nhơn Bình- Trà Ôn), chỉ cần đầu tư khoảng 30 triệu đồng cho một dàn karaoke di động thì có thể làm dịch vụ.

“Ngày càng có nhiều hộ cho thuê thiết bị âm thanh nhạc sống vì không chỉ phục vụ đám tiệc mà còn cả ngày thường. Trung bình mỗi giờ phục vụ giá dao động khoảng 100.000đ, phần nào trang trải được cuộc sống”- anh Kết cho biết.

Không thể phủ nhận hát hò là nhu cầu giải trí chính đáng của người dân. Tuy nhiên, việc ca hát quá ồn ào, hát vào giờ nghỉ ngơi hoặc ở những nơi đông dân cư đã biến loại hình này trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người và là “vấn nạn” của xã hội.

… Đến nỗi khổ người nghe

Hoạt động của loại hình karaoke di động cũng như việc kinh doanh, sử dụng dịch vụ âm thanh là hoàn toàn phù hợp nhu cầu xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, loại hình này đang bị nhiều người lạm dụng, như hát với âm thanh quá lớn, tổ chức ca hát lấn vào khung giờ nghỉ ngơi (buổi trưa, đêm khuya) gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của mọi người.

Điều khiển xe máy chỉ bằng một tay, người bán hàng rong cầm micro hát nghêu ngao giữa đường.
Điều khiển xe máy chỉ bằng một tay, người bán hàng rong cầm micro hát nghêu ngao giữa đường.

Thực tế cho thấy, khoảng cách giữa niềm vui người hát và… nỗi khổ người nghe chỉ cách nhau trong gang tấc. Hiện nay, ngay cả vùng nông thôn cũng không còn yên ắng khi nhiều nhà trong xóm đều có một loa kẹo kéo, để rồi mạnh ai nấy “hát có tăng âm” một cách vô tội vạ, bất kể giờ giấc.

Khi đó, chuyện ca hát nảy sinh những tình huống dở khóc dở cười như việc nhà này mở loa lớn thì nhà hàng xóm chỉnh âm thanh lớn hơn để “xem loa nhà ai xịn”, mặc cho các hộ xung quanh than phiền. “Có chuyện vui buồn gì cũng tụ tập hát, mà mình ên cũng hát.

Thấy loa kẹo kéo vậy chứ công suất lớn lắm, mà ai cũng muốn mở âm thanh hết “lốc” để thỏa mãn bản thân chớ không để ý gì đến người xung quanh”- anh Huỳnh Nhật Tr. (xã Thành Lợi- Bình Tân) lắc đầu than.

Bên cạnh đó, những quán cà phê sinh hoạt CLB “hát với nhau”, các điểm kinh doanh quảng cáo bằng loa công suất lớn, các phương tiện bán hàng rong sử dụng loa kẹo kéo để rao hàng… hoạt động quá khung giờ cho phép hoặc hát chế lại ca từ của bài hát, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, gây mất an ninh trật tự tại địa phương và bức xúc cho người dân.

Nhà đối diện quán cà phê có tổ chức chương trình “hát với nhau” hàng đêm, ông Đỗ Hoàng Năm (xã Tân An Luông- Vũng Liêm) ngán ngẩm: “Người lớn tuổi còn chịu không nổi tiếng ồn huống chi trẻ con, nhất là ảnh hưởng đến việc học hành của các cháu. Đám tiệc còn thông cảm chứ ngày nào cũng hát thì chịu sao nổi?”

Qua phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ việc ca hát là vấn đề khiến người dân rất bức xúc hiện nay.

Theo tổng hợp kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7- Quốc hội khóa XIV của Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long, nhiều gia đình không chỉ có đám tiệc mà ngay cả ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần… cũng đều tổ chức hát hò thâu đêm suốt sáng, gây ồn ào, ảnh hưởng rất lớn đến giờ giấc nghỉ ngơi của bà con.

Người dân đề nghị ngành chức năng phải có biện pháp căn cơ khắc phục tình trạng này để trả lại môi trường sống trong lành.

Kỳ cuối: Để tiếng hát không gây... ô nhiễm

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có khoảng 769 dàn nhạc sống và karaoke di động, tập trung nhiều ở các huyện Long Hồ, Vũng Liêm, Trà Ôn... Chủ yếu là cá nhân kinh doanh lưu động và sinh hoạt tại gia đình.

Bài, ảnh: AN CHI- KIẾN THÀNH