Truyện ngắn

Biển đợi

Cập nhật, 05:31, Thứ Bảy, 24/08/2019 (GMT+7)

Phải nhìn ngắm trước lúc mặt trời lên thì mới thấy được cái bao la bất tận của biển và trời. Cái bao la tưởng chừng không cùng ấy sẽ nhòe đi khi bóng dáng của con tàu trở về từ đêm qua xuất hiện.

Nó như mọc lên từ biển, một chấm đen bé tẹo hay một mầm sống bé tẹo của giống lúa trời vươn mình trên cánh đồng nước mênh mông. Nó đánh thức tâm tư của triệu triệu tấm lòng thương đời vạn chài hiểm nguy, tần tảo.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Lượm về thăm quê đã mấy ngày nhưng ngày nào cô cũng đến với biển. Cô thèm biển như thèm cơm bởi biển đã cho cô cuộc đời, cho cô thời niên thiếu đủ đầy và hạnh phúc cùng với những trò chơi trẻ con rất vui.

Nhưng vui và thích nhất đối với Lượm là rủ nhau chạy dọc dài trên bãi biển với cái chong chóng trên tay. Đó là thứ trò chơi dân dã, rất quê nhưng được chúng yêu thích và cũng bởi dễ làm.

Chỉ cần một mảnh giấy vuông vắn và một khúc đót lấy từ cây chổi nào đó và một đoạn dây thép gai uốn cho thẳng thớm là người ta có thể làm ra cái trò chơi kỳ diệu kia. Dùng kéo cắt một phần ba chiều dài mảnh giấy tính từ mỗi góc.

Cắt đoạn đót ra làm hai phần không bằng nhau, đoạn dài làm cán để cầm, rồi ghim một đầu dây kẽm vào đó. Xỏ qua giữa tâm tờ giấy và bốn góc đã cắt, chọn bên nào cũng được nhưng phải cách quãng và không ép tờ giấy xẹp quá rồi gắn đoạn đót ngắn vào chặn lại là xong.

Tiếng sóng vỗ ập vào bờ đủ to để cắt ngang dòng ký ức của Lượm. Lượm rón rén đến ngồi bên mẹ:

- Hổm rày con thấy mẹ buồn buồn.

- Đâu có gì đâu con.

- Có mà. Con thấy mẹ luôn thở dài.

- Mày làm thầy bói hồi nào vậy?

Tới phiên Lượm thở dài. Trong thâm tâm cô, biển không còn yên bình nữa. Khi có những chiếc tàu bên kia cứ rập rình lao thẳng vào những tàu cá bé nhỏ của họ rồi vọt mất. Dấu vết do chúng để lại là những mảnh vỡ, những tiếng kêu gào đến tuyệt vọng của bạn chài nếu ngư trường xa và đơn lẻ đánh bắt.

Tiếng thở dài của Lượm cũng làm cho mẹ cô bùi ngùi. Bà nhớ lại vài mươi năm trước cũng mùa mưa bão, xóm chài này đã cứu được người đàn ông trôi dạt vào bờ.

Không họ hàng thân thích, không giấy tờ tùy thân nhưng giỏi giang, ham làm, hay giúp đỡ người khác nên được cả xóm thương yêu. Ngày đó, nhà Lượm có ghe bầu to lắm nên rất cần nhiều người giúp việc. Thế là “người trôi dạt” được ông ngoại cô nhận vào làm.

- Mày thứ mấy?

Ông ngoại cô hỏi “ người trôi dạt.”

- Út ạ.

- Công việc trên tàu trước đây của mày là gì?

- Dạ làm gì cũng được ạ.

- Tao hỏi công việc mà mày chuyên cơ.

- Thả câu, giăng lưới và lái tàu cũng được ạ.

- Giỏi à nha.

Ông khen bằng cách ra dấu ngón tay cái.

Út sống với xóm chài và thành dân chài từ ngày ấy. Chỉ khi đã thành vợ chồng và có Lượm trên đời thì mẹ cô mới biết Út là người của những chiếc tàu không số bên kia.

Duyên nợ nhưng là nợ tuyệt vời bởi không họ hàng thân thích, không bạn bè bù khú nên Út rất ham làm ăn. Chỉ khi biển động hay trời giông bão, bạn chài mới có dịp nghỉ ngơi, có dịp thả câu vọng cổ vào mâm thơ chiếu rượu thì Út mới cao hứng ra ngồi.

Lượm biết cuộc sống của gia đình cô thuộc hàng khá giả và hạnh phúc của cha mẹ cô cũng thuộc hàng trung lưu. Rất ít từ nặng nề khi phải to tiếng với nhau nên Lượm được thừa hưởng vốn lễ phép, nết na từ đó.

- Cha dạo này sao ít nói vậy mẹ?

- Có lẽ ổng nhớ biển.

- Biển vẫn trước mặt mình đấy thôi.

- Mày làm thơ hay sao ấy chớ. Nhớ là nhớ thả lưới giăng câu kiếm cái ăn, cái mặc chớ không phải nhớ vì biển xanh ngăn ngắt, sóng vỗ rì rào.

Lượm cười phá lên thật to. Mọi lo lắng, ưu tư bỗng chợt tắt ngúm.

- Con nghe bạn con nói cha buồn vì không giúp đỡ được bác Hai cuối xóm bởi tàu nằm xếp xó chứ dạo trước cha luôn biếu bác ấy nhiều loại hải sản quý hiếm và ngon mỗi khi tàu về. Đã thế con bác Hai còn bị bệnh hiểm nghèo, không có tiền chạy chữa do chất độc gì đó di truyền khi bác ấy bị nhiễm ở chiến khu.

- Tao có nghe ổng nói gì đâu.

- Hay là mẹ phát lương cho cha đi.

- Mày nói gì thế?

- Để cha có đồng ra đồng vào với người ta chứ. Con thấy cha không bao giờ có tiền hay biết xài tiền. Của hiếm của hành tinh này đấy!

- Mày nói quá. Ngày nào tao cũng giúi vào túi ổng vài chục.

- Con biết ngay mà… vừa đủ ăn sáng và mua gói thuốc. - Lượm nheo mắt với mẹ.

- Thì cũng phải chắt bóp lại chứ con. Còn chuyện giúp bác Hai mày thì để tao bàn với ổng.

- Con nghĩ chưa bao giờ sai về mẹ mà.

Bà cú yêu lên đầu con gái. Giờ thì bà cũng thấy nhớ biển. Nhớ cánh chim hải âu chao lượn chở nắng về khơi xa. Nhớ như nhớ ông mặt trời to như cái nong đại đỏ rực trồi từ từ lên khỏi mặt nước cách đây không lâu.

Bà thẳng chân hất những lâu đài cát mà ai đó dư công xây cất để rồi nhận lại chút tiếc nuối vu vơ. Cô đơn đến lạnh lùng, ngay cả dấu chân còng cũng không có.

Biển trầm lắng như những người đàn bà của xóm chài này, trong thẳm sâu tâm hồn họ, biển là tất cả, mất biển là mất tất cả. Những người đàn bà vẫn ngồi đó, vẫn ngóng về khơi xa và vẫn lặng im như hàng tượng nến.

Lượm thấy nghẹt thở dẫu khí trời rất mát và trong lành. Ngày lên chậm, chậm hơn những gì mà những người đàn bà xóm chài này đã nghĩ bởi sự cô đơn, lo lắng đợi chờ.

Bỗng nhiên những pho tượng ấy đồng loạt bật dậy la ó ầm ĩ khi phía chân trời những con tàu đang dần hiện lên. Lượm cũng thấy vui lây với họ, cô lấy khăn ra vẫy vẫy chào chào. Đó là thứ ngôn ngữ không dành riêng cho một dân tộc nào, một quốc gia nào.

Biển hồi sinh từ những con cá ngừ đen nháy, những con thu óng ánh bạc… Chúng là cư dân của những ngư trường rất xa, đồng bảng với điệp trùng gian lao vất vả mà bạn chài phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới đem được chúng về. Cá về thì niềm vui cũng về. Những người đàn bà cũng hồi sinh như biển.

Họ phấn khích và hoạt bát hẳn lên. Gió như cũng vui phe phẩy những cái tua rua dưới vành nón lá của họ, làm bừng nở cả một vườn hoa lung linh đủ kiểu, đủ màu mà Lượm chợt nghĩ ra.

Niềm vui ấy chia đều cho tất cả mọi người nhưng Lượm ưu ái dành cho cha cô và bạn chài của ông ấy nhiều hơn. Thật là không công bằng nhưng lại rất đáng yêu.

LÝ THỊ MINH CHÂU