Kết nối phố

Phát triển không gian ngầm đô thị

Cập nhật, 12:12, Thứ Tư, 26/06/2019 (GMT+7)

Theo PGS. TS Mai Thị Liên Hương- Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), với tốc độ đô thị hóa tăng trung bình mỗi năm khoảng 1%, không gian các đô thị lớn ngày càng trở nên chật chội, đồng thời tạo sức ép lớn lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, làm chất lượng đô thị suy giảm, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Cho nên, phát triển không gian ngầm là giải pháp được các đô thị lớn trên thế giới lựa chọn.

Nhìn ra thế giới, hiện nay các đô thị được coi là văn minh, hiện đại nhất đều đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả hệ thống công trình ngầm. Trong suốt quá trình phát triển của các đô thị, không gian ngầm đã cho thấy một vai trò hết sức quan trọng và là bộ phận không thể tách rời của đô thị.

Việc kết nối thuận tiện giữa hệ thống giao thông ngầm với các công trình kiến trúc, trung tâm thương mại, dịch vụ ngầm và giữa không gian ngầm với không gian trên mặt đất đã làm thay đổi thói quen di chuyển, sinh hoạt, mua sắm của người dân đô thị, biến không gian ngầm trở thành “xã hội thứ hai dưới mặt đất” chứa đựng đầy đủ các hoạt động của đời sống kinh tế- xã hội.

Mặt khác, việc ngầm hóa, bố trí các đường ống cấp nước, thoát nước, cấp năng lượng, đường dây, cáp viễn thông, điện lực vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã làm giảm thiểu tình trạng đào đường và “mạng nhện” dây cáp.

Có thể thấy rằng, việc phát triển không gian ngầm là giải pháp tối ưu để giảm bớt gánh nặng cho không gian mặt đất, cải thiện sự thông thoáng cho đô thị, góp phần giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề đô thị, đặc biệt là giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.

Với bài học kinh nghiệm của các đô thị lớn trên thế giới, cần phải khẳng định phát triển không gian ngầm như là một trong những bước đi tất yếu trong quá trình xây dựng đô thị văn minh, hiện đại ở các thành phố lớn của Việt Nam.

THÀNH LONG