Ông Nược đua

Cập nhật, 04:57, Thứ Bảy, 18/05/2019 (GMT+7)

Nhìn hình ảnh cá nược (cá heo nước ngọt), bị một ngư dân ở Bến Tre đánh bắt đã chết và ướp đá thật sự là một hình ảnh vô cùng đau xót (ảnh của Zing.vn). 

Có hơn 30 năm trong nghề đánh bắt mà ngư dân đó không nhận ra cá nược lại thêm việc đòi tiền “giá cao”, thật sự anh có xứng đáng làm cái nghề này? Tôi cảm nhận như có một huyền thoại đã chết và một nét đẹp văn hóa sông nước ở Nam Bộ đã lụi tàn.

Lớp người trung niên ở miền Tây Nam Bộ hẳn không lạ gì với cá nược, bởi ngày xưa loài cá này thường xuyên xuất hiện trên các dòng sông thuộc hệ thống sông Mekong.

Đặc biệt, hồi xưa chúng tôi được ông bà dạy rằng phải gọi là “ông Nược”, với niềm tin rằng đây là loài cá linh thiêng, chuyên giúp đỡ người gặp nạn trên sông, dù to lớn nhưng rất hiền lành và thân thiện với con người.

Với riêng tôi, “ông Nược” là hình ảnh đẹp gắn liền với tuổi thơ trôi qua những dòng sông hiền hòa và cũng không nhớ có biết bao lần mình được diện kiến những bầy cá nược nổi lên đùa giỡn với xuồng ghe trên sông và cả đám con nít chạy theo trên bờ mà hô to: “Hú ông Nược đua! Hú ông Nược đua!”.

Đó chính là văn hóa của người dân Nam Bộ trong cách ứng xử với thiên nhiên và có cả văn hóa dành riêng cho những người chuyên nghề đánh bắt trên sông.

Ở Nam Bộ, nếu như đồng bào người Chăm kiêng ăn thịt heo thì người Kinh tuyệt đối không đụng tới thịt cá nược, nó như một niềm tin tín ngưỡng mà cũng là nét đẹp văn hóa ứng xử với thiên nhiên. Không riêng gì ngư dân, mà bất cứ ở làng xóm nào, nếu như phát hiện xác một “ông Nược”, người ta sẽ vớt lên làm lễ tế hương khói và mang đi chôn đàng hoàng.

Tôi không hiểu sao ngư dân ở Bến Tre đã 49 tuổi và mấy mươi năm chuyên nghề sông nước, sao lại không nhận ra cá nược? Việc mưu lợi trên xác loài cá thiêng là cú sốc kép ở góc độ khoa học và văn hóa Nam Bộ.

Hồi xưa, ở cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới- An Giang), nếu phía trên đầu cù lao nơi tạo ra nhánh sông Vàm Nao nối liền sông Tiền và sông Hậu, nổi tiếng là “có nhiều cá tôm”, đặc biệt những giống cá quý như: cá hô, bông lau, tra dầu; thì ở phía dưới đuôi cù lao Ông Chưởng, về phía sông Hậu có nổi lên một cái cồn mà hồi đó dân gian gọi là cồn Bình Hòa.

Đây chính là đoạn sông tôi đã rất nhiều lần gặp được những bầy cá nược nổi lên đùa giỡn làm rộn ràng, vang dậy một khúc sông.

Những ngày nghỉ học hồi nhỏ, hễ nghe ngoại nói đi về cồn Bình Hòa bán lãnh (lãnh Mỹ A), là tôi nằng nặc đòi theo. Về đây rất vui, cậu Út Chí hay chở tôi theo xuồng đi chài lưới, cái thời quăng vài chục chài là cá mắm ăn không hết; nhưng sướng nhất vẫn là được giỡn cùng “ông Nược đua”.

Đó là những lúc “ông Nược” nổi lên phía trước các chiếc xuồng máy, ban đầu chỉ 1- 2 “ông Nược”, đám con nít trên bờ chạy theo reo hò cùng hô vang: “Hú ông Nược đua! Hú ông Nược đua!”, hồi sau có khi nổi lên cả bầy đến 6- 7 “ông Nược”, nổi lên đủ kiểu: khi phóng lên khỏi mặt nước khoe thân mình tròn lẳn, bóng nhẫy trong nắng, khi dựng ngược cái mõm tròn ủm rất dễ thương lên khỏi mặt nước bơi đứng, khi thì lặn thiệt lâu dưới nước làm tụi nhỏ cụt hứng ngẩn tò te rồi bất chợt nổi vượt lên một đoạn thiệt xa phía trước.

Đám con nít lại òa lên sung sướng vỗ tay reo hò. Người ta bảo rằng, “ông Nược” rất thích con nít. Còn thì có nhiều câu chuyện kể về “ông Nược” dùng thân mình cứu rất nhiều người gặp nạn trên sông; đó là những chuyện kể có thật.

Đối với những ngư dân, đương nhiên họ rất quý trọng loài cá hiền lành này, chẳng may dính lưới người ta phải thả ra và thu ngay lưới đi về làm một con vịt cúng bái với dòng sông.

Ngay trước mùa đánh bắt, ngư dân vùng Vàm Nao phải làm lễ cúng bái đàng hoàng; còn mỗi khi đánh bắt được những ông cá hô trăm ký hoặc những cụ cá bông lau, người ta đều phải làm vịt ra giữa sông thành tâm làm lễ tạ ơn “bà Thủy”.

Nếu ai để ý ngày nay ở các bến tàu, bến phà hay các bờ sông vẫn còn những trang thờ “Long Thần” hay “Thủy Thần”, hình thức như thờ “Thổ địa” ở phía góc phải trước các nhà xưa ở Nam Bộ.

Chính cái văn hóa tín ngưỡng này đã tạo nên nét đẹp văn hóa trong ứng xử với thiên nhiên, vừa khai thác vừa có ý thức bảo vệ lộc sông, lộc trời ban tặng.

Khi những giá trị xưa cũ đã bị mờ nhạt, lụi tàn, thiết nghĩ cần có những giải pháp hữu hiệu thông qua những luật đủ sức răn đe đối với người đánh bắt cũng như đối với người tiêu thụ, để xây dựng lại ý thức bảo vệ, bảo tồn những giống loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

Cần có những đường dây nóng và hệ thống cấp cứu có đủ độ phản ứng nhanh để ứng phó trong những trường hợp ngư dân đánh bắt được một cá thể nào đó.

Không riêng gì với cá nược, chẳng hạn với những loài cá hô, cá bông lau hàng trăm ký, chúng ta cũng nên có sự quan tâm đặc biệt, giải cứu nhằm giữ lại trong môi trường thiên nhiên hoặc trong môi trường nghiên cứu; không nên để chúng phải bị xẻ thịt trong hệ thống nhà hàng một cách thật đáng tiếc và xót xa.

NGỌC TRẢNG