Khi có một thần tượng

Cập nhật, 06:00, Chủ Nhật, 24/03/2019 (GMT+7)

Giới giải trí Hàn Quốc vừa chấn động vì bê bối quay lén video và môi giới mại dâm liên quan đến một loạt nam ca sĩ thần tượng. Em gái tôi quá thật vọng về thần tượng nên khóc lóc đến mất ăn, mất ngủ. 

Hàng ngàn bạn trẻ đến xem buổi biểu diễn của thần tượng Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh.
Hàng ngàn bạn trẻ đến xem buổi biểu diễn của thần tượng Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh.

Tuổi trẻ của tôi đã từng vì thần tượng mà xếp hàng từ trưa nắng đến chiều tối để vào sân vận động xem họ biểu diễn, hăm hở hẹn báo thức lúc một giờ sáng để nghe cho “nóng” bài hát mới của thần tượng Âu Mỹ.

Tôi biết về họ nhiều hơn cả hiểu những đứa bạn thân nhất của mình. Tôi biết các thành viên thích gì, mê đi đâu, thói quen ăn uống, nhóm máu…

Tất cả những gì trên tivi và những gì báo nói! Thông tin về họ là chất liệu vẽ vời nên hình ảnh tươi đẹp cho cuộc sống của tôi. Cảm giác dõi theo một ai xa tít tắp, đôi phần không có thật, lại rất kỳ lạ, khó hiểu và thú vị.

Thần tượng là một hình mẫu trong lĩnh vực nào đó: giải trí, học tập, làm việc, lẽ sống, lập nghiệp… mà chúng ta thích vô điều kiện, muốn học hỏi và muốn “bắt chước” họ. Một khi người ta gặp bế tắc, khủng hoảng tinh thần, đó là lúc thần tượng sẽ là một điểm tựa. Không phải thời nay mà thời nào cũng có người “mê” thần tượng.

Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm nổi tiếng với nghệ thuật hát bộ ở đất Vĩnh Long kể những năm sau khi miền Nam được giải phóng, “người dân mê hát bộ đến nỗi ngày hát 2 suất, đêm hát 1 suất từ 1.000- 2.000 khán giả.

Người người đi xem, chen nhau có khi bể rạp, xô đẩy người gác cổng ngất xỉu là chuyện thường. Mấy cô gái mặc áo sơ mi chen lấn đứt nút, vừa coi hát mà vừa đứng vịn lại áo. Ghe hát quay đi, mấy mẹ, mấy chị đứng trên bờ khóc như mưa, ngóng theo cho đến khi ghe hát đi mất dạng”.

Thi sĩ Phùng Quán thì xem nàng thơ là thần tượng. Ông từng khẳng định trong quyển hồi ký của mình: Những năm tháng trần ai khổ sở nhất của đời, tôi đã “vịn vào những dòng thơ để sống, để không bị quật ngã”.

Câu chuyện về thần tượng khổ luyện, vượt khó để thành công như ngủ ở ga tàu, đi hái dâu thuê, đóng vai quần chúng để có tiền mua cơm,… đã khiến bao nhiêu bạn trẻ ngưỡng mộ và truyền cảm hứng cho họ.

Tuy nhiên, quá lóa mắt bởi đèn màu, thời trang, diện mạo của thần tượng mà hiện tượng cuồng nhiệt thần tượng thực sự đã và đang chi phối đời sống của một bộ phận giới trẻ.

Ngất xỉu dưới sân khấu, hôn ghế của thần tượng hay sự kiện “cuồng mộ” thần tượng Lưu Đức Hoa của cô gái trẻ Trung Quốc- Dương Lệ Quyên- dẫn đến cái chết của cha cô, như giọt nước làm tràn ly.

Dù ở lứa tuổi nào thì ở mỗi con người đều có những hình ảnh, những thần tượng riêng như một thước đo chuẩn mực để hướng đến. Tuy nhiên, cái gì cũng có chừng mực, nếu vừa đủ thì tốt, quá nhiều sẽ phản tác dụng và “thần tượng” cũng vậy.

Yêu, thích, đam mê một người và học hỏi người đó để hoàn thiện mình thì rất tốt nhưng nếu vì si mê mà phát cuồng khiến lệch lạc suy nghĩ, đôi khi dẫn đến mất lý trí, làm hại đến mình và cả người thân của mình thì rất đáng trách.

Nhu cầu tiếp cận với văn hóa toàn cầu là một nhu cầu chính đáng. Nhưng dù có hòa nhập, tiếp thu như thế nào thì vẫn phải cố gắng gìn giữ bản sắc của dân tộc, giữ gìn những giá trị tinh thần của cha ông. Mỗi vấn đề luôn có 2 mặt tích cực và tiêu cực.

Đủ hồn nhiên và lạc quan khi yêu thần tượng nhưng cũng cần có lý trí khi tin vào sự vĩnh cửu. Để khi câu chuyện cổ tích về thần tượng bỗng rạn vỡ, chúng ta sẽ không buồn thật nhiều.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY