"Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh"

Cập nhật, 13:41, Thứ Sáu, 08/02/2019 (GMT+7)

Lịch sử phát triển hơn 300 năm của vùng ĐBSCL không chỉ được ghi nhận trong sử sách mà còn thể hiện rõ nét qua trang phục. Chỉ riêng đối với trang phục của phụ nữ, mỗi bộ trang phục là một nét vẽ trong bức họa miền sông nước.

Mỗi nét vẽ lại là một lần điểm xuyết tạo nên nét đặc sắc trong kho tàng văn hóa dân tộc. Như “sứ giả” của thời gian và không gian, trang phục đưa tâm thức con người vượt ngàn cây số địa lý và vạn khắc thời gian, giữ trong mình câu chuyện văn hóa trăm năm.

Cuộc thi “Duyên dáng áo bà ba” tỉnh Vĩnh Long 2018.
Cuộc thi “Duyên dáng áo bà ba” tỉnh Vĩnh Long 2018.

Mộc mạc áo bà ba

Chiếc áo bà ba thấp thoáng trên những cánh đồng ngày mùa, e ấp trong các lễ hội, lung linh duyên dáng trên bến sông trăng… đã làm say lòng biết bao lữ khách đến vùng đất phương Nam.

Bộ quần áo bà ba giản dị trong cuộc sống thường ngày, không chỉ mang dáng dấp mà còn tượng trưng cả tâm hồn của người Nam Bộ.

Còn nhiều tranh cãi về thời gian ra đời nhưng khoảng đầu thế kỷ XX, áo bà ba được mặc khá phổ biến. Theo nhà văn Sơn Nam thì “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba”.

Áo bà ba cùng nón lá đi cùng hình ảnh quen thuộc ở các mẹ, các chị.
Áo bà ba cùng nón lá đi cùng hình ảnh quen thuộc ở các mẹ, các chị.

Một quan niệm khác lại cho rằng: “Áo bà ba ảnh hưởng, cách tân từ áo lá và áo “xá xẩu” may bằng vải buồm đen của người Hoa lao động (kiểu áo cổ đứng, xẻ giữa, có nút thắt).

Trong hội thi “Duyên dáng áo bà ba” lần thứ I của tỉnh, thí sinh Nguyễn Thị Thùy Dương (Trà Ôn) xuất sắc giành giải nhất. Chị phản đối quan niệm của một số bạn trẻ cho rằng ngày nay thời trang đã trở thành một ngành công nghiệp, trang phục truyền thống như áo dài, áo bà ba là quê mùa, sến sẩm.

Chị khẳng định: “Người phụ nữ trong chiếc áo bà ba hay chiếc áo dài là hình ảnh tuyệt đẹp, thể hiện nét văn hóa của dân tộc. Ngoài thể hiện sự duyên dáng, áo dài, áo bà ba còn gợi nhắc hình ảnh tảo tần, chịu thương, chịu khó của người mẹ, người chị. Điều đó khiến cho áo dài, áo bà ba trở nên vô giá”.

Chẳng biết có phải do thời tiết quanh năm nóng bức mà người ta bỏ luôn cổ thấp của áo lá và áo xá xẩu, mang thêm đinh áo quanh chân cổ áo bà ba cho chắc”. Đây có lẽ là loại áo phù hợp với các điều kiện môi sinh, thời tiết, lao động ở miền đất này. 

Áo xẻ giữa thay vì cài nút thắt đã được làm khuy, cài cúc nhựa do ảnh hưởng của phương Tây. Tay áo dài, được xẻ hai bên vạt ở hông để dễ cử động. Áo có 2 túi to gần vạt áo nên tiện lợi để đựng tiền bạc, vật dụng nhỏ.

Màu đen trở thành biểu tượng, cái duyên của người phụ nữ thời ấy: “Áo đen ai nhuộm cho mình- Cho duyên mình đậm cho tình anh say”.

Từ cách sống dung dị, phóng khoáng, hòa hợp với thiên nhiên, áo bà ba thường được may bằng thứ vải thô ít màu sắc. Những chất liệu này được dệt thô, màu nhuộm từ thiên nhiên nguyên sơ như lá bàng, vỏ trâm bầu, trái mặc nưa,…

Cùng với áo bà ba, chiếc khăn rằn là nét đặc trưng riêng cho bản sắc văn hóa của người dân vùng sông nước.

Khăn rằn che cơn nắng, thấm giọt mồ hôi, chắn ngọn gió lốc, để lau khô dòng nước mắt hay giấu đi một nụ cười. Gắn bó như hình với bóng, người dân mặc áo bà ba, quấn hay đội khăn rằn lao vào làm việc, sinh hoạt, chiến đấu.

Duyên dáng đôi tà áo lụa

Ông đồ và thiếu nữ.
Ông đồ và thiếu nữ.

Nhạc sĩ Từ Huy- Thanh Tùng tha thiết mà tự hào: “Tà áo em... bay, bay, bay, bay... trong gió nhẹ nhàng. Dù ở đâu, Paris, Luân Đôn hay ở những miền xa. Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó... em ơi...”

Nói đến trang phục truyền thống của phụ nữ Việt thì không thể không nhắc đến tà áo dài. Chiếc áo dài đầu tiên xuất hiện trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, thuộc Đàng Trong từ Phú Xuân, Huế trở vào giữa thế kỷ XVIII.

Gần 3 thế kỷ đã trôi qua, chiếc áo dài trở thành trang phục truyền thống, thậm chí có thể gọi là quốc phục của Việt Nam.

Dù ở đâu thì phụ nữ người Kinh cũng rất tự hào về hình ảnh chiếc áo dài truyền thống. Chiếc áo thon gọn, ôm sát cơ thể, có cổ cao, 2 tà trước và sau của áo dài kéo từ cổ xuống mắt cá chân và trùm lên chiếc quần ống rộng chạm đất.

Trong gần 3 thế kỷ, áo dài không ngừng được cách điệu, thay đổi. Dù chạy theo xu hướng thời thế hay theo sự sáng tạo, phá cách của một người nào đó thì nó luôn luôn tôn vinh vẻ đẹp tao nhã, mềm mại lẫn gợi cảm của phụ nữ Việt Nam.

Khách phương xa đến thăm, “bà chủ nhà” diện chiếc áo dài như là một chiếc áo lễ để tiếp khách. Sân trường thời nay trắng tinh màu áo, tà áo dài đồng hành cùng các nữ sinh trên hành trình chinh phục tri thức.

Trong bộ trang phục áo dài, tóc xõa qua vai, nụ cười của ai đó lấp lánh trong nắng, gợi nhớ, gợi thương, để lại nhiều lưu luyến cho mối tình học trò trong sáng. Đội thêm cái mấn, thêm vào chiếc áo choàng bên ngoài màu sắc tươi sáng, áo dài trở thành bộ y phục đẹp nhất cho cô dâu khi bước lên xe hoa.

Duyên dáng áo dài ơi!
Duyên dáng áo dài ơi!

Trong buổi dạ tiệc, người phụ nữ Việt Nam nói riêng trong chiếc áo dài cũng sẽ lộng lẫy, độc đáo không thua bất kỳ bộ trang phục của các quốc gia nào khác trên thế giới…

Áo dài có mặt ở mọi nơi, hiện hữu trong trái tim người Việt Nam như một phần quen thuộc, gắn bó và khó có thể thay thế. Dù trải qua bao đổi dời thì những gì sinh ra trên mảnh đất này, dành riêng tôn vinh cho vẻ đẹp Việt Nam thì sẽ còn mãi, như câu thơ nổi tiếng của Bùi Giáng khi viết về áo dài: “Biển dâu sực tỉnh giang hà- Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh”. 

Trải qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn cùng với những diễn biến của quá trình lịch sử, tà áo dài Việt Nam luôn tồn tại theo dòng thời gian, vẫn mãi là tâm hồn Việt Nam, văn hóa Việt Nam, là tinh thần Việt Nam được phụ nữ người Kinh mang theo trong hành trình hòa nhập vào cuộc sống hiện đại cùng các dân tộc khác ở Việt Nam và trên thế giới.

Truyền thống, bản sắc dân tộc trong trang phục của phụ nữ Việt Nam là sự kín đáo, nghiêm trang, nhã nhặn, tinh tế trong phục sức.

Thẩm mỹ truyền thống không chấp nhận cách phục sức hở hang, lộ liễu, khêu gợi. Tất cả nét quyến rũ, gợi cảm của trang phục là ở cách xử lý những đường nét mềm mại và sự hài hòa trong tổng thể trang phục.

Trang phục trong những năm gần đây có bước tiến khá dài, đòi hỏi sự vươn tới cái đẹp, thể hiện sự hoàn mỹ, che bớt những khuyết điểm trên cơ thể.

Thế giới thời trang phong phú với những làn mốt đến rồi lại đi, thay đổi đến chóng mặt, trang phục truyền thống của người Việt Nam vẫn thể hiện rõ bản lĩnh của mình, giờ đây có vẻ bình tĩnh, lắng sâu hơn và thể hiện rõ bản sắc của mình hơn, biểu hiện ngày càng rõ nét phong cách trang phục vốn có từ ngàn đời. 

Trong buổi trưng bày chuyên đề: “Trang phục, trang sức các dân tộc ĐBSCL” tại Bảo tàng Vĩnh Long, ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long- đã nói: Mỗi bộ trang phục, mỗi món trang sức là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Xuất phát từ những đặc điểm về lịch sử, địa lý, kinh tế, phong tục, tập quán, quan niệm thẩm mỹ và sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc qua từng thời kỳ lịch sử, chúng đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa đồng bằng phong phú, nhiều màu sắc.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY