Tượng Nữ thần Saraswati- kiệt tác về văn hóa nghệ thuật

Cập nhật, 13:21, Thứ Ba, 04/12/2018 (GMT+7)

Vừa qua, Bảo tàng Vĩnh Long đã tiếp nhận một hiện vật độc đáo do người dân hiến tặng, đó là tượng Nữ thần Saraswati. Tượng được đánh giá là kiệt tác về văn hóa nghệ thuật, là sự hội tụ, kết tinh về giá trị lịch sử và là tư liệu quý để nghiên cứu khoa học.

Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- tặng bằng khen cho 2 cá nhân có công phát hiện và hiến tặng tượng nữ thần.
Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- tặng bằng khen cho 2 cá nhân có công phát hiện và hiến tặng tượng nữ thần.

Tượng nữ thần đầu tiên ở Đông Nam Á

Tượng Nữ thần Saraswati được ông Lê Văn Thông (Ấp 3, xã Hòa Thạnh- Tam Bình) phát hiện và trục vớt trong quá trình khai thác cát trên sông Cổ Chiên, đoạn qua xã Quới Thiện (Vũng Liêm).

Sau đó, ông Thông giao lại cho Đại đức Thích Đức Hiền- trụ trì chùa Phước An (ấp Hồi Thạnh, xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) để thờ tự và Đại đức Thích Đức Hiền đã hiến tặng tượng nữ thần cho Bảo tàng Vĩnh Long quản lý và nghiên cứu.

Ông Lê Thanh Hiền- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH- TT và DL) Vĩnh Long cho biết:

“Xác định đây là hiện vật quý, sau khi tiếp nhận Sở VH- TT và DL đã tích cực tham mưu UBND tỉnh và Bộ VH- TT và DL thành lập Hội đồng thẩm định hiện vật để xác định giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học;

đồng thời thành lập Hội đồng xác định giá trị tài sản và xây dựng phương án chi thưởng đối với người có công phát hiện, tìm thấy và bàn giao tượng Nữ thần Saraswati theo đúng quy định của pháp luật”.

Hội đồng thẩm định hiện vật có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu, có kinh nghiệm giám định cổ vật đến từ TP Hồ Chí Minh như: PGS.TS Đặng Văn Thắng- Giám đốc Bảo tàng lịch sử văn hóa, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Giám định cổ vật thuộc Bộ VH- TT và DL; TS. Hoàng Anh Tuấn- Giám đốc Bảo tàng lịch sử TP Hồ Chí Minh;

TS. Phạm Hữu Công- nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng lịch sử TP Hồ Chí Minh;… Trong số 9 tài liệu hiện vật được thẩm định vào năm 2017, thì tượng Nữ thần Saraswati được các thành viên hội đồng nhận định đây là pho tượng có kiểu dáng đẹp, là hiện vật quý hiếm.

Tượng Nữ thần Saraswati có chiều cao 140cm, thân tượng cao 113cm, được tạo tác bằng đá sa thạch, tương tự như ở Ấn Độ có Nữ thần sông Hằng, tượng Nữ thần Saraswati có niên đại khoảng thế kỷ thứ VI- VII, tay trái Nữ thần cầm bình Kendy, “khung đỡ tượng có hình chữ U rất hiếm, đầu tượng tóc xõa, tếch tóc uốn, váy của nữ thần có hình đuôi cá.

Đây là pho tượng lạ và từ trước đến nay chưa được tìm thấy ở khu vực Đông Nam Á”- PGS.TS Đặng Văn Thắng nhận xét.

Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là khi trục vớt từ sông Cổ Chiên lên, tượng nữ thần không còn giữ được hình dáng nguyên vẹn, do có một mảng bệ tượng bị vỡ, tay phải của tượng bị gãy mất một đoạn từ trước.

Xứng tầm bảo vật quốc gia

Nghiên cứu về tượng Nữ thần Saraswati ở Vĩnh Long, PGS.Lê Xuân Diệm- chuyên gia giám định cổ vật thuộc Hội Khoa học Lịch sử TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Khung đỡ tượng có niên đại xuất hiện sớm, tượng nữ thần thuộc hiện vật quý, đặc biệt là tượng nữ thần sông”.

Bên cạnh đó, PGS. Lê Xuân Diệm cũng đặt giả thuyết: “Có thể vì sự cố nào đó mà người xưa đem giấu đi hoặc đền thờ nằm gần sông nên bị sụp lở, nên tượng bị rơi xuống sông”.

Điều này cũng cần được những người làm công tác chuyên môn trên lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, di sản văn hóa và các nhà khoa học tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu.

Theo công trình nghiên cứu “Các trung tâm tôn giáo thuộc văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ” do PGS.TS Đặng Văn Thắng chủ biên, xuất bản năm 2017, thì “Nữ thần Saraswati là nữ thần biểu tượng của tri thức, nghệ thuật và khoa học, là vợ của thần Sáng tạo Brahma”;

biểu tượng tay trái nữ thần cầm bình Kendy chứa đựng nước thánh mang ý nghĩa gieo mầm sống cho thế giới, mang đến sự tốt lành cho cư dân, đồng thời nước thánh trong bình Kendy cũng có tác dụng rửa sạch tội lỗi cho những người lầm lỡ.

Trong hệ thống lễ hội của người Ấn theo đạo Hindu, hàng năm lễ hội Saraswati được các tín đồ long trọng tổ chức vào khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng 2.

Trong lễ hội của nữ thần, các loại nhạc cụ, sách, bút hay cọ dùng để vẽ… tất cả đều phải được mang đi vệ sinh cho sạch sẽ và được đặt trang trọng lên bàn thần, sau đó mọi người cùng xướng lên lời cầu nguyện từ những bản kinh văn.

Qua nghi thức của lễ hội, chúng ta thấy, Nữ thần Saraswati luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt, xã hội và thể hiện được giá trị nhân văn sâu sắc trong tín ngưỡng của cộng đồng người Ấn theo đạo Hindu lúc bấy giờ.

Xét trên bình diện lịch sử, đây là tượng nữ thần lần đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng, nên pho tượng mặc nhiên trở thành tư liệu lịch sử đặc biệt quý báu, tiêu biểu của đất nước, góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử hình thành vùng đất Nam Bộ.

Xét ở góc độ ngoại giao, thông qua tượng nữ thần, cũng phản ánh sự hội tụ, kết tinh về lịch sử ngoại giao giữa Việt Nam với Ấn Độ và các nước Đông Nam Á và là tư liệu thiết thực cho việc nghiên cứu quá trình du nhập tôn giáo, văn hóa Ấn Độ vào Việt Nam từ hàng ngàn năm trước.

Xét về giá trị văn hóa, tượng Nữ thần Saraswati được đánh giá là kiệt tác về nghệ thuật tạo hình, thể hiện được nét đặc trưng nổi bật của nền văn hóa Óc Eo.

Trên lĩnh vực khoa học, pho tượng không nằm ngoài tư liệu khoa học quý để nhiều ngành khoa học khác nhau có thể tiếp cận nghiên cứu.

Chính những giá trị đặc biệt và độc đáo trên, ông Lê Thanh Hiền- Phó Giám đốc Sở VH- TT và DL Vĩnh Long cho biết:

“Ban Giám đốc sở đã chỉ đạo Bảo tàng Vĩnh Long tiếp tục nghiên cứu giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học về tượng Nữ thần Saraswati; tăng cường công tác an ninh,

nhằm đảm bảo cho việc giữ gìn, bảo quản và trưng bày, giới thiệu tượng nữ thần đến khách tham quan, góp phần khẳng định giá trị đặc sắc của nền văn hóa Óc Eo tại Vĩnh Long”.

Hội đồng thẩm định hiện vật cũng thống nhất đề nghị Bảo tàng Vĩnh Long chọn tượng Nữ thần Saraswati là một trong 2 hiện vật của Vĩnh Long lập hồ sơ đề nghị Bộ VH- TT và DL trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia trong thời gian tới.

Ngày 9/11/2018, Sở VH- TT và DL Vĩnh Long đã trang trọng tổ chức lễ vinh danh và công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tặng thưởng bằng khen cho ông Lê Văn Thông và Đại đức Thích Đức Hiền đã có công phát hiện và hiến tặng cổ vật tượng Nữ thần Saraswati cho Bảo tàng Vĩnh Long lưu giữ và phát huy giá trị theo quy định.

Bài, ảnh: MINH TRIẾT