Tận hiến cho từng "giọt" thơ

Cập nhật, 12:21, Thứ Hai, 08/10/2018 (GMT+7)

Bẵng đi thời gian khá dài dường như “im hơi lặng tiếng”, một ngày gặp lại Thái Hồng chúng tôi khá bất ngờ trước một tập bản thảo mới thật đầy đặn. Thì ra, trong âm thầm, lặng lẽ, “người thơ”của chị vẫn đang cùng chị song hành trong cuộc đời này, nó như hơi thở, như máu thịt không rời nhau dù một phút giây nào.

Đọc lại những sáng tác của mình cũng là hạnh phúc, niềm vui nho nhỏ của nhà thơ. Trong ảnh: Thái Hồng đang đọc lại tác phẩm vừa xuất bản.
Đọc lại những sáng tác của mình cũng là hạnh phúc, niềm vui nho nhỏ của nhà thơ. Trong ảnh: Thái Hồng đang đọc lại tác phẩm vừa xuất bản.

“Thơ là nhật ký cuộc đời”

Nằm vắt mình bên dòng Cổ Chiên, trên con đường “vương quốc gốm” của đất Vĩnh Long, từng tấc đất, con sông ở quê ngoại Mỹ An đã trở thành ký ức tuổi thơ khó phai mờ, cũng là chất liệu sống động cho thơ Thái Hồng: “Vọc lớp bùn vừa lắng dọc triền sông/ hạt cát mịn phù sa rã dưới chân sao như vấp/ tuổi thơ tôi nhiều bong bóng vỡ/ câu ca dao cong phía những rặng bần” (Trích “Nhớ một vàm sông”).

Tìm đến gặp chị ở chợ Mỹ An, ngồi trong cơ sở bán đồ gia dụng của mình, chị cười sảng khoái: “Mê thơ hổng giống ai trong nhà, còn bạn bè thì cười vì giống… một bạn hàng, hổng phải nhà thơ”.

Không thể lý giải tình yêu dành cho văn chương đến từ đâu, Thái Hồng chỉ nhớ từ những năm học cấp 3, chị đã thích sáng tác, viết thơ trong những tập lưu bút chuyền tay.

Đến khi trở thành sinh viên của Trường CĐ Sư phạm khoa Văn (khóa 3, 1978- 1980), Thái Hồng viết rất nhiều, nghĩ gì viết nấy, tự nhiên như cách để giãi bày tâm tư. Thái Hồng kể về kỷ niệm “dở khóc dở cười” trên con đường mon men gắn bó với thơ: “Hồi xưa viết xong hay vứt bản thảo rơi vãi dưới đất.

Ngày ra trường, thầy chủ nhiệm mời vô phòng đưa cho 1 xấp giấy nhăn nheo được vuốt thẳng: “Em ơi cái này quý lắm sao em bỏ vậy, thầy lượm lại giùm em nè”. Hành động nhỏ ấy khiến Thái Hồng xúc động vô cùng.

Đó là chất men thúc đẩy cho chị bắt đầu lăn mình vào với duyên nghiệp thơ ca; để rồi từ đó thêm một “đời thơ” bên cạnh “đời người” làm nên một Thái Hồng rất lạ trong bầu trời nghệ thuật đồng bằng.

Thái Hồng làm thơ giống như nhật ký cuộc đời, ghi lại những điều đã trải qua, “để dành” những suy tư, buồn vui mỗi ngày, rồi “viết như là nhu cầu của bản thân, cũng hổng biết tại sao có được khả năng ấy”. Với chị, người thi sĩ phải dám sống và dám nói thật trong thơ: “Thật đến nỗi mộc mạc, xù xì nhưng phải luôn là mình.

Vì sự suy tư quá nhanh nên có người ví thơ mình giống như đang nhảy cóc”. Cách nói khiêm tốn, thật ra sự chuyển động đột ngột trong ngôn ngữ thơ của chị là sự “trúc trắc” quyến rũ của nghệ thuật, nó không rơi vào sự nhàm chán đều đều theo lối viết thường tình êm tai. Đó chính là cá tính nghệ thuật. Đó cũng là thế mạnh giúp chị nắm bắt nhanh từng chi tiết, những góc khuất chìm nổi của cuộc đời.

Chị có cảm xúc mạnh với những bất trắc trong cuộc đời và hoàn cảnh tôi luyện, thơ có thể “tuôn” ra bất kỳ lúc nào cảm xúc ập đến.

Dường như không có thời gian dành cho thơ nhưng Thái Hồng vẫn có cách để sống cùng thơ: đang chạy xe thì dừng lại, không có giấy thì mở điện thoại bấm ý tưởng hoặc câu thơ để đó, đang ngủ cũng bật dậy viết.

Có lần đang bán hàng vào buổi sáng chợ đông, bé gái 7- 8 tuổi dắt cha đi xin ăn. Không kìm được cảm xúc nên chị lấy giấy ra làm thơ, người ta đến mua thì bỏ xuống bán, bán xong trở vô viết 1 câu, vừa bán hàng mà trong đầu vẫn còn giữ được cảm xúc.

Trong chuyến đi Phú Quốc sáng tác về biển đảo, vì ở chung khá đông người sợ phiền giấc ngủ nên Thái Hồng phải chui vô… nhà vệ sinh để có ánh sáng ngồi viết.

Chị quan niệm: “Cảm xúc đến rất nhanh nhưng viết nhanh mà không dễ dãi hay gượng gạo, mà do những điều đó mình đã nuôi cảm xúc có sẵn. Tất cả đều đã ấp ủ, nghiền ngẫm. Sự nghiền ngẫm đó lớn dần theo thời gian, đợi chất xúc tác là bật lên thôi”.

Tận hiến cho từng “giọt” thơ

Thái Hồng khẳng định: “Vốn là mình, mộc mạc rồi thì không thay đổi được. Phần đẹp nhất luôn ở lúc lắng lại. Giống như cây càng già, càng xù xì, vượt qua càng nhiều giông bão thì lõi càng chắc”. Luôn giữ tình yêu với con chữ, dám dấn thân, lao theo đam mê, cô ví việc viết nên một bài thơ “hạnh phúc như là bắt được vàng”.

Tạo nên điều giá trị, ắt người nghệ sĩ phải đánh đổi bằng giọt mồ hôi, bằng những lần suy tư sửa đi sửa lại đến nhàu cả mảnh giấy chỉ vì một chữ trong câu chưa tròn ý. “Muốn có 1 bài thơ hay thì chính bản thân mình phải là người kiểm duyệt trước nhất. Vì viết cái gì ra cũng là máu thịt của mình”.

Thái Hồng cho rằng, người làm thơ không tỉnh táo thì rất dễ đánh mất chính mình. Lùi lại một bước để nhìn xa hơn. Người ta không trải qua đau khổ đến tận cùng thì không bao giờ cảm nhận được giá trị của hạnh phúc.

“Tôi đi qua năm tháng/ bằng tình yêu không dừng” (Trích “Ám ảnh”), kiên định như thế nên gặp lại Thái Hồng, ai cũng phải thốt lên: “Bao nhiêu năm gặp lại vẫn hồn nhiên như xưa”.

Náu mình đến mức chừng như “im hơi lặng tiếng” trong gần 10 năm qua, năm 2018, Thái Hồng sẽ trở lại với tập thơ “Sa mạc ngày”. Lặn trong từng con chữ là ngóc ngách sâu kín trong tâm tư của người phụ nữ đã bước vào độ “chín” bắt đầu chiêm nghiệm về một đời thơ và những phận người…

Hơn 30 năm “sống với thơ thấy bình yên hết thảy”, dù ở hoàn cảnh nào Thái Hồng vẫn đam mê và an nhiên như một sự tự cân bằng giữa nghệ thuật với “cơm, áo, gạo, tiền”.

Vẫn cốt cách, giọng điệu không hề thay đổi, dòng ngôn ngữ chảy theo cá tính riêng; nhưng trong chặng đường thơ mới của chị, chúng tôi cảm nhận sự chuyển mình với những trải nghiệm phong phú, đa chiều trong tư duy, cảm xúc cùng một phong cách đỉnh đạc hơn, sang trọng, nền nã hơn.

Và vẫn vậy, như chính con người chị, thơ Thái Hồng vẫn sống hết mình với cuộc đời này bằng một lối đi riêng, rất riêng.

Những run rẩy, yếu mềm của một tâm hồn nhạy cảm luôn được ẩn mình phía sau vỏ bọc thô mộc, mạnh mẽ và hào sảng đậm đặc hồn quê. Cứ thế mà cười khóc, buồn vui mà sống, mà tận hưởng và cũng là để tận hiến cho từng “giọt” thơ dâng tặng cuộc đời này.

Thái Hồng hiện là hội viên Hội VHNT tỉnh Vĩnh Long, Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm: Tập thơ đầu tay (In chung) năm 1987: “Bỗng thức dậy mặt trời”, tập “Trú mưa” năm 2007. Năm 2008, tập thơ “Đằng sau cơn gió” đạt giải khuyến khích của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Năm 2009, UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao giải C (không có giải A) cho tập thơ “Ngày của chiêm bao”.

QUANG THUẦN- PHƯƠNG THÚY