Bến sông quê

Cập nhật, 17:38, Chủ Nhật, 16/09/2018 (GMT+7)

Quê hương chứa những hình ảnh bao la, rộng lớn, lại rất gần gũi, cụ thể. Ở nơi ấy chất đầy những ngọt ngào của hoa trái trĩu cành, thấp thoáng dáng những người thân yêu, chiếc cầu lắt lẻo, dòng sông chở nặng phù sa, cánh đồng hương mạ,…

Mỗi khi nhắc đến quê hương, một trong những hình ảnh mà chúng ta không thể nào quên đó là bến sông quê.

Ngược dòng thời gian, trở về ký ức ngày thơ, bến sông là nơi tụ hội lý tưởng của bọn trẻ trong mỗi buổi chiều, khi bìm bịp kêu con nước lớn. Những ngày hè oi ả, trầm mình dưới lòng sông tắm mát.

Bọn trẻ bơi lội, lặn hụp, nước bắn tung tóe, reo vui rộn ràng cả một góc sông.Trẻ con thôn quê mặt mày tèm lem, tay bám bùn nhưng nụ cười rạng rỡ, trong veo. Niềm vui của tuổi thơ là thế.

Sáng sáng con trẻ tiễn mẹ đi chợ trên bến sông, trưa trưa nắng lên lại ra ngồi trông mẹ về. Nghe tiếng ghe, đò xa xa râm ran vui thầm trong dạ. Đò cập bến, dáng mẹ hiện ra, niềm vui hí hửng mừng cái kẹo, cái bánh mẹ mua cho.

Bến sông là nơi chứng kiến hẹn hò của những đôi trai gái trong làng, dưới bụi tre có vầng trăng cổ tích. Có những đêm trăng sáng, chiếu rọi, lấp lánh cả mặt sông. Bao mối tình nên duyên, thuyền hoa cập bến. Cô dâu duyên dáng, má hồng mấn đỏ bên chú rể anh trai làng chân chất, khăn đóng, áo dài.

Bến sông còn là nơi chia xa, tiễn biệt. Nơi nàng tiễn chàng lên đường nhập ngũ. Rồi mỗi ngày nàng nhìn về hướng ấy, chờ mong. Nghĩ về tương lai, hăng say bên liếp rau, mảnh vườn chờ ngày sum họp.

Bởi sự gần gũi, mộc mạc mà mang nặng nghĩa tình nên bến sông đi vào thơ ca, là nguồn cảm hứng cho những thi sĩ, nhạc sĩ:

“Sông quê nước chảy đôi bờ

Để anh chín dại mười khờ thương em”

(Đinh Trầm Ca)

Hay:

“Chờ đò trên bến sông quê

Chim đêm lạc giọng bay về gọi nhau”

(Nguyễn Thành Dũng)

Giữa những lo toan vất vả, giữa những bộn bề của cuộc sống đời thường, quê hương là nơi để mỗi người con phương xa tìm về- nơi lưu dấu, lắng đọng những gì thiêng liêng và bình dị nhất.

NGỌC BÍCH