Nơi nuôi dưỡng những tâm hồn nghệ thuật

Cập nhật, 08:30, Chủ Nhật, 17/06/2018 (GMT+7)

 

Những trại sáng tác tạo điều kiện để văn nghệ sĩ chia sẻ kinh nghiệm và gắn kết nhau hơn.
Những trại sáng tác tạo điều kiện để văn nghệ sĩ chia sẻ kinh nghiệm và gắn kết nhau hơn.

Đối với người sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT), những chuyến đi thực tế sáng tác luôn chứa đựng nhiều ý nghĩa. Không chỉ đáp ứng yêu cầu về tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ chính trị của VHNT, những trại sáng tác còn tạo điều kiện để giới văn nghệ sĩ cọ xát với đời sống và chắt chiu cảm xúc- vốn là một trong những nền tảng quan trọng của lao động sáng tạo.

Trại sáng tác góp phần nuôi dưỡng, phát triển những tâm hồn nghệ thuật để cho ra đời tác phẩm có giá trị.

Nghề cần những chuyến đi

Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng viết: “Nhà văn phải là một thứ côn trùng lấy cái râu mà thăm dò không khí thời đại. Nhưng nhà văn muốn có tầm cỡ thời đại thì phải ngụp sâu vào dân tộc mình, nhân dân mình”.

Một tác phẩm có thể để lại dấu ấn, không chỉ là tác phẩm được bạn đọc nhớ đến mà còn là nơi ta nhìn vào để thấy những gì đang diễn ra và đọng lại những suy ngẫm về thời đại đang và sẽ đến.

Và muốn những tác phẩm ra đời mang hơi thở của cuộc sống, không có cách nào khác ngoài việc người nghệ sĩ phải đi, quan sát, lắng nghe, trải nghiệm.

Những năm đầu của thế kỷ XXI, nhà thơ Song Hảo là người tổ chức chuyến đi sáng tác xuyên Việt đầu tiên ở ĐBSCL, bởi chị quan niệm “nghề sáng tạo nghệ thuật là nghề cần những chuyến đi”. Chị khẳng định, phải đi để làm mới cảm xúc, làm mới bản thân, cần quan sát, cảm nhận, so sánh để mình tiến bộ hơn.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, giai đoạn 2008- 2017, Hội VHNT Vĩnh Long đã tổ chức 31 chuyến đi thực tế về biển, đảo, nông thôn mới, về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,…

Đều đặn được tổ chức, trại sáng tác trở thành nơi tạo không gian, môi trường sáng tác đầm ấm, thắp lên ngọn lửa cảm xúc cho văn nghệ sĩ, để cho ra đời những tác phẩm VHNT có giá trị cao về nội dung, tư tưởng cũng như chất lượng nghệ thuật, đáp ứng sự phát triển đổi mới của đất nước, nhu cầu của công chúng.

“Tay máy” Huỳnh Thanh Thiện tự hào nhớ lại kỷ niệm đạt giải nhất cuộc thi Marathon chủ đề “Nét đẹp vùng đất Vũng Liêm” trong khuôn khổ Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL lần thứ 32.

Anh kể, khoảnh khắc bắt gặp em thiếu nhi ngồi vẽ hình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với bộ đồng phục thắt khăn quàng đỏ, nụ cười của em, tình cảm dành cho bác Sáu Dân trong ánh mắt, những ai từng thấy khó mà quên được. “Hãy đi vì có những khoảnh khắc chỉ bắt gặp một lần trong đời thôi”- nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Thanh Thiện chia sẻ.

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Cẩm Nhung thì cố gắng không bỏ lỡ chuyến đi nào cùng đoàn sáng tác về hải đảo xa xôi hay vùng nông thôn mới trong tỉnh. Từ tuổi 13 trốn mẹ đi tập hát, tập múa đến khi trưởng thành, lúc chị gắn bó với kịch nói, lúc ngân nga câu vọng cổ, khi thì khoác lên người bộ quần áo lấp lánh, trình diễn hát bội cùng gánh hát Đồng Thinh,…

Chị cho biết: “Hổng nhớ nổi đã bao nhiêu lần đứng trên sân khấu nhưng mỗi nơi đi qua là một lần được cháy hết mình, tiếng hát được gần với công chúng hơn. Điều hạnh phúc nhất của những nghệ sĩ trong chuyến đi thực tế là được trình diễn những tác phẩm nóng hổi vừa sáng tác tại địa phương và được bà con đón nhận”.

Những chuyến đi cũng đưa văn nghệ đến gần hơn với công chúng ở vùng sâu vùng xa.
Những chuyến đi cũng đưa văn nghệ đến gần hơn với công chúng ở vùng sâu vùng xa.

Nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật

Vào đầu tháng 6, lần đầu tiên Hội VHNT tổ chức trại sáng tác chuyên ngành mỹ thuật với việc trao đổi kinh nghiệm sáng tác và góp ý trực tiếp của giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Giảng viên- họa sĩ Tô Hoài Nam nhận xét: “Tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời cần nhất là cá tính có thể chuyển tải những gì gần gũi nhất trong cuộc sống nhưng phải có ý tứ, gửi gắm thông điệp để người xem ghi nhớ, thích thú, suy ngẫm. Trong nghệ thuật không có ai hơn ai, có chăng là sự khác nhau trong cá tính mỗi người. Vì vậy mà thế giới nghệ thuật mới muôn màu muôn sắc”.

Họa sĩ Tô Hoài Nam quan niệm, mỗi người có chất riêng nên không tránh khỏi vướng mắc trong quy trình sáng tác, cách đặt vấn đề, cách chọn hình tượng. Chính trại sáng tác là dịp để ngồi lại cùng nhau, tương trợ nhau, giúp đỡ để hoàn thiện những thiếu sót mà bản thân tác giả không nhận thấy.

Họa sĩ trẻ Phan Kim Cương có hơn 10 năm gắn bó với những chuyến đi, những trại sáng tác của Hội VHNT tỉnh. Tranh của chị thường về đề tài thiếu nhi với mảng màu rực rỡ và đường nét mộc mạc nhưng tinh tế của tranh dân gian.

Kỷ niệm khó quên là những lần về vùng nông thôn thực tế, các em thiếu nhi xúm xít lại tò mò bút màu, cọ vẽ rồi xuýt xoa khi được vẽ cùng.

Chị chia sẻ, muốn vẽ tranh thiếu nhi có hồn thì nhất định phải tiếp xúc và dành tình cảm cho các em: “Nếu ngồi ở nhà thì không thể nào tưởng tượng được tính cách ngây thơ, hồn nhiên và có tình cảm với các em. Chứng kiến các em thiếu thốn và thiệt thòi, ai đến đấy cũng mong mở ngay một lớp dạy vẽ để các em được thỏa ước mơ”.

Chuyến đi Gành Dầu (Kiên Giang) khoảng 5 năm trước thì để lại ấn tượng sâu sắc trong họa sĩ Trần Có với hình ảnh tàu thuyền lênh đênh trên ngọn sóng, căn nhà sàn nằm hướng ra biển, bà con ngư dân tấp nập mang cá vào bờ… “Cảm xúc vẽ một bức tranh có khi đến trong tích tắc, có khi mất 1 tuần, 1 tháng, có khi vài năm mới đủ. Nên đi nhiều để thấy và chắt chiu cảm xúc”.

Các họa sĩ được cọ xát và thêm cảm hứng để sáng tạo nghệ thuật. Trong ảnh: Họa sĩ Trần Có bên tác phẩm của mình tại trại sáng tác vào đầu tháng 6.
Các họa sĩ được cọ xát và thêm cảm hứng để sáng tạo nghệ thuật. Trong ảnh: Họa sĩ Trần Có bên tác phẩm của mình tại trại sáng tác vào đầu tháng 6.

Đối với ông, mỗi lần đến biển đảo đều có một ý nghĩa thiêng liêng khi chứng kiến những tình cảm, gương người tốt việc tốt của cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng, nhân dân không ngại khó khăn mà bám đất, bám biển, giữ gìn chủ quyền, duy trì trật tự an ninh trong khu vực biên giới, chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đảo.

Câu chuyện về cải tiến, đổi mới các trại sáng tác VHNT luôn được nhắc đến như một yêu cầu cấp bách của đời sống sáng tác, là tiền đề cho sự ra đời của những tác phẩm chất lượng.

Để các trại sáng tác phát huy tối đa hiệu quả, giúp các văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm hay, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng thì các trại sáng tác phải duy trì hoạt động đều đặn, đồng thời có sự sẻ chia, gắn kết từ văn nghệ sĩ các vùng, miền trong cả nước.

Theo ông Trần Thanh Sơn- Phó Chủ tịch Hội VHNT Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, Hội VHNT đã tổ chức 4 chuyến đi thực tế sáng tác về vùng nông thôn mới, hải đảo, về công an nhân dân. Gần 800 tác phẩm ra đời trên tất cả các lĩnh vực: văn, thơ, nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật… thu hút sự quan tâm của công chúng. Những chuyến đi cũng là dịp để những người trẻ cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, có những tác phẩm chất lượng. Đào tạo lực lượng kế thừa vốn là trăn trở của Hội VHNT Vĩnh Long nói riêng và cả nước nói chung.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY