Cố nhạc sĩ Vũ Loan

Một người bạn, một người anh của giới nhạc sĩ Vĩnh Long

Cập nhật, 07:43, Thứ Hai, 28/05/2018 (GMT+7)

Nhạc sĩ Vũ Loan tên thật Thạch An Trinh (sinh năm 1951 tại xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự- Đồng Tháp).

Ông đã có một thời từng là nhà mô phạm vào thập niên 70 tại Đồng Tháp, nhưng do hoàn cảnh đẩy đưa, ông lại trở thành một nhạc sĩ trong lực lượng thanh niên xung phong ở nước bạn Campuchia từ năm 1976 và đến với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cửu Long từ năm 1981 cho đến lúc ra đi.

Ông đã cầm bút và nổi tiếng từ những ngày quê hương vừa thống nhất, là một trong số ít nhạc sĩ của tỉnh là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên.

Vũ Loan với những ca khúc hát về quê hương được xem là những khúc tự tình du dương, ngọt ngào tình sông nước, vì thế mà khi nhắc đến tác phẩm tiêu biểu của Vĩnh Long, chúng ta nghĩ ngay đến bài hát Cửu Long mến yêu, với âm hưởng ngọt ngào của làn điệu dân ca,

giai điệu nhẹ êm như sóng vỗ âu yếm vào bờ xanh cây lá, êm đềm như dòng chảy dạt dào của con sông hiền hòa cùng những chiến công đi vào lịch sử đã đi sâu vào tâm khảm của những người dân Cửu Long ngày trước.

Trong những tác phẩm viết về quê hương Cửu Long ít có tác phẩm nào đẹp như thế, cuốn hút như thế; để khi nghe ca khúc này ta sẽ thấy lòng mình dịu dàng một tình yêu cho đất lành quyến rũ này.

Ông cũng rất có duyên với những lời tự tình tha thiết cùng hình ảnh của vườn cây, cánh cò, con đò, bến nước, mà nhất là lòng chung thủy của dòng nước Cửu Long, dù trong dù đục vẫn xuôi chảy hiền hòa, vẫn mang nặng phù sa quanh năm vun bồi cho đất mẹ.

Từ đó mà bài hát “Tình yêu dòng sông” đã ra đời, gởi trao lời tình tự của nhạc sĩ Vũ Loan đối với quê mẹ Cửu Long.

Nhạc sĩ Vũ Loan có một loạt sáng tác về đất cù lao mà bài nào cũng mượt mà, cũng nồng say. Phải chăng vì có nhiều người con gái cù lao từng làm anh xao động?

Phải chăng vì đất cù lao từng có thời cưu mang anh những lúc khó khăn trên đường đời và anh cũng từng có thời gian không ngắn trú ngụ trên đất cù lao? Trong câu chuyện thường ngày ông vẫn nhắc về đất cù lao bằng tất cả lòng ưu ái và trân trọng.

Trong đó, bài hát “Đất cồn vương vấn tim ai” được rất nhiều người yêu thích qua những lần được đoàn ca múa nhạc Trung tâm Văn hóa và các nơi dàn dựng biểu diễn cũng như tham dự các cuộc hội diễn nghệ thuật đạt được những giải thưởng cao.

Trong những ngày còn là tỉnh Cửu Long, quê ta có cả những cánh đồng bao la, và có cả rừng vàng biển bạc. Rừng đã chở che cho bao chiến sĩ ngày đêm bám đất giữ làng.

Từng cụm hoa, mái nhà, con suối, tiếng chim hót líu lo mỗi ngày đã trở thành quen thuộc và đã có biết bao là kỷ niệm được thể hiện trong lời thơ của nhà thơ Song Hảo.

Nhạc sĩ Vũ Loan đã phổ nhạc bài thơ “Mai xa rừng em có nhớ gì không” với những cung bậc đơn sơ tiết tấu nhẹ nhàng uyển chuyển và được tác giả Lê Sơn viết lời cổ được nhiều nghệ sĩ địa phương cũng như trong khu vực và cả TP Hồ Chí Minh đã thể hiện trên sân khấu và sóng phát thanh truyền hình trên toàn quốc, đến nay đi đến đâu vẫn còn nghe vang vang câu hát “Mai xa rừng em có nhớ gì không…”

Ngoài những tình cảm dành cho quê hương, tình yêu và tuổi trẻ, nhạc sĩ Vũ Loan còn rất mến yêu đàn cháu nhỏ kháu khỉnh với vẻ hồn nhiên.

Và nhạc sĩ Vũ Loan cũng có rất nhiều ca khúc thiếu nhi được dàn dựng, biểu diễn và thu phát sóng trên các đài truyền hình khu vực và Trung ương như những bài “Xuân quê ngoại”, “Áo hoa đẹp”, “Con làm gió”.v…v…

Trong thời kỳ đổi mới, ngòi bút của ông vẫn sắc bén, giai điệu của ông vẫn dạt dào, những tác phẩm của ông lại tiếp tục được khẳng định giá trị và được khán thính giả đón nhận vô cùng trân trọng.

Tên tuổi của ông càng bay xa, ông tiếp tục góp thêm vào kho tàng văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao.

Đối với đồng nghiệp, ông hết sức thân thiện, tuy có bề dày kinh nghiệm, nhưng ông luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của bạn bè để chuốt trau tác phẩm của mình cũng như thẳng thắn phê bình góp ý cho đồng nghiệp để cùng đạt hiệu quả cao.

Đối với đàn em đàn cháu, ông hết sức nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn về chuyên môn, truyền đạt những kinh nghiệm của mình cho thế hệ trẻ để cùng đóng góp cho phong trào văn nghệ tỉnh nhà những giai điệu đẹp có giá trị tinh thần cao, góp phần thỏa mãn nhu cầu thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật của công chúng.

Năm 2006, ông đã vĩnh viễn ra đi, để lại cho đời biết bao tiếc nuối. Tên ông đã trở thành quen thuộc với người dân đồng bằng, với các cháu thiếu nhi.

Khi nhắc đến tên ông là nhắc đến một người thích ngao du, vui câu chuyện phím với bạn bè cùng ly rượu đế, đó là một phần quan trọng không thể thiếu để góp nên những ca khúc của nhạc sĩ Vũ Loan.

Hoàng Lộc (TP Vĩnh Long)