Bánh lá ngày xưa

Cập nhật, 20:41, Chủ Nhật, 13/05/2018 (GMT+7)

Bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ khoảng 3 giờ chiều ở con hẻm bên hông nhà tôi lại vang lên tiếng rao lảnh lót “Bánh lá, bánh chuối hôn!”

Hình như lộ trình của cô bán bánh này không đổi suốt nhiều năm qua nên tiếng rao của cô đã quá đỗi quen thuộc với nhiều người ở đây…

Bánh lá, bánh chuối có thể ghép vào loại bánh dân dã, bánh của người bình dân bởi nguyên liệu bánh và cách làm ra nó rất đơn giản. Bánh lá chỉ toàn bột gạo và một ít phụ gia thiên nhiên như lá “thúi địt”, lá dứa để tạo màu, tạo mùi.

Bánh chuối có thêm một nguyên liệu nữa là chuối chín đập giập. Cả hai loại bánh cũng đều cùng một cách chế biến là được hấp chín và đều được ăn với nước cốt dừa.

Trong cả hai loại bánh này, nước cốt dừa tuy là món phụ nhưng rất quan trọng, vì nó càng béo càng đậm đà thì càng làm bánh thêm hương vị. Tôi thích món bánh lá không bởi hương vị đặc trưng của nó, mà chính món bánh này đã gợi lại trong tôi những kỷ niệm về người mẹ quê nghèo của mình…

Ngày ấy khi làm món bánh lá cho đàn con của mình, mẹ hay cười khi nhắc về câu hát ru
“Mẹ mong gả thiếp về giồng / Ăn bông bí luộc, dưa hồng nấu canh”, bởi mẹ là con gái xứ giồng chỉ giỏi gánh nước tưới rẫy chớ làm gì biết nấu nướng nhiều món ngon cho chồng con như các cô gái miệt vườn ở quê của cha. Mẹ nói “bông bí luộc” và “dưa hồng nấu canh” ai mà không biết làm… nên đừng cười mẹ khi về nhà chồng chỉ có mỗi món bánh lá này đem theo để làm cho các con ăn lúc rảnh rỗi.

Bánh lá của mẹ hồi ấy cũng được mẹ đặt cho một cái tên khá khôi hài là “bánh cục”, bởi suy cho cùng nó vẫn toàn là những lá bột khi ăn gần như là một… “cục” bột chấm nước cốt dừa.

Về chuyện này, cha tôi thường trêu mẹ “làm chi cho cực, cứ lấy nước cốt dừa chan vô cơm thì có khác gì!” Những lúc ấy, bà thường “hứ” với ông một tiếng rồi mấy mẹ con chúng tôi ra tay trổ tài.

Mẹ phân công chúng tôi đứa nạo dừa để làm nước cốt, đứa đi hái lá rau mơ để đâm nhuyễn vắt lấy nước tạo màu và mùi thơm cho bánh.

Đứa hái lá mít về rửa sạch để cho ráo nước, còn mẹ làm chuyện quan trọng nhất là chuẩn bị nồi hấp và nhồi bột làm bánh.

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, lửa cháy bừng bừng dưới nồi hấp và bột được nhào xong với nước lá rau mơ thì mọi việc bắt đầu: Chúng tôi rửa tay sạch ngồi vây quanh mẹ, mỗi đứa tay cầm một chiếc lá mít và một cục bột nhỏ vừa được mẹ phân cho, cố nắn cho nó tràn ra đầy lá mít.

Vui nhất là lúc này, chúng tôi vừa nắn bánh vừa nhắc đủ thứ chuyện trẻ con mà gần như chuyện nào cũng bắt mẹ làm trọng tài và chuyện bị kêu ca nhiều nhất là chuyện cục bột thì nhỏ mà lá mít hình như quá lớn đối với nó nên chúng tôi phải khó khăn lắm mới nắn cho bột ra đầy mặt lá, có đứa không thể nắn cho đầy thì… ăn gian lén ngắt thêm một tí bột của mẹ đắp thêm vào, thường thì mẹ chỉ cười và bảo phải cố nắn bánh cho mỏng vì bánh càng mỏng thì càng thơm ngon.

Làm xong chiếc lá nào thì đưa ngay cho mẹ để nhận ngay chiếc lá mít và cục bột khác tiếp tục làm như trước, cứ như thế chúng tôi cùng với mẹ thoáng một lúc đã hết cả một tảng bột to.

Giữa những lúc nắn bột vào lá mẹ tranh thủ hấp từng xửng lá đã được nắn bột, xửng này chín thì xửng khác được thay vào. Bánh chưa kịp nguội hẳn chúng tôi đua nhau gỡ những miếng bánh thơm phưng phức từ các lá mít cho vào thau.

Khi chúng tôi gỡ hết các lá bánh thì món nước cốt dừa thắng của mẹ cũng đã xong, khói còn bốc lên nghi ngút. Bánh còn hơi ấm cũng được chia đều trên những tấm lá chuối để thay dĩa rồi chan thêm nước cốt dừa lên.

Chúng tôi quây quần bên mẹ, mỗi đứa tay cầm một chiếc que bằng cọng lá dừa thưởng thức món bánh có phần công sức của mình góp vào. Ôi, làm gì trên đời có món bánh nào tuyệt vời hơn thế…

Nhiều lần sau, mẹ thay đổi cách làm. Thay vì cho chúng tôi góp phần nắn bánh, mẹ pha bột lỏng hơn rồi nhúng một mặt chiếc lá mít vào thau bột cho áo một lớp bột trước khi cho vào nồi hấp. Làm bánh kiểu này bánh rất mỏng nên cha tôi không còn chê như trước, nhưng không hiểu sao bọn trẻ chúng vẫn thích các miếng bánh chính tay mình nắn nót trước kia hơn.

Bù lại mẹ có thời gian để kể những chuyện vui quanh các món bánh cho chúng tôi nghe. Nhớ nhất là lần thằng Út ăn hết phần bánh của mình nhưng vẫn còn thòm thèm đang len lén liếm lớp nước cốt còn đọng lại trên lá thì bị mọi người phát hiện.

Liền sau đó câu chuyện có nội dung tương tự được mẹ kể: Có một thầy giáo làng cùng ăn bánh lá với lũ học trò. Khi ăn xong, thầy thấy còn nhiều nước cốt trên lá chuối, bỏ thì tiếc nhưng liếm thì ngại học trò cười. Thầy bèn nghĩ ra cách tận thu. Thầy nói với các học trò của mình “Các em có biết chữ I viết hoa ra sao không?”

Nói xong thầy liền liếm nước cốt một đường dài trên lá rồi nói “Là nó đấy, còn chữ T viết hoa thì như thế này”. Thầy liếm tiếp một đường phía trên vệt vừa rồi… Cả bọn tôi khoái chí cười rân, Út quên cả chuyện của mình cũng cười toe khoe hết hàm răng sún...

HỒNG VÂN