Từ những chuyện đời... tự kể

Cập nhật, 05:31, Thứ Hai, 16/04/2018 (GMT+7)

 

Chuyện đời… tự kể của những người cùng sinh năm 1987 được độc giả đón nhận nồng nhiệt.
Chuyện đời… tự kể của những người cùng sinh năm 1987 được độc giả đón nhận nồng nhiệt.

1. Khi chẳng biết gì về tự truyện, chúng tôi đã say sưa ngấu nghiến trang sách kể về số phận trong “Sống nhờ” của Mạnh Phú Tư, “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng hay “Cỏ dại” của Tô Hoài.

Soi mình vào mỗi trang chữ, sống hết được các cảnh đời, cảm nhận được mọi dư vị lãng đãng giữa đắng cay và ngọt ngào, chúng tôi phần nào hình dung được thời cuộc.

Khi biết được hồi ức chính là ngọn nguồn vô giá tạo nên chất liệu cho những trang tự truyện, tôi thấy đây là cách khá gần gũi và dễ dàng để hiểu một người… không quen, có khi là cả một thời đại đã lùi xa dưới lăng kính của người ấy.

Người viết tự truyện giống như một họa sĩ, dùng ngôn từ vẽ bức tranh về cuộc đời mình một cách chi tiết.

Tự truyện thường được viết nên từ trí nhớ của những nhân vật có tên tuổi, đặt trọng tâm vào một số sự kiện, có khi kéo dài cả đời người và có tính xác thực về những ngày tháng đã qua.

Khi trang sách gấp lại, người đọc sẽ cùng trải qua thăng trầm của một đời người và được lan truyền cảm hứng để sống đẹp, biết trân trọng cuộc đời này hơn.

2. Trong những năm gần đây, những quyển tự truyện có đủ sức nặng và độ chín trong cả cuộc đời nhân vật, mang giá trị văn học sâu sắc có thể kể đến “Những câu chuyện từ trái tim” của GS.TS Trần Văn Khê, “Tâm thành và lộc đời” của NSƯT Thành Lộc.

Với “Những câu chuyện từ trái tim”, đó là cuộc đời của một nghệ sĩ lý trí, dành trọn vẹn cho nghệ thuật và tâm hồn ông được dẫn dắt bởi một tinh thần rất trẻ, thấu đáo và rộng mở.

Ông yêu âm nhạc dân tộc Việt Nam, ông trân quý tà áo dài, cái khăn đóng, từng câu ca dao, từng lời thơ, ý nhạc. Ông dành mọi tâm huyết nghiên cứu văn hóa, âm nhạc, truyền dạy lại và đến cuối đời vẫn không ngừng trăn trở về nó.

Ông dành cả đời để mang Việt Nam ra thế giới và kỳ vọng, các thế hệ đi sau sẽ không quên điều đó.

Một trong những may mắn của cuộc đời là khi còn trên ghế nhà trường, tôi đã có cơ hội gặp ông.

Người thầy ngồi trên xe lăn, nở nụ cười hiền hậu chia sẻ những điều hệt như ông đã viết trong tự truyện: Ông tin rằng người Việt Nam rất giỏi và ông nhấn mạnh nghị lực làm nên tất cả. Chính nghị lực là cái mà giới trẻ Việt Nam cần nhất vào lúc này. Mỗi người cần phải xác định mình yêu thích điều gì.

Khi phải đánh đổi để đến được niềm yêu thích đó, ý chí và nghị lực chính là người bạn đồng hành không thể thiếu. Nếu phải hy sinh nhiều hơn để niềm yêu thích đó từ bản thân lan rộng ra bên ngoài, cuộc đời tuy ngắn ngủi này sẽ trải ra rộng lớn hơn nhiều.

Khi bước sang tuổi 55, NSƯT Thành Lộc cho ra đời quyển tự truyện “Tâm thành và lộc đời”.

Đó là những năm tháng lăn lộn với đời, sống cùng nghề. 600 vai diễn là 600 lần cống hiến hết mình, giày vò và trăn trở để hóa thân vào nhân vật, mang đến giây phút thăng hoa nhất trên sân khấu. Có những góc khuất, những chuyện mà nếu đứng ngoài thì không thể nào thấu hiểu được.

Có những thăng trầm, qua nếm trải mới tôi luyện nên Thành Lộc ngày hôm nay. Người đọc tự truyện có thể trưởng thành cùng ông, lớn lên cùng những trải nghiệm và cái nhìn cuộc đời của một nghệ sĩ đáng ngưỡng mộ về tài năng lẫn đức độ.

3. Năm 2015, quyển tự truyện- du ký “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” của Đinh Hằng làm lay động trái tim hàng ngàn độc giả trẻ.

Trải nghiệm 6 tháng xuyên nước Mỹ, đi thật xa bỏ lại những nỗi buồn với hành trang thật đặc biệt là “sự chân thật, đầy men say, cảm xúc và trí tuệ”, Đinh Hằng cho rằng đi khám phá thế giới cũng là khám phá chính bản thân.

Hành trình tâm lý dũng cảm đương đầu với những rủi ro, dũng cảm khi biết cách đối diện với chính mình sau những va vấp đã đánh thức trong mỗi người trẻ bản năng yêu, đi và sống hết mình.

Có hàng loạt tự truyện “gây sốt” của những người trẻ ra đời sau đó: “Chuyển giới” của Trần Minh Ngọc, Sơn Tùng M- TP với “Chạm tới giấc mơ”, “Đức Phúc- I believe I can fly” của ca sĩ Đức Phúc và gần nhất là “Vàng Anh và Phượng Hoàng” của Hoàng Thùy Linh.

Hành trình vượt qua “khủng hoảng” của tuổi trưởng thành, những va đập khi bước ra đời là câu chuyện truyền cảm hứng, là hành trang để người trẻ tin vào bản thân mình, tiến về phía trước…

Tuy nhiên, người Trung Quốc từng nói: “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”, nghĩa là khi người ta đến 50 tuổi mới có thể thông suốt chân lý của tạo hóa, thấm thía được sự đời, biết được việc mình, việc người.

Vậy những người trẻ, thường là những nghệ sĩ có tuổi đời, tuổi nghề quá non nớt thì họ đã đủ chiêm nghiệm để thẩm định những gì mình nói và những tự truyện ấy có mang giá trị văn học?

Những sự kiện có phần thêu dệt, nhằm vào những người “khát” thông tin chứ không mang hơi thở của thời cuộc, không có giá trị lưu trữ thông tin dần làm mất đi ý nghĩa của tự truyện.

Giá trị của sách là ở mỗi người cảm nhận, tinh hoa của sách cũng là ở khả năng chắt lọc, nhìn nhận của mỗi người. Độc giả trong thời đại số cũng cần có “cái đầu lạnh và trái tim nóng”. Chọn sách và chọn lọc để tiếp nhận thông tin trong thời đại này không phải là điều dễ dàng.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY