Bút ký

Thấm nhuần

Cập nhật, 05:39, Chủ Nhật, 18/03/2018 (GMT+7)

Lão Ba Minh cán bộ binh vận huyện Vũng Liêm kể khá sôi nổi trận đánh đồn địch sau năm Mậu Thân 1968. Mọi người chú ý lắng nghe. Bỗng nhiên lão Tám Quang ôm mặt khóc nức nở; khác nào là đứa trẻ lên 3…

Sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ và quân đội Sài Gòn tăng cường phản công khốc liệt. Cuộc kháng chiến gặp muôn vàn khó khăn… Ta thay cách đánh để phù hợp tình thế mới.

Từ sách lược “chính trị, quân sự, binh vận” chuyển đổi “binh vận” đi đầu, kết hợp “quân sự, chính trị”; làm kẻ địch choáng váng, hoang mang cực độ.

Nổi bật, cuộc khởi nghĩa ở căn cứ pháo binh Tầm Phương do Trung úy Huỳnh Chí Thiện chỉ huy, nã pháo vào khu quân sự Trà Vinh làm tê liệt cơ quan đầu não của địch. Và san bằng căn cứ pháo binh này hồi cuối năm 1968. Góp phần cổ vũ cách đánh địch trong tình hình mới.

Bọn địch ráo riết càn quét, khủng bố, không từ bỏ thủ đoạn xảo quyệt nào? Chỉ một buổi sáng, bọn bảo an đồn Cầu Trắng tràn vào xóm bắt 14 dân thường, trong 14 gia đình đem ra mổ bụng thị uy, nhằm đè bẹp phong trào kháng chiến.

Quân và dân Vũng Liêm vô cùng căm thù. Song, không thể “xua” quân tiêu diệt bọn này. Thời điểm này, cách mạng ở Vũng Liêm chỉ cần giấu lực lượng, không bị thiệt hại là thắng địch”.

Đây là lời mở đầu chuyện kể ta đánh đồn Cầu Trắng (Hiếu Thành) của lão Ba Minh (Lê Văn Minh, sinh năm 1945, quê ấp Bảy, xã Trung Ngãi- Vũng Liêm); công tác binh vận huyện suốt 7 năm.

Mọi người tỏ ra thích thú nghe chuyện ông kể… Bởi giai đoạn này ta chuyên đánh địch trong đồn bằng lực lượng đặc biệt, đầy trí tuệ, đạt hiệu quả cao. Người ta còn gọi cách đánh ấy là: “Nở hoa trong lòng địch”.

- Đúng là “cùng tất biến…” chẳng sai chút nào?- câu chuyện Ba Minh kể vẫn như rót đều đều- Binh vận huyện chọn vợ chồng anh Nguyễn Văn Đậu, tạo dựng lực lượng diệt đồn Cầu Trắng, rửa hận cho 14 người chết ức, chết oan.

Vợ chồng anh Đậu quê xã Trung Ngãi (giờ là xã Trung Nghĩa), tuổi 32, có 2 con (6 tuổi, 4 tuổi). Anh chị không biết chữ, nhà nghèo.

Anh Đậu là thanh niên trốn quân dịch, địch thường xuyên tìm bắt. Một hôm anh “đánh tiếng”: “Trốn bắt lính hết nổi rồi; đành đăng đi lính bảo an thôi!”

Nhập ngũ, địch đưa anh Đậu vào trường huấn luyện… Lúc này, chị Chín- vợ anh Đậu- còn ở nhà, chưa vào đồn như bao vợ lính khác.

Con thì 2 đứa đều bệnh, không có tiền nên… đi mượn, bà con xóm giềng mắng: “Đi lính lương ngập mặt, còn đi mượn tiền?”

Chị Chín lên Sài Gòn bán máu lấy tiền chạy chữa cho con. Sau 3 tháng ở trường huấn luyện trở về đồn, anh Đậu đưa vợ con vào ở chung.

Bọn địch ngày đêm bung ra càn quét, tìm diệt “Cộng quân”. Lãnh đạo huyện tạo điều kiện để anh Đậu được địch tin tưởng…

Đậu vào lính, 3 tháng đầu ở trường huấn luyện quân sự. 3 tháng thứ hai, chuyên điều nghiên, báo cáo, theo yêu cầu tổ chức giao. Việc vẽ sơ đồ đồn Cầu Trắng chẳng dễ chút nào.

Đồn này cấu trúc theo hình “3 góc, 3 cạnh” mà 2 anh chị, chẳng ai biết chữ. Rất khó cho việc điều nghiên, nào là cách bố phòng hầm ngầm, công sự, hỏa lực… liên quan phương hướng…

Anh chị không diễn tả được mối quan hệ đó. Song, bù lại, nhờ cần cù, chăm chỉ… trong thời gian ngắn, vợ chồng họ nắm bắt được hệ thống hỏa lực bố phòng, đặc điểm tình hình từng tên lính, cả vợ lẫn con chúng!

Có một chi tiết- ông Ba Minh kể- rất khó quên… Gần ngày diệt đồn Cầu Trắng mà vợ chồng anh Đậu còn học một cách miệt mài về phương hướng để hoàn chỉnh sơ đồ tác chiến, ứng phó cách phòng. Anh chị nhẩm trong miệng: “Trước mặt, mặt trời mọc là hướng đông.

Sau lưng là hướng tây. Bên phải là hướng nam. Bên trái là hướng bắc”. Rồi đặt những viên đất dẻo mang tên điểm bố phòng, hỏa lực tương ứng với phương hướng.

*

* *

Cuộc họp trước khi tấn công diệt đồn Cầu Trắng diễn ra. Người chỉ huy trận đánh phát biểu: “Trận đánh này ta chuẩn bị tương đối chu đáo, kỹ càng. Lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu của 2 đồng chí Nguyễn Văn Đậu, Đặng Thị Chín cao.

Chắc chắn sẽ tiêu diệt bọn bảo an “315”, phòng thủ trong đồn Cầu Trắng rửa hận cho nước, cho dân. Cho 14 người, trong 14 gia đình bị bọn này thảm sát.

Song, có điều…”- vị chỉ huy ngập ngừng, lướt nhìn qua ánh mắt những người tham dự, rồi dừng lại ở anh Đậu, chị Chín- “Tôi đề nghị anh chị làm một trận cãi nhau dữ tợn, để bọn lính trông thấy… Rồi đưa 2 đứa nhỏ về nhà ngoại!”

Vị chỉ huy dứt lời, chị Chín vụt đứng lên: “Thưa các anh! Tôi không đồng ý cách làm này, như vậy là khinh địch. Bọn an ninh quân đội, chúng rất ranh ma, “nhất cử nhất động” của lính trong đồn đều không lọt qua mắt chúng!”

Như để khẳng định, chị Chín cả quyết: “Đưa con về lộ ngay!”

*

* *

Thời gian hợp đồng nổ súng diệt đồn Cầu Trắng đã tới. 12 giờ đêm 20/10/1969. Đúng hẹn, chị Chín bắt được ám hiệu, nhanh chóng cắt rào, mở cửa đưa bộ đội vào trong. Tên lính ở hầm kề bên phát hiện. Nhanh như sóc, chị Chín chĩa súng bóp cò; hắn ngã lăn ra chết. Lính trên tháp canh hô to: “Nội tuyến anh em ơi!...”

Không thể ngờ, cùng lúc chị Chín giương súng tiểu liên bắn tên lính trên tháp canh, thì quả lựu đạn của hắn rơi nổ ngay chỗ chị Chín và 2 con. Còn hắn thì lộn đầu rớt xuống đất.

Khi chị Chín làm nhiệm vụ “mở màn”: cắt rào, mở cửa, xử trí tình huống bất ngờ xảy ra thì anh Đậu dùng trung liên khống chế các ổ đề kháng. Địch trở tay không kịp. Quân ta tiến như vũ bão diệt 36 tên, bắt sống 5 tên; rồi thu dọn, san bằng đồn, chuyển chiến thương, tử sĩ về căn cứ”.

Sự hy sinh của chị Chín- vợ anh Đậu- với 2 con trong trận diệt địch đồn Cầu Trắng, thành nỗi ám ảnh lão Tám Quang.

Sau cả tuần, một hôm hóng mát ở công viên, Tám Quang thỏ thẻ như lời phân trần về sự “nức nở” của mình vừa qua: “Từ lời nói “đưa con về là lộ ngay!” của chị Chín, làm tôi đột ngột xúc động, giờ thì thật sự ngộ ra “cái hồn” của chân lý: “Không gì quý hơn độc lập, tự do” mà từ lâu cứ ngỡ mình đã thấm nhuần.

NGUYỄN HỒNG TÂM