Truyện ngắn

Hồn treo cột buồm

Cập nhật, 05:30, Thứ Bảy, 06/01/2018 (GMT+7)

“Lấy chồng nghề ruộng em theo

Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm”

(Ca dao)

Xóm nhỏ ấy được gọi bằng cái tên mộc mạc là xóm Lá, chừng ba chục nóc gia ở cặp hai bên bờ vàm Rạch Lớn. Dân cư sinh sống bằng việc canh tác chút ít ruộng và khai thác nguồn lợi thiên nhiên như cưa củi, bắt cua, đăng chài cá tôm ven sông… 

Từ khi lập xóm tới nay hơn ba mươi năm, họ đã chấp nhận cuộc sống giản dị, đạm bạc mà thuận hòa. Chẳng có một biến cố lớn nào xảy ra, cho đến khi…

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Chuyến ghe của chú Tư Tiểu ở lại một đêm bên Bình Đại, khi trở về có kèm theo một thanh niên lạ mặt. Anh ta tên Tiến, người miền Trung, trạc hăm lăm tuổi, nói năng từ tốn, hiền lành.

Chiều mát, chú Tư bày mâm cháo cá, bình rượu, rồi mời vài ông hàng xóm lớn tuổi tới nhậu chơi. Cũng nhằm mục đích giới thiệu cho mọi người biết Tiến, tuy mới quen nhưng rất đáng tin cậy.

Tiến làm cho ghe đánh cá biển Bình Đại, vì có chút chuyện không vui nên xin qua đây tạm trú trong thời gian nghỉ lại giữa hai chuyến đi.

Rượu vào lời ra, chuyện trò thân tình cởi mở, đến tua rượu cuối thì ai cũng coi Tiến như người trong xóm. Đi biển vài ba tuần lễ, về nghỉ dăm ngày, Tiến tranh thủ đi khắp các lượt nhà làm quen.

Nói chung, ai cũng mến anh bởi sự hoạt bát, hay kể chuyện lạ, chuyện phong tục quê nhà cho họ nghe. Thắm thoát được bốn tháng trời, giờ cả xóm không còn coi anh là người lạ nữa.

Anh thường lân la tới nhà ông Hai Lễ chơi để bàn luận chuyện xưa tích cũ. Ông có vẻ thích anh, có lẽ vì anh thuộc làu pho truyện Tam Quốc và chịu khó ngồi hàng giờ liền để nghe ông nhận xét về các nhân vật trong sách.

Có người đùa bảo Tiến đang ngắm nghé Hiền- cô con gái út ông Hai. Anh chỉ cười không nói gì.

Vợ mất sớm, ông Hai nuôi mấy đứa con tới trưởng thành, chúng có gia đình sống nơi xa yên ổn, chỉ còn cô út vừa tròn 18 tuổi. Dịp cúng bổn xóm, bà Năm Quán ướm lời với ông Hai:

- Tui thấy thằng Tiến hổng phải người gốc gác đây, mà coi tính nết cũng tốt. Còn đứa con gái gả phứt, cho hàng xóm uống rượu chung vui…

Đăm chiêu suy nghĩ, ông thủng thẳng nói:

- Thím nói cũng là ý tốt, nhưng kết thông gia tuốt miền ngoài xa xôi, nhiều trở ngại lắm. Tôi sợ sau này con Hiền lỡ làng tội nghiệp…

Từ bữa đó, mỗi lần đi biển về Tiến đều có mang biếu quà đặc sản. Ông Hai giữ ý hạn chế nhận hoặc gởi lại rổ khoai, vài nải chuối để khỏi băn khoăn.

Vùng hẻo lánh này trai tráng không nhiều, mà ngặt cái khi lớn lên thì chúng tìm cơ hội xa lìa xóm Lá. Đi đâu cũng được, làm nghề gì cũng xong, chúng bảo “sống ở đây miết ngóc đầu hổng lên!”

Có con gái gả được tấm chồng đàng hoàng là “mừng hú hồn”, nhiều người nói vậy. Trả lời bà Năm Quán để giữ kẻ, thật lòng ông Hai quý sự trung thực của Tiến, nên việc anh tiếp xúc trò chuyện với con gái, ông ngó lơ.

Đi biển về, việc trước tiên là anh ghé thăm ông, tranh thủ phát quang khơi thông con lạch cho xuồng ra vô thuận tiện, hay có khi hai bác cháu xoay trần lợp lại mái chuồng heo, nhà bếp…

Biết tình yêu giữa con gái mình và chàng trai miền Trung ngày càng sâu đậm, ông không đành lòng cấm đoán.

Rồi đến một ngày, qua mai mối của chú Tư Tiểu, ông Hai bằng lòng tổ chức đám cưới “bắt rể” khá lớn, có tất thảy bà con lối xóm đến chung vui. Cuộc sống đôi vợ chồng trẻ thật hạnh phúc.

Hiền đẹp người đẹp nết, Tiến chăm làm và yêu vợ hết mực. Dòng đời êm ả, nửa năm qua hai người luôn khao khát, mong ngóng tin vui mà chưa có được.

Ông Hai Lễ tỏ ra mãn nguyện khi không chọn lầm người, mừng cho con gái có nơi nương tựa xứng đáng. Khuya một đêm tháng 10, Hiền bịn rịn tiễn chồng xuống ghe chú Tư Tiểu đưa qua Bình Đại, luôn miệng dặn dò:

- Anh cẩn thận, chuyến này đánh bắt xa… Những tháng cuối năm thường biển động, em lo lắm!

Hôn lên tóc vợ, Tiến thì thầm:

- Phải gắng làm, dành dụm mai này mình có con anh sẽ đưa về thăm quê anh, cũng chẳng còn được mấy người thân… Em ở nhà nhớ chăm sóc ba cho tốt nghen… Thôi anh đi!

Tiếng máy nổ xình xịch vang trong đêm, đứng ở mũi ghe Tiến còn quay mặt lại vẫy tay cho tới khi khuất sau rặng dừa nước…

*

* *

Cơn bão số năm hoành hành dữ dội, hầu như quét sạch những tàu ghe hoạt động tại ngư trường gần tâm bão. Trong số đó có chuyến ghe Tiến đi.

Anh nằm đầu danh sách những người mất tích. Hơn mười ngày cha con Hiền ở suốt bên Bình Đại chờ tin Tiến trong mỏi mòn, tuyệt vọng.

Nhưng đám tang ngư dân địa phương chết biển sớm chiều ảm đạm đưa về càng xoáy sâu vào tim người vợ trẻ. Hiền khóc lóc, vật vã ngày đêm.

Ông Hai Lễ đau lòng không kém, thương con nghẹn giọng khuyên lơn. Việc tìm kiếm chấm dứt, mọi chuyện đã an bài. Hai cha con xót xa quay về ngôi nhà trống vắng, hình ảnh Tiến như cơn mơ đẹp thoáng qua rồi vụt biến…

Ba năm sau cơn bão, trong lòng Hiền vẫn canh cánh nỗi nhớ thương người chồng bất hạnh. Bao nhiêu đêm trăn trở, mơ màng để lệ tràn bên gối chiếc, rồi cũng dần nguôi ngoai theo cuộc sống.

Ông Hai Lễ già đi nhiều, lòng thương con gái tuổi còn xuân mà phải chăn đơn gối chiếc. Bữa giỗ cúng Tiến đã xong, mời chú Tư Tiểu ngồi lại và gọi Hiền lên nghe chuyện, ông Hai cân nhắc nói:

- Mọi người ai cũng nhờ Tiến, không riêng gì con… Hôm nay có mặt chú Tư, ba chẳng dám ép mà chỉ… xin con nghĩ lại mà sống có đôi có bạn theo lẽ thường.

Ba vắn tắt, con thấy thằng Ba giăng câu cháu chú Tư đây thế nào? Có hợp để xây dựng cùng con không? Nó mồ côi từ nhỏ, ít nói, cục mịch thiệt, nhưng sống có nghĩa có tình với làng xóm. Nó thương con từ hồi nào tới giờ hổng dám nói, chú Tư biết bụng nên…

Chú Tư cũng nói thêm vài câu rồi im lặng. Hiền cúi mặt nghĩ ngợi, ngập ngừng lên tiếng:

- Con xin lỗi đã làm ba buồn mấy năm nay… Thôi thì cứ theo ý ba và chú Tư, có điều anh Ba phải hiểu là con vẫn thương yêu anh Tiến cho tới ngày nhắm mắt…

Nhìn người bạn già, ông Hai móm mém cười:

- Được rồi, ba vui lắm! Con ra sau nướng mớ khô cá chạch cho hai… sui gia nhậu mừng chuyện tác thành suôn sẻ!

… Hơn hai năm sống cùng người chồng mới, có đứa con trai vừa giáp thôi nôi, dĩ vãng lắng đọng trong Hiền. Anh Ba- chồng Hiền- khuya sớm làm lụng, gầy dựng mái gia đình êm ấm.

Ngày giỗ Tiến, chính anh đi mời bà con chòm xóm đến dự để nhắc nhớ chuyện một thời “chồng trước vợ mình” sống tốt lành ra sao. Ai cũng khen anh có trước có sau, không nhỏ nhen như thói thường bao người…

Đột nhiên cả xóm nghe ai đó khẳng định đã gặp Tiến tại bến xe Long Khánh. Râm ran dư luận, đoán già đoán non theo nhiều hướng, xấu tốt lẫn lộn.

Người có liên quan thì bồn chồn vào ra nghe ngóng. Nhà ông Hai tất nhiên biết chuyện, nửa tin nửa ngờ, tâm trạng có dao động nhưng không ai dám lộ ra. Hiền lủi thủi trong nhà với con, ít tiếp xúc mọi người, chẳng ai biết tâm tư chị ra sao?

Anh Ba bỗng dưng buồn thấy rõ, cả đêm giăng câu ngoài vàm, sáng la cà uống rượu đến say mèm mới về. Ông Hai lặng lẽ trầm tư bên bàn trà, tàn thuốc lá đầy dưới chân.

Và định mệnh sao mà cay nghiệt! Như lệ thường, sớm nào chồng Hiền cũng đem tôm cá về, nựng nịu con một chút rồi đi đâu thì đi, chị an tâm.

Bữa nay chờ tới mặt trời lên cao vẫn không thấy mặt chồng, Hiền bồn chồn trong dạ, tất tả rảo quanh xóm hỏi thăm.

Nhờ ghe chú Tư Tiểu chở tới đầu vàm, thấy ghe anh Ba cột vào gốc bần lão, không thấy người. Hú gọi bặt tăm hơi, linh cảm điều chẳng lành, vài thanh niên nhảy xuống nước mò cầu may.

Nửa giờ sau, Hiền chết điếng, ngất xỉu ngay khi xác chồng được kéo ra từ hốc kẹt bụi dừa nước to tướng.

Ai cũng phân vân chẳng hiểu nguyên nhân vì sao một người giỏi bơi lội mà chết đuối trong điều kiện quá đơn giản.

Hiền đau xót tự dằn vặt vì mình và vì tin Tiến có thể trở về, khiến anh Ba chết đột ngột, tức tưởi chăng?

Bởi bản tính chất phác, hiền lương, anh hoang mang khó xử khi nghĩ chuyện mai này phải đối mặt với hoàn cảnh trớ trêu nên… buông xuôi phận người?

Mở cửa mả chồng Hiền được ba ngày, Tiến lù lù về tìm ngay nhà chú Tư Tiểu. Đầu trên xóm dưới tới thăm mừng “người chết trở về”, và để nghe anh kể chuyện mình từ sau cơn bão số năm hơn năm năm trước.

Lúc ghe vỡ, anh bị nhiều vết thương, nhưng may mắn bám được vào mảnh gỗ và trôi dạt suốt mấy ngày đêm.

Lênh đênh vùi dập sóng to gió lớn, thần trí hôn mê… thì gặp ghe cào lớn cấp cứu đưa về tận Bình Thuận.

Một gia đình thương tình cưu mang, nuôi dưỡng chữa chạy bệnh cho anh suốt mấy tháng trời. Vết thương ở đầu tái phát thường xuyên khiến anh mơ hồ về gốc gác gia đình, một thời gian dài.

Ơn sâu nghĩa nặng, tình cảm phát sinh, cô con gái lớn của gia đình ấy đem lòng yêu anh bất chấp sự dị nghị của làng xóm.

Trí nhớ từ từ hồi phục, nhưng tinh thần suy sụp, anh ngã lòng với suy nghĩ: “Hiền chưa có con với mình và đã hơn một năm biết bao biến đổi, giờ biết sự thể ra sao?

Chắc rằng ai cũng cho mình chết mất xác từ lâu…”. Đứa con gái nhỏ ra đời cùng những bon chen cuộc sống khiến mọi chuyện như chìm vào quên lãng.

Nhưng rồi ngày tháng ấm êm xưa cũ bên Hiền và mối chân tình của bà con xóm Lá lại hiện về ám ảnh, thôi thúc Tiến như món nợ giày vò lương tâm. Anh phải trở về đối mặt với lương tâm, tạ tội với mọi người…

Trong lúc chú Tư Tiểu kể về sự đau khổ, chờ đợi triền miên của Hiền lúc anh mất tích, Tiến rưng rưng nước mắt giằng xé, lên án mình đã nhẫn tâm phụ bạc người vợ thủy chung.

Oái oăm hơn, anh trở về khi Hiền đã có gia đình mới và định mệnh nào lại khiến xui đúng lúc anh Ba- chồng Hiền- vừa mất. Hiểu tâm trạng Tiến, chú Tư chậm rãi nói:

- Thiệt chỉ có ông trời mới sắp bày ra được cái hoàn cảnh éo le, lạ lùng này… để làm khổ người ta. Tao thương mày như thằng Ba nên tao nói thẳng…

Giờ trách móc, than vãn chẳng ích gì, phải chấp nhận sự việc. Mai theo tao qua thăm… cha vợ với vợ mày!

Tao nghĩ hổng sai đâu, mày với con Hiền nào hết thương nhau hay tự ý bỏ nhau? Ăn thua cái tâm mình trong sáng, mày không dám qua gặp thì là… đồ bỏ!

Còn một mình, Tiến chong đèn suốt đêm, nghe lòng mình tan nát. Anh sợ phải đối mặt người vợ cũ, biết nói gì đây khi con tim thổn thức trong nghịch cảnh trái ngang…

Vòng tay gầy run run ôm chặt con rể thổn thức hồi lâu, ông Hai Lễ bùi ngùi:

- Con còn sống là tốt rồi! Vợ con… à… con Hiền bấy lâu nay nào quên con, ba biết. Thằng Ba- chồng nó- hàng năm lo cúng giỗ con trọn vẹn nghĩa tình. Tội nghiệp…

Trên bàn thờ, bức ảnh Tiến lật úp để một góc, thay vào là ảnh anh Ba, người chồng vắn số của Hiền. Chú Tư Tiểu khẽ nói:

- Mày định chừng nào đi? Còn vợ con ngoài đó…

Nhìn quanh gian nhà từng là mái ấm hạnh phúc thân quen, Tiến nghẹn lời:

- Con… con ngàn lần xin lỗi ba, chú Tư, nhất là với… em Hiền! Con chỉ xin gặp mặt Hiền nói đôi lời rồi… sẽ đi ngay!

Ông Hai thở dài:

- Mấy ngày nay thấy nó buồn, nó khóc suốt mà lòng ba đau như dao cắt… Hồi khuya nó bỏ đi đâu, chắc để tránh gặp con, ba biết làm sao?

Trong hoàn cảnh này, thử hỏi ai nỡ ép nó làm trái lương tâm? Mà lương tâm nói sao cho đúng… hở trời?

Yên lặng hồi lâu, Tiến tần ngần đứng lên thắp nén nhang trên bàn thờ rồi bịn rịn xin phép ra về. Anh nào biết rằng người vợ cũ lánh ở buồng trong đang chua xót nhìn anh, những muốn được anh ôm vào lòng và khát khao thủ thỉ lời yêu thương nồng cháy.

Nhưng tang chồng còn đó, con nhỏ còn đây, cùng đạo lý buộc ràng… Hai ông già chung niềm ray rứt dõi mắt nhìn theo Tiến liêu xiêu những bước ngập ngừng…

*

* *

Ở lại thêm một đêm, sáng sau Tiến đến từ giã ông Hai mà không hẹn ngày trở lại. Ánh mắt anh đau đáu tiếc nuối, cảnh cũ buồn tênh, người xưa chẳng thấy.

Ghe rời bến, bọt sóng lăn tăn vỡ vụn… Nước mắt tuôn trào, Hiền ôm con ra bến ngồi trông theo chiếc ghe nhỏ đưa người thương khuất dần, khuất dần.

Ngày xưa, mỗi bận tiễn anh còn được anh hôn lên mái tóc, an ủi, dặn dò cho nhau. Bây giờ thôi đành mãi mãi xa rời, anh phải về cùng bổn phận gia đình.

Đứa trẻ bi bô bên tai, nhắc Hiền quay về thực tại. Quá khứ sang trang rồi sẽ qua đi, bởi lương tâm và lẽ sống con người luôn vượt lên trên tất cả…

NGUYỄN KIM