Truyện ngắn

Vầng trăng tháng bảy

Cập nhật, 15:26, Chủ Nhật, 03/12/2017 (GMT+7)

Tháng bảy là mùa cá bống trứng, một đặc sản của vùng sông nước Hậu Giang. Đặc điểm của nó là con nào cũng mang cặp trứng vàng tươi dưới bụng, kể cả những con mới bằng đầu đũa ăn. 

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Có lẽ vì thế mà thịt cá bống trứng thơm béo hơn các loại cá bống khác, giá bán rất cao, khoảng một trăm năm mươi ngàn đồng một ký.

Cá bống trứng thường sống và kiếm ăn trong kinh rạch chứ ít ở ngoài sông lớn cho nên rất dễ bắt. Xúc bằng rổ theo hai mé kinh rạch, vãi chài, kéo lưới, dỡ chà bó đều có cả, không nhiều thì ít.

Mùa cá bống trứng năm nào cũng đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho Hải. Con nhà khá giả nhưng Hải rất giỏi, siêng năng, cần mẫn. Ngoài việc chăm sóc vườn tược, Hải còn đặt dớn, đi chài, giăng lưới bắt cá tôm kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Hải còn nghĩ ra cách bắt cá bống trứng hết sức hiệu quả, chất chà bó dưới các mặt bộng. Cứ cách mươi bữa dỡ một lần, mỗi lần không dưới vài ký, có lần đến trên năm ký.

Hải ngồi ngoài hàng ba dặm vá lại tấm lưới để nước ròng khuya dỡ chà. Anh vừa làm vừa hát nhạc chế nghêu ngao “anh hết tiền em theo thằng khác, đời con gái bây giờ lưu manh”. Bỗng! Có tiếng nói lớn từ phía sau lưng Hải vọng lại:

- Ê! Hát bậy hát bạ chạm nọc nghen bạn?

Hải ngừng tay quay lại nhìn. Bé Ba từ hông nhà bước đến, vẻ mặt nghiêm trang. Hải nhoẻn miệng cười vui vẻ:

- Có mới nói chớ bộ?

Bé Ba vẫn làm mặt giận:

- Mía sâu có đốt nhà dột có nơi, sao ông lại quơ đũa cả nắm trong đó có…?

Bé Ba bỏ lửng, không nói trong đó có ai nhưng Hải vẫn biết ai đó là Bé Ba. Ngỡ cô ấy giận dỗi thiệt, Hải gãi đầu xin lỗi. Cô ấy cười xòa:

- Ông chậm tiêu quá? Người ta nói chơi chớ bộ nói thiệt sao mà lỗi phải? Nè, ông ám chỉ ai vậy? Con Lài phải không?

Hải lắc đầu:

- Hát vu vơ cho vui chớ có ám chỉ ai đâu?

Bé Ba trề môi, xí dài:

- Xạo! Dám thề không? Dám chết liền? Sao? Chuyện của ông với con Lài đi tới đâu rồi? Xù rồi hả? Chia tay rồi sao mà hận đời chua chát dữ vậy?

Bị Bé Ba hỏi bất ngờ, dồn dập nhưng Hải không tỏ ra lúng túng chút nào còn nhún vai, đáp:

- Có đi đâu mà tới! Có mướt đâu mà xù! Có nắm tay đâu mà chia!

Bé Ba bắt bẻ:

- Cái ông này ngộ chưa? Người ta hỏi thiệt chớ bộ giỡn chơi sao mà trả lời trớt quớt?

- Thì tui cũng nói thiệt chớ chơi sao?

Bé Ba chỉ vào Hải, nói không sợ mích lòng:

- À! Tui biết rồi! Thì ra ông thầm thương trộm nhớ người ta, yêu đơn phương, thấy người ta có bồ, đá đít rồi đâm ra hờn ghen oán trách, đúng không? Như vậy sao được? Người ta có yêu ông đâu mà ông cay đắng xót xa?

Hải nín thinh. Bé Ba chỉ nói đúng một nửa sự thật. Mà, một nửa ổ bành mì vẫn là bánh mì, còn một nửa sự thật thì không phải sự thật.

Trước kia, Hải có thầm yêu trộm nhớ Lài nhưng không dám nói ra. Bởi vì, Lài đẹp nhất xóm cả nhan sắc lẫn vóc dáng ngoại hình, nhiều người muốn cô trở thành dâu, thành vợ của họ.

Từ đó, Lài đâm ra kiêu kỳ, ngạo mạn, xem bạn bè trang lứa không ra gì. Sống theo mốt thời thượng, lúc nào cũng má phấn môi son, ăn mặc, trang điểm đúng mốt, xài điện thoại xịn, có tài khoản Facebook giao thiệp với rất nhiều bạn bốn phương, chỉ thiếu chiếc xe máy tay ga.

Bà Loan- má Lài- càng kiêu hãnh hơn, bà lấy con gái làm chất liệu xây mộng… cao hơn trời. Bà không hề bóng gió mà nói thẳng rằng chồng của Lài sau này không phải Việt kiều cũng ngoại kiều hoặc đại gia.

Để thực hiện ước mơ một bước lên trời đó, bà luôn tìm kiếm người mối lái, tìm kiếm cơ hội đưa con gái giới thiệu, chào hàng.

Trong khi đó, Hải sống giản dị, biết đủ, ít ham muốn nên ít chạy theo thời thượng như nhiều thanh niên nam nữ khác.

Xài điện thoại cùi bắp, đi xe Wave alpha, thích nghe nhạc trữ tình, hát karaoke và lên mạng xem tin tức nhưng không mở tài khoản Facebook.

Cuộc sống và mẫu người như vậy làm sao lọt vào mắt xanh của Lài được?

Sau khi biết tình yêu của mình dành cho Lài là đơn phương và vô vọng, Hải âm thầm rút lui nhưng “tui vẫn cầu nguyện cho người mình yêu sớm biến ước mơ thành hiện thực, chớ không xót xa, cay đắng, hờn trách, oán than như Bé Ba hiểu nhầm đâu”.

Hải trải lòng mình với cô bạn hàng xóm đã phải lòng người con trai có cái tâm trong sáng như ánh trăng rằm.

Hải ngồi uống cà phê sáng và chuyện trò với bạn bè tại quán chị Hạt đến hơn tám giờ vẫn chưa về. Một chiếc xe du lịch bốn chỗ màu trắng đỗ ngoài lề đường.

Người đàn ông mặc quần jean xanh, áo phông bỏ trong quần, đeo kính râm, mở cửa bước ra đứng ngó dáo dác một hồi rồi đi vào quán, đến ngồi vào bàn trống, lột kính cho vào túi áo, kêu ly cà phê đá.

Hải và các bạn đều đưa mắt nhìn. Anh ta trạc ba mươi, cao ráo, rắn chắc, tóc hớt kiểu tân thời, để ria mép cắt tỉa gọn gàng, bên má trái có mụt ruồi to ngang dái tai. Tay đeo đồng hồ vàng óng, cổ lủng lẳng sợi dây chuyền to tướng, ước cả cây.

Ngồi xuống ghế, anh ta móc khăn giấy lau trên mặt trên cổ xong ném vào giỏ rác dưới bàn. Chị Hạt bưng cà phê ra, anh ta gật đầu nói cám ơn.

Hút ngụm cà phê đầu tiên xong, anh ta móc túi lấy gói thuốc 555 rút một điếu, bật quẹt Zippo đốt hút, để cả hai lên bàn, tròn miệng nhả khói chữ O. Rất sang trọng, điệu nghệ, lịch lãm.

Uống hết ly cà phê và nửa ly trà, anh ta kêu chị Hạt tính tiền, chị nói sáu ngàn, anh ta móc trong túi quần ra một xấp tiền mệnh giá lớn nhỏ lẫn lộn, rút tờ mười ngàn đưa cho chị Hạt và nói khỏi thối, rồi lễ phép hỏi thăm:

Xin chị vui lòng cho tôi biết nhà bà Loan và cô Lài ở đâu ạ?

Chị Hạt đưa tay chỉ đường, nói rành rẽ:

- Anh chạy theo đường này, qua cầu chừng năm chục thước, nhà họ nằm bên mặt, gần cây xăng.

- Cảm ơn chị.

Người đàn ông chạy xe đi, Hải và các bạn lại nhìn theo. Tuấn nói:

- Nhìn cách ăn mặc, nói năng tui nghĩ tay này là người Sài Gòn, nếu không phải cậu ấm cũng chủ cả gì đây.

Lạc phản đối:

- Giàu thì có thể còn phong cách đó hiện giờ ở đâu hổng có, mắc chi ở Sài Gòn mới có? Còn xe du lịch thiếu cha gì, mướn loại nào chả được?

Hưng nói:

- Mấy ông cứ đoán mò, tui chắc chắn anh ta ở Cần Thơ. Tại sao ư? Hồi nãy, tui thấy bảng số xe 65, không ở Cần Thơ là gì?

Nãy giờ Hải vẫn nín thinh và ra chiều suy nghĩ lung lắm, như cố nhớ ra điều gì. Đến chừng nghe Hưng nói người đàn ông lạ ở Cần Thơ anh mới vỗ tay lên đùi, khẳng định lời của Hưng:

- Đúng rồi! Ở Cần Thơ! Tui đã gặp anh ta một lần và biết anh ta tên Bình ruồi nữa.

- Chắc hông? Lấy gì làm bằng chứng? Gặp ở đâu?- Tuấn hỏi.

- Chắc như bắp!- Hải nói- Bằng chứng là bộ râu mép và cái mụt ruồi trên mặt anh ta. Chuyện là như vầy. Bình ruồi là bạn của Chí, em cô cậu ruột với tui.

Hồi tháng chín năm ngoái, tui đi đám giỗ ông ngoại ở nhà ba của Chí trên TP Cần Thơ, Bình ruồi cũng được Chí mời. Tui ngồi chung bàn với anh ta, nhiều lần cụng ly và ca hát nhảy nhót với nhau.

Anh ta còn rủ tui khi nào lên Cần Thơ hãy kêu Chí chở đến nhà anh ta chơi. Nếu không có cái mụt ruồi trên mặt anh ta, chắc tui không nhớ anh ta là ai.

- Không biết anh ta là bạn bà Loan hay con Lài?- Lạc thắc mắc.

- Chắc chắn là của con Lài rồi. Nó có bạn bè nhiều lắm, toàn là bạn trên “phây” (Facebook) không hà. Thằng đó đáng con bà Loan làm sao bạn bà ấy được?- Tuấn nói.

Không phải tò mò nhưng linh tính báo cho Hải biết sự xuất hiện của Bình ruồi có dấu hiệu khả nghi, có điều chẳng lành cho Lài. Anh bèn để ý dò hỏi.

Đúng như Tuấn nói, Bình ruồi là bạn của Lài trên “phây”, tự giới thiệu là con của chủ doanh nghiệp tư nhân “Thạnh Phát” chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng và trang trí nội thất thuộc loại bề thế ở TP Cần Thơ. Để mẹ con bà Loan tin tưởng, anh ta còn đưa cả cac-vi-sit và vài bức ảnh cơ ngơi doanh nghiệp.

Hải thắc mắc. Bình ruồi đến với bà Loan với mục đích gì? Bà Loan chuẩn bị cất nhà nên anh ta đến liên hệ cung cấp vật liệu?

Cất cho bà căn nhà tình thương như nhiều doanh nghiệp tư nhân từng cất cho người nghèo? Hay đơn thuần là cuộc viếng thăm xã giao của bà con thân thuộc?

Hoàn toàn không phải. Vậy là Bình ruồi đến với Lài rồi? Quen nhau trên Facebook rồi trở thành tri kỷ, thành tình nhân và vợ chồng không phải chuyện lạ, hiếm thấy.

Cũng không ít trường hợp lợi dụng lòng tin của nhau để lừa đảo, lường gạt, chiếm đoạt cả tiền lẫn tình. Điều này rất có thể nhưng không phải tiền mà là tình.

Biết tâm lý của Lài ham trèo cao và sính ngoại, Bình ruồi đem cái mã bề ngoài làm mồi nhử chắc chắn Lài sẽ mắc câu, sập bẫy. Suy đi nghĩ lại cặn kẽ, Hải quyết định can thiệp, bảo vệ Lài, không cho Bình ruồi thực hiện âm mưu đen tối.

Trước tiên, Hải điện thoại hỏi Chí về Bình ruồi. Chí cho biết anh ta đã có vợ một con, có quán cơm bán cho công nhân ở Khu công nghiệp Trà Nóc.

Anh ruột anh ta mới là chủ doanh nghiệp “Thạnh Phát” chứ không phải cha anh ta. Chiếc xe du lịch là xe thuê. Hải đem những thông tin đó nói với bà Loan và Lài.

Họ đã không mang ơn còn mắng chửi Hải té tát, nào là đồ đê hèn hạ tiện, vô liêm sỉ, đỉa mà đòi đeo chân hạc, đâm bị thóc thọc bị gạo… Nghe tin, Bé Ba giận run, chạy đến hằn học với Hải như vợ với chồng:

- Nó chết hay sống tốt hay xấu mặc xác nó, mắc mớ gì đến anh mà can thiệp cho nó chửi hả?

Bình ruồi lại chạy xe Air Blade xuống nhà Lài với khá nhiều quà biếu. Mẹ con bà Loan làm tiệc thết đãi. Họ đang ăn uống vui vẻ thì Hải bước vào. Bà Loan trố mắt hỏi:

- Cậu đến làm gì? Tui nhớ không có mời cậu mà?

Lài đứng phắt dậy, chỉ tay ra cửa, nói như hét:

- Ở đây không có chỗ cho đồ đê hèn hạ tiện. Đi ra ngay! Đi!

Hải vẫn bình tĩnh:

- Xin dì Năm và cô Lài bớt giận, tui nói với anh bạn này mấy lời rồi đi ngay- Hải quay qua vỗ vai Bình ruồi- Anh có phải Bình ruồi con chú Sáu Phúc, em ruột anh Hai Thạnh- chủ doanh nghiệp “Thạnh Phát”- không? Sao? Độ này quán cơm của anh bán đắt không? Chị và cháu vẫn khỏe chứ?

Bình ruồi ngước lên, hỏi:

- Anh là ai? Hình như tôi không quen biết anh?

Hải cười lớn:

- Anh mau quên quá. Tui là Hải, anh cô cậu ruột Chí- cháu chú Ba Trường- bán cơm gần anh trên Trà Nóc đó. Tụi mình đã từng nhậu, ca hát nhảy nhót với nhau trong đám giỗ tại nhà cậu Năm Bài ở đầu lộ 20 hồi tháng chín năm ngoái, anh còn rủ tui khi nào lên Cần Thơ biểu Chí chở đến nhà anh chơi, không nhớ sao?

Bình ruồi nín thinh, Hải nghiêm giọng:

- Anh Bình! Tui cảnh cáo anh! Cái chiêu trò lường gạt này phải được chấm dứt tại đây. Nếu anh tiếp tục ngoan cố thì đừng trách tui sao không khách sáo, sao không nói trước.

Bị Hải lột mặt nạ, Bình ruồi rút lui không kèn không trống.

Trăng tháng bảy lại xanh trong…

TRẦN HOÀNG ĐƯƠNG (Trà Ôn)