Tạp bút

Những lá thư chuyền tay

Cập nhật, 11:11, Chủ Nhật, 10/12/2017 (GMT+7)

Ting… ting… Điện thoại báo có tin nhắn mới. Tay chạm màn hình mở nội dung tin nhắn ra xem, tôi bất chợt nhớ lại kỷ niệm về những lá thư viết vội chuyền tay nhau- “tin nhắn” tuổi ô mai chúng tôi ngày xưa ấy.

Hồi đó, học trò chúng tôi đâu có điện thoại di động như bây giờ. Giờ lên lớp, những tờ giấy nho nhỏ viết chi chít chữ cứ lặng lẽ được chuyền tay dưới hộc bàn.

Tờ giấy tập xé vội ẩn chứa đủ thứ nội dung trên đời, từ hỏi bài học, hẹn đi chơi, thậm chí có cả nói xấu, tranh cãi và cả “thư tình”.

Khoảng cách “xa mà gần” giữa người viết và người nhận luôn tạo nên những sự việc hài hước. Có lúc đứa ở đầu sông, đứa lại cuối sông. Vì vậy, đợi nhận thư trả lời là khoảng thời gian thú vị và hồi hộp vô cùng.

Để đầu sông bắt được tín hiệu của cuối sông, khoảng di chuyển giữa sông là quan trọng nhất. Những lúc cự cãi nhau, đợi đối phương trả lời thôi mà đã có thể nghĩ ra cả một bài đáp trả.

Rồi những bức “thư tình” trao nhau, cứ lo sợ tụi “giữa sông” đọc trộm, hồi hộp mãi. Đôi lúc khi thư đến tay, tờ giấy đã đủ mọi nét chữ bình luận của bạn bè. Có đứa bạn trong lớp thầm mến bạn lớp kế bên.

Bức thư chưa tới tay “người thương” thì đã bị bọn nghịch ngợm đọc truyền cảm nội dung với giọng đọc vang dội trước lớp.

Bây giờ, chúng tôi nhắn tin cho nhau bằng những ứng dụng, nào là Messenger, Zalo, Viber, Line,… Gởi tin nhắn 1 giây thôi là đã tới trực tiếp người nhận. Rồi chợt nghĩ, không biết các em học sinh bây giờ có còn chuyền tay nhau những dòng thư viết vội?

Có còn hồi hộp sợ “hội xem ké thư”, còn lo sợ bị giáo viên bắt gặp, tịch thu tờ giấy rồi nói “Tôi sẽ báo cho giáo viên chủ nhiệm của mấy em”,… Có những thứ trong tôi đã mãi mãi trở thành ký ức đầy ngọt ngào và dễ thương.

TUYẾT NGA