Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội: Góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh

Cập nhật, 14:34, Thứ Sáu, 15/12/2017 (GMT+7)

 

Các CLB đờn ca tài tử ra đời góp phần làm phong phú đời sống tinh thần. Ảnh: VINH HIỂN
Các CLB đờn ca tài tử ra đời góp phần làm phong phú đời sống tinh thần. Ảnh: VINH HIỂN

Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị, về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, 20 năm qua, trên cơ sở các văn bản đã được cụ thể hóa để tổ chức triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương;

với vai trò Thường trực, ngành văn hóa đã tham mưu BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh, đạt được những kết quả thiết thực, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, an ninh trật tự ổn định.

Qua 20 năm, ngành văn hóa đã tham mưu ban hành gần 15 văn bản chỉ đạo; đồng thời, ngành đã xây dựng các chương trình dài hạn và kế hoạch cụ thể định kỳ và hàng năm để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo quy định của pháp luật đến rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân.

Xác định nhiệm vụ tuyên truyền là trọng tâm, then chốt tạo chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang và lễ hội, ngành đã chủ động và tích cực phối hợp tổ chức triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức:

hội họp, tập huấn, hội thảo, hội nghị, hội thi, hội diễn gần 500 cuộc… thuộc các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình từ cấp tỉnh đến cơ sở đã lồng ghép tuyên truyền đến hàng triệu lượt người dự (bình quân hàng năm 12 cuộc);

xây dựng 58 pa nô lớn, nhỏ; thực hiện in ấn 2.700 tập sách “Những gương điển hình Gia đình văn hóa” (7 kỳ xuất bản, nêu gương 277 người) và gần 500 bản tin văn hóa; thực hiện 7.500 băng rôn, 750.000 khẩu hiệu- áp phích;

tuyên truyền qua hệ thống loa không dây hơn 10.000 tin, bài thu hút hàng triệu lượt người nghe; in ấn phát hành gần 1 triệu bản tài liệu các loại (bình quân hàng năm gần 45.000 tài liệu) và các hình thức tuyên truyền khác như: thực hiện chuyên trang trên báo, chuyên mục trên đài, trang web, cộng tác Tạp chí đời sống văn hóa của Trung ương đăng tin bài của địa phương,… 

Trùng tu, tôn tạo, tu bổ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian, vinh danh nghệ nhân ưu tú,…

Nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội còn được lồng ghép chặt chẽ vào nội dung cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã đưa việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội thành một trong những tiêu chuẩn để bình xét, công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, ấp- khóm, xã văn hóa gắn với nông thôn mới; phường- thị trấn đạt chuẩn văn minh; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Ngoài ra, còn lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các loại hình CLB. Treo bảng nội dung thực hiện các quy định về lễ hội tại các di tích trên địa bàn tỉnh… 

Bên cạnh đó, ngành văn hóa đã chủ động và phối hợp tổ chức hơn 30 cuộc hội nghị sơ kết, tổng kết; hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu; hội nghị ấp- khóm văn hóa tiêu biểu;

đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh khen thưởng hơn 600 tập thể và cá nhân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng hơn 900 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào. Toàn tỉnh, trong 20 năm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng gần 20 cá nhân và tập thể.

Đến cuối tháng 9/2017, toàn tỉnh có 589 cơ quan; 563 đơn vị: trường học, bệnh viện, trạm y tế; 109/109 xã- phường- thị trấn đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; có 847/847 ấp- khóm đã được ban hành quy ước để thực hiện ở cơ sở.

Thông qua công tác tuyên truyền vận động đến giáp tay cán bộ, đảng viên, công chức viên chức, người lao động và sự đồng thuận của nhân dân, từ đó số hộ gia đình văn hóa hàng năm được giữ vững và số hộ gia đình đạt gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền tăng cao.

Cuối năm 2016, có 206.240/246.193 hộ gia đình văn hóa đạt liên tục 3 năm liền, tỷ lệ gần 84%. Đối với việc cưới, việc tang và lễ hội cũng mang lại những hiệu quả đáng khích lệ:

+ Đối với việc cưới: Hầu hết đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, đúng thủ tục theo Luật Hôn nhân và Gia đình, không phô trương hình thức, không rườm rà, không còn tình trạng đòi hỏi lễ vật; trang phục cô dâu, chú rể đa phần theo nghi lễ truyền thống dân tộc.

Các đám cưới đã thực hiện đăng ký và trao giấy chứng nhận kết hôn tại trụ sở UBND xã. Trong giai đoạn 1998- 2017, toàn tỉnh có khoảng 156.620 đám cưới trong đó có 143.948 đám cưới thực hiện nếp sống văn hóa mới chiếm 91,62%.

+ Đối với việc tang: 109 xã- phường- thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập đội mai táng. Các hộ gia đình có người qua đời đều tiến hành khai tử theo đúng quy định của pháp luật. Trong tang lễ, duy trì được thuần phong mỹ tục, tiếp thu những nét mới, tiến bộ.

Đa số các đám tang đã giảm đáng kể việc rải tiền vàng mã. Thời gian tổ chức tang lễ thực hiện đúng quy định, không kéo dài ngày. Thời gian hoạt động của ban nhạc hiếu không quá 22 giờ đêm và trước 6 giờ sáng.

Việc đưa thi hài đi hỏa táng của đồng bào dân tộc Khmer đúng nơi, đúng quy định. Số đám tang thực hiện hỏa táng và điện táng là 10.323 đám chiếm 10,7%. Giai đoạn từ năm 1998- 2017, toàn tỉnh ước tính có trên 86.155 đám tang, trong đó có 80.177 đám thực hiện tốt nếp sống văn minh, cơ bản không còn hủ tục, đạt 92,57%.

+ Đối với lễ hội: Toàn tỉnh có hơn 650 di tích. Trong đó có 11 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 44 di tích cấp tỉnh, 595 di tích phổ thông.

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có các lễ hội chính như: 28 lễ hội dân gian, 7 lễ hội tôn giáo, 7 lễ hội lịch sử cách mạng. Việc duy trì và tổ chức lễ hội ở các di tích đúng theo luật định, thu hút đông đảo nhân dân đến tham dự đã góp phần cho ngày lễ hội truyền thống ở địa phương thêm phong phú và sinh động.

Những lễ hội lớn do tỉnh tổ chức như: Ngày giỗ Quốc tổ Hùng Vương, lễ hội Lăng Ông Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn, lễ kỷ niệm ngày sinh và ngày mất: cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, GS,VS Trần Đại Nghĩa, Nam Kỳ khởi nghĩa, lễ hội đón giao thừa,…

Các hoạt động lễ và hội đều được tổ chức trang trọng, đúng quy định, vui tươi, an toàn và tiết kiệm, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham dự. Hàng năm, tỉnh đã đầu tư tổ chức lễ hội trên 500 triệu đồng và vận động nguồn kinh phí xã hội hóa từ các Mạnh thường quân, doanh nghiệp và trong nhân dân gần 3 tỷ đồng.

Từ sự quan tâm lãnh chỉ đạo trực tiếp và ban hành các văn bản cụ thể để tổ chức thực hiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; cùng với sự phối hợp tích cực của các sở, ban ngành, đoàn thể hữu quan;

bằng những nỗ lực quyết tâm của ngành văn hóa, qua 20 năm tổ chức triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, nhận thức của người dân chuyển biến tích cực, nghiêm túc chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng và quy định của Nhà nước, đã khẳng định việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội là chủ trương đúng đắn của Đảng.

Đám cưới ở nông thôn. Ảnh: VINH HIỂN
Đám cưới ở nông thôn. Ảnh: VINH HIỂN

Trong việc cưới, người dân đã ý thức tổ chức tiết kiệm, lành mạnh. Trong việc tang, tình trạng đốt giấy vàng mã đã giảm, các hủ tục lạc hậu trong tang lễ không còn.

Trong lễ hội, duy trì và gìn giữ nhiều nghi thức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo tồn gìn giữ nhiều loại hình di sản văn hóa mang tính giáo dục cao, tạo nền tảng vững chắc trong giáo dục truyền thống.

Điển hình: loại hình đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; loại hình biểu diễn hát bội truyền thống được công diễn ở thế giới; năm 2016, Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 24 nghệ nhân ở nhiều lĩnh vực của tỉnh...

Tại các khu lưu niệm: cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Giáo sư- Viện sĩ- Thiếu tướng- Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa và Khu di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang bình quân hàng năm thu hút trên 250.000 lượt người;

tại Di tích cấp quốc gia Lăng Ông Thống Chế Điều Bát, lễ hội hàng năm thu hút trên 20.000 người; tại Quảng trường TP Vĩnh Long hàng năm, lễ hội giao thừa thu hút trên 10.000 người.

Việc tổ chức các lễ hội trên địa bàn vừa phát huy truyền thống, vừa là dịp để vui chơi, giải trí lành mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao dân trí, củng cố xây dựng và phát triển niềm tin trong nhân dân.

Như vậy, qua 20 năm tổ chức triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phong trào đã thật sự đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục dân tộc, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực xảy ra trong đời sống xã hội.

Thực hiện cuộc vận động không những góp phần tiết kiệm được tiền của, thời gian, công sức của nhân dân, của xã hội; mà còn tạo nên những giá trị chuẩn mực về đạo đức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Từ đó, việc thực hiện nếp sống văn minh đối với việc cưới, việc tang và lễ hội sẽ là nền tảng vững chắc thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng bền vững, góp phần to lớn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

  • NẾP SỐNG GIA ĐÌNH