Một nét của làng quê Việt: Cây cầu tre

Cập nhật, 22:10, Chủ Nhật, 17/12/2017 (GMT+7)

Mỗi người ai cũng có một quê hương để thương, để nhớ. Và trong tình cảm ấy luôn gắn liền với hình ảnh gần gũi, gắn bó thiết tha mà ta không thể nào quên được.

Đó có thể là con đường đi học, một đêm trăng tỏ hay một chùm khế ngọt ngào… Trong vô vàn hình ảnh làm nên hồn quê, phải kể đến hình ảnh chiếc cầu tre bắc qua con rạch nhỏ.

Lúc nào cũng vậy, dòng sông quê bên lở bên bồi nhưng không hề có sự cách trở, bởi nối liền đôi bờ đã có chiếc cầu tre.

Nói là cầu tre vì chiếc cầu đó làm bằng thân của các cây tre. Để làm nên chiếc cầu, người dân quê tôi chỉ cần buộc chặt thân cây tre lại với nhau rồi gác lên các trụ, làm thành các nhịp. Điều đặc biệt ở đây là, cầu chỉ có các nhịp lẻ như ba, năm hoặc bảy nhịp tùy theo bờ sông rộng hay hẹp.

Cầu tre có mặt trong khắp các vùng thôn quê miền Tây Nam Bộ, cùng gắn bó, chia sẻ những nỗi nhọc nhằn với biết bao nông dân thật thà, chân chất “một nắng hai sương” trong những ngày đầy khó khăn.

Ngày ngày, cầu đã âm thầm đưa đón bao người hai bên bờ sông, qua lại chăm sóc rẫy lúa nương khoai của mình, hay giúp họ sang sông để cùng nhau khề khà bên ấm trà, kể chuyện làng chuyện xóm. Cầu tre còn đi vào tiềm thức tuổi ấu thơ của mỗi người, qua lời ru êm ái, ngọt ngào của mẹ trong những buổi trưa hè êm ả:

“Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…”

(Ca dao)

Có lẽ vậy mà, khi nhắc đến cầu tre, trong lòng của mỗi người sẽ nghĩ đến hình ảnh thân thương của mẹ với nỗi gian truân trên bước đường đời để nuôi dạy con cái.

Từ đó, nó làm ngưng đọng trong trái tim mỗi người biết bao tình cảm yêu thương với người mẹ kính yêu hay nặng tình với quê hương, khơi gợi tiềm thức tốt đẹp, những nghĩ suy, trăn trở và những trách nhiệm của mỗi người với làng quê biết bao yêu dấu.

Có thể nói, hình ảnh chiếc cầu tre là sợi dây vô hình nối liền tình mẫu tử thiêng liêng hay khơi gợi tình yêu quê hương với những người xa xứ:

“Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che…”

(Đỗ Trung Quân)

Ở nơi phồn hoa đô thị, bạn đã quen với những con đường trải nhựa hay chiếc cầu xi măng hiện đại. Bạn chưa từng chứng kiến tận mắt hình ảnh chiếc cầu tre lắt lẻo cũng như những sinh hoạt thú vị gắn liền với nó trong cuộc sống đời thường.

Còn đối với những đứa trẻ được sinh ra nơi thôn quê của miền sông nước như chúng tôi, thì cầu tre gắn với biết bao kỷ niệm đẹp. Từ lúc nhỏ, mỗi sáng chúng tôi cùng nhau bên chiếc cầu giương mắt chờ mẹ về để được trao quà bánh.

Lâu dần, hình ảnh mẹ về qua chiếc cầu tre lại trở thành quen thuộc ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người như là hình ảnh của quê hương. Chiều đến, nơi ấy diễn ra những trò chơi trẻ thơ như tắm sông, nhảy cầu với niềm vui bất tận.

Rồi mỗi ngày chúng tôi thêm khôn lớn, cầu chứng kiến những cuộc hẹn hò hay chia tay của bao chàng trai cô gái quê đầy cảm động, lãng mạn và cũng rất hồn nhiên, trong sáng.

Cầu tre tuy mộc mạc, đơn sơ, nhưng chất chứa nét đẹp của miền quê sông nước. Hình ảnh chiếc cầu tre lắt lẻo đã khơi gợi niềm cảm hứng cho nhiều tác giả.

Những cảm hứng ấy làm nên những tác phẩm thi ca, nhạc họa, gây cảm xúc lâng lâng cho người đọc, người nghe. Những ngày xa quê, bất chợt nghe câu hát về quê hương thân thương, bình dị, với chiếc cầu tre lắt lẻo hỏi ai không chạnh lòng nhớ về quê hương của mình:

“Làng tôi, nghe đu đưa mấy nhịp cầu tre,

Làng bên, băng qua kinh nối tình miền quê,

Buồn vui, dân trong làng ra nghỉ trưa hè,

Lặng mà nghe ai hát đêm về”.

(Lời bài hát “Mấy nhịp cầu tre”)

Cùng với sự phát triển của đất nước, giao thông nông thôn cũng có nhiều thay đổi. Những chiếc cầu tre được thay thế bằng những chiếc cầu xi măng chắc chắn.

Thế nhưng, hình ảnh chiếc cầu tre lại tiếp tục đi vào trong tiềm thức tuổi thơ như thầm nhắc nhớ chúng ta đừng quên các hình ảnh gắn bó thân thương từng tạo nên nét đẹp chân chất của hồn quê Việt.

  • MINH ĐIỀN