"Đồ khến" B.52

Cập nhật, 21:15, Chủ Nhật, 24/12/2017 (GMT+7)

Năm 1968, tôi “hân hạnh” được lọt vào bãi bom bừa B.52 của Mỹ, nhưng vẫn sống nhăn răng và giờ đây viết chuyện bị bom B.52 bừa cho mọi người xem nhé!

Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đại đội 57 Tiểu đoàn 306 chúng tôi về đóng quân ở vùng Cái Ngang (Tam Bình).

Địch mở nhiều đợt càn quét, dùng bom đạn với mật độ rất cao đánh vào vùng Cái Ngang với ý đồ tiêu diệt và đẩy bộ đội ta ra xa vùng TX Vĩnh Long. Ngoài bom đạn, chúng còn dùng thủ đoạn chiến tranh tâm lý.

Chúng cho máy bay Dacota rải truyền đơn, từng nùi giấy được quẳng ra bay trắng xóa trên không trung rồi rơi lả tả xuống mặt đất. Tôi lượm một tờ lên xem.

Một mặt tờ truyền đơn in hình cảnh ném bom rải thảm với dòng chữ: Khủng khiếp Pháo đài bay B.52; mặt giấy bên kia in chữ “Giấy thông hành cho cán binh Cộng sản ra chiêu hồi”. Anh em chúng tôi nhận định trước sau gì giặc Mỹ cũng dùng máy bay B.52 ném bom vùng Cái Ngang này. Và ngày ấy đã đến...

Đầu tháng 4/1968, đơn vị tôi đóng quân ở Long Công (xã Mỹ Lộc- Tam Bình). Đã qua 2 ngày, vùng đất này bình yên không bị pháo, bom của địch.

Chúng tôi ở phân tán, mỗi trung đội cách nhau vài trăm mét. Khoảng 8 giờ sáng, tôi đang ngồi cạnh công sự ở tiền duyên thì nghe tiếng đùng đùng… trên cao vọng xuống, tiếng “huốt huốt”… của bom rơi. Anh em chúng tôi la lên: Bom B.52.

Tôi vừa nhảy xuống công sự thì hàng loạt tiếng bom nổ chát chúa mỗi lúc một gần. Sức ép của bom làm người tôi tưng lên liên tục, có lúc đầu đụng nóc công sự. Tôi há miệng ra để không bị sức ép của bom làm thủng màng nhĩ.

Có mấy trái bom nổ quá gần, tôi bị tức ngực, sình đất văng đầy vào miệng công sự. Do được phổ biến trước, sau loạt bom thứ nhất, chúng tôi theo bờ kinh chạy ra đồng cách mé vườn chừng 200m nằm ém dưới mép kinh để tránh loạt bom bừa thứ hai.

Chừng 15 phút sau loạt bom thứ nhất, 3 chiếc B.52 bay vòng lại thả loạt bom thứ hai theo địa hình chúng đã ném bom rải thảm trước đó. Mảnh bom bay vèo vèo, nhiều mảnh cắm gần chỗ chúng tôi đang ẩn nấp.

Dứt loạt bom, chúng tôi nhanh chóng chạy về vị trí công sự cũ. Cảnh tượng trước mắt tôi là cây cối ngã đổ la liệt bị sình đất phủ đầy, chi chít hố bom, thoạt nhìn vào tưởng như không sinh vật nào sống sót được.

Chúng tôi bị bom bừa vào đội hình, nhưng không ai chết và bị thương vì làn bom “trịt” công sự của anh em chúng tôi vài chục đến trăm mét. Riêng công sự của tôi nằm ngay đường bom bừa, khoảng giữa 2 mép hố bom mỗi bên cách chừng 30- 40m.

Anh Mười Tiền- Đại đội trưởng- lệnh cho tiểu đội tôi ở lại chống càn rồi rút sau, còn các anh em khác thì rút trước.

Tiểu đội tôi vừa bố trí đội hình xong thì địch cũng vừa dùng máy bay trực thăng đổ quân xuống cánh đồng trước mặt. 2 chiếc trực thăng chiến đấu phóng pháo vào những nơi còn cây cối, còn khu vực chúng tôi đã tan hoang hết nên chúng không thèm đếm xỉa tới.

Bọn địch ngoài đồng hung hăng tiến vào, chắc chúng chủ quan là Việt Cộng đã chết hết, chúng chỉ có việc là vào đếm xác mà thôi! Chúng tôi bình tĩnh chờ cho chúng đến gần khoảng trăm mét thì nổ súng, hạ một số tên. 

Chúng hốt hoảng chạy tháo lui ra ngoài đồng. Chúng tôi rút lui an toàn. Những tiếng súng đó là câu trả lời cho bọn giặc biết: “Pháo đài bay B.52 là “đồ khến”, chẳng làm gì được chúng ông!”

Sau trận bom B.52 đó, lãnh đạo Tiểu đoàn 306 rút kinh nghiệm với các đại đội là không đóng quân tập trung ở các vùng có địa hình thẳng, phải phân tán chỗ ngóc ngách lồi lõm, tập trung phân tán linh hoạt.

Khi Trung đoàn 3 ra đời vào cuối tháng 4/1968, đã phổ biến cho các tiểu đoàn khác kinh nghiệm này để tránh máy bay B.52. Các địa phương và bộ đội địa phương trong 2 tỉnh Vĩnh- Trà cũng được chia sẻ và vận dụng tốt kinh nghiệm này.

Sau trận ném bom B.52 ở Long Công, suốt thời gian từ năm 1968 đến khi có Hiệp định Paris năm 1973 quân Mỹ phải cút khỏi Việt Nam, giặc Mỹ đã dùng máy bay B.52 ném bom rất nhiều nơi trên địa bàn Vĩnh- Trà(*), nhưng không lần nào chúng đánh trúng đội hình của các đơn vị thuộc Trung đoàn 3. Nhờ kinh nghiệm phòng tránh tốt, nên anh em bộ đội Trung đoàn 3 chúng tôi không sợ con ngáo ộp Pháo đài bay B.52 và xem chúng là “đồ khến”.

Trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội càng chứng minh rõ máy bay B.52 là “đồ khến” khi chúng bị bắn rơi đến 34 chiếc ở Hà Nội và nhiều nơi trên miền Bắc.

Hãng thông tấn AP đã bình luận: “Cứ theo tốc độ bị bắn rơi thế này thì sau 3 tháng B.52 sẽ tuyệt chủng!” Như thế máy bay B.52- niềm tự hào của quân lực Mỹ- quả đúng là “đồ khến” rồi!

(*) Ở địa bàn Vĩnh- Trà, máy bay B.52 gây rất nhiều tội ác với đồng bào ta, chúng hủy diệt rất nhiều nhà cửa, tài sản, vườn tược và giết chết rất nhiều người dân. Tại ấp Trường Thọ (xã Thới Hòa- Trà Ôn), chúng ném bom vào lúc mờ sáng giết chết hàng chục phụ nữ, trẻ em đang trên đường đi chợ.

Ngày mùng 9/2 âm lịch năm 1969, khoảng 9 giờ sáng, B.52 ném bom rải thảm ở Gò Tranh (xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn), giết chết hàng chục dân thường, trong đó gia đình của ông bà ngoại chị Lê Thị Tứ (vợ bác sĩ Trần Văn Trang- Trưởng Khoa Da liễu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long) bị chết 4 người, bị thương 1 người (ông ngoại Trần Văn Thôi, bà ngoại Nguyễn Thị Mì, 2 người cháu chết tên Nga, Dũng).

Máy bay B.52 là loại máy bay chiến lược hạng nặng, tầm xa, rất nổi tiếng của không quân Mỹ. B.52 có thể mang vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường; có thể tham gia trong các loại chiến tranh thế giới tổng lực và chiến tranh khu vực. 

 

Lần đầu tiên B.52 tham chiến là tại chiến tranh Việt Nam và được nổi tiếng với uy lực ném bom rải thảm tàn phá ghê gớm của nó. Trong một phi vụ oanh tạc, máy bay B.52 thường đi thành nhóm 3 chiếc theo đội hình mũi tên, trên độ cao 9- 10km và ném khoảng gần 100 tấn bom với mật độ dày đặc xuống một khu vực khoảng 2,5km. 

 

Nếu một quả bom tiêu chuẩn là 500lb (gần 250kg) thì mật độ bom rơi khoảng 130 quả trên kilômét, tức là khoảng cách trung bình giữa 2 hố bom cạnh nhau là khoảng 80m. Với mật độ ném bom cao như vậy xác suất hủy diệt trong bãi bom B.52 sẽ là cực cao.

 

TRUNG NGÔN