Đọc thư cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Cập nhật, 05:12, Thứ Tư, 22/11/2017 (GMT+7)

Đọc lá thư của chú Chín Hòa- người con của quê hương Trà Vinh- Vĩnh Long- lòng tôi bùi ngùi, tiếc thương về tấm gương trong sáng trọn đời hết lòng vì nước vì dân của người con quê hương ấy.

Bức thư của chú Chín Hòa gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy và BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long được xem như di chúc.
Bức thư của chú Chín Hòa gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy và BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long được xem như di chúc.

Năm 2001, chú Chín Hòa (Sáu Dân, nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) tròn 79 tuổi. Như di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu nhắc lại lời ông Đỗ Phủ- nhà thơ nổi tiếng ở Trung Quốc thời nhà Đường… “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” (người thọ 70 xưa nay hiếm).

Nhưng với chú Chín Hòa, tuy đã về hưu và ở cái tuổi “cổ lai hy” nhưng sức khỏe vẫn còn khá tốt và đủ minh mẫn.

Để bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình với quê hương, ngày 13/9/2001, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết thư gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy và BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long. Bức thư này dài 2 trang với 59 dòng 404 chữ. Theo chú Chín, bức thư ấy có thể được xem là lời di chúc.

Phần mở đầu bức thư chú Chín viết: “Tôi để lại bức thư này với Đảng bộ tỉnh nhà trong lúc sức khỏe còn tốt, đủ minh mẫn ở cái tuổi 79 (sắp qua được tuổi 80).

“Sanh, lão, bệnh, tử” là quy luật của tạo hóa, không ai tránh khỏi, mà những ai được đúng quy luật ấy lại được diễm phúc. Riêng tôi được hai điểm đầu, còn hai điểm sau nữa là xong cuộc đời- là phúc; nếu không bệnh lại càng phúc hơn cho bản thân và cho con cháu...”

Về phần dành cho quê hương chú Chín viết: “… tôi không để lại những gì cho Đảng bộ và đồng bào Vĩnh Long mong muốn (có thể là như vậy) ngoài sức đóng góp hết cuộc đời cho dân cho nước với sự nghiệp khiêm tốn của mình…”

Đọc xong đoạn thư này, tôi tự hỏi có phải chú Chín Hòa trước lúc đi xa không để lại những gì cho Đảng bộ và đồng bào tỉnh nhà hay không?

Rồi tôi quả quyết tự trả lời và có lẽ cũng không phải riêng tôi, mà Đảng bộ và nhân dân quê nhà đều đã thấy được công lao đóng góp của chú.

Bởi trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, chú Chín Hòa cho thấy đã có những đóng góp hết sức lớn lao trong cả 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc- đặc biệt trong xây dựng và thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, trong đó có phần với tỉnh nhà.

Tôi còn nhớ rất rõ, từ ngày nghỉ hưu đến khi về cõi vĩnh hằng, mỗi lần có dịp về Vĩnh Long hay Vũng Liêm, chú Chín Hòa đều dành khá nhiều thời gian làm việc với lãnh đạo tỉnh và huyện nhà.

Và lần nào chú cũng luôn hỏi thăm nắm bắt tình hình phát triển kinh tế- xã hội, tìm hiểu về đời sống của người dân.

Và sau mỗi lần nghe xong, chú Chín Hòa cũng đều ân cần góp ý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc thông tin đến lãnh đạo tỉnh nhà những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao ở các địa phương khác trên cả nước mà tỉnh nhà, huyện nhà cần phải học tập để giải quyết việc làm cho lao động nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Từ gợi mở của chú Chín, giờ đây Vĩnh Long có tổng đàn bò lên đến hàng chục ngàn con; các trạm y tế xã, bệnh viện đa khoa các huyện- thị được khang trang.

Tôi nhớ trước đây khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long về công tác chăm sóc sức khỏe của người dân, chú Chín Hòa luôn nhắc: “Dân mình phần lớn còn nghèo nên không tiện đi lên tuyến trên điều trị khi bị bệnh.

Vì vậy mình cần phải quan tâm đầu tư cho tuyến y tế cơ sở, bệnh viện huyện. Có như vậy thì việc chăm sóc sức khỏe người dân sẽ được tốt hơn và giúp việc đi lại của họ cũng thuận lợi hơn, ít tốn kém hơn”.

Có thể nói chú Chín Hòa không chỉ có công đóng góp lớn cho Tổ quốc mà còn có nhiều đóng góp lớn cho quê hương Vĩnh Long và huyện Vũng Liêm.

Còn khi nói về mong muốn riêng của mình, chú Chín Hòa viết: “Trước đây tôi có ý định khi qua đời, tôi được nằm tại quê nhà- sanh đâu trở về nằm xuống đó, nhưng tôi có hoàn cảnh riêng khá đặc biệt, người vợ quá cố của tôi và 2 con tôi lại nằm xuống tại một đoạn sông Sài Gòn không tìm được xác do giặc Mỹ sát hại (1966) những nỗi đau khôn nguôi gần 40 năm.

Và từ đó tôi có một nguyện vọng khi tôi qua đời được hỏa táng và rải tro xuống đoạn sông Sài Gòn để trọn nghĩa thủy chung, đúng với lời hẹn ước ban đầu- đó cũng là truyền thống thủy chung của dân tộc. Vậy là đúng đạo lý của con người bình thường.

Nếu có một thế giới nào đó ở bên kia thì tôi sẽ gặp lại vợ con tôi, còn không- chắc là không- thì tâm hồn tôi cũng được thanh thản”.

Thật cao đẹp biết bao một con người vô cùng năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn gần dân, lắng nghe ý kiến của dân và đã làm nên những “dấu ấn lịch sử” cho đất nước, cho quê hương nhưng lại có một mong muốn hết sức đời thường và mang nét đẹp truyền thống đạo đức của dân tộc về sự thủy chung. Thật đáng trân trọng!

Mừng 77 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và sinh nhật lần 95 của chú Chín Hòa, đọc lại thơ chú, tôi càng cảm nhận được nhiều hơn về tấm gương “Hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, lối sống giản dị, thủy chung, gần dân của người con quê hương Chín Hòa- Sáu Dân- Võ Văn Kiệt.

Theo tôi, mỗi người Vĩnh Long hôm nay đều có quyền tự hào về tấm gương trọn đời vì nước, vì dân của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Và niềm tự hào ấy càng cao bao nhiêu thì càng phải ra sức đoàn kết, học tập vượt khó khăn, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đó cũng là sự thể hiện tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của mỗi chúng ta.

TRỌNG LAI