Mang tiếng hát giữ gìn văn hóa dân tộc

Cập nhật, 17:08, Thứ Ba, 17/10/2017 (GMT+7)

 

Đơn vị đội TX Bình Minh đạt giải nhất toàn đoàn với các tiết mục đặc sắc.
Đơn vị đội TX Bình Minh đạt giải nhất toàn đoàn với các tiết mục đặc sắc.

Buổi sớm giữa tháng 10, ngoài trời từng đợt mưa không ngớt nhưng hội trường Quảng trường Vũng Liêm vẫn rộn ràng tiếng hát ca.

Trên sân khấu, các đôi nam nữ Khmer trong trang phục truyền thống uyển chuyển điệu múa lâm thôn; còn phía sau “cánh gà”, các thiếu nữ dân tộc Hoa yêu kiều trong bộ sườn xám, hồi hộp chờ thi diễn tiếp…

Đến với liên hoan Tiếng hát thanh niên dân tộc Khmer- Hoa năm nay, các bạn trẻ đều có chung niềm háo hức và mong muốn mang nét đẹp bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình để giới thiệu với bạn bè.

6 đơn vị đến từ Vũng Liêm, Tam Bình, TX Bình Minh, Trà Ôn, TP Vĩnh Long và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã mang đến các tiết mục múa hát, trình diễn trang phục đặc sắc.

Khoác trang phục tinh xảo của dân tộc Khmer với chiếc áo cổ vòng, vận xà rông khéo léo đính những hạt cườm, hạt kim sa lấp lánh, em Thạch Thị Ni Ta (Trà Ôn) không giấu được tự hào vì “trang phục dân tộc mình rất đẹp”.

Dù đang là sinh viên ĐH Trà Vinh nhưng Ni Ta vẫn tranh thủ thời gian cuối tuần về quê tham dự liên hoan này và Ni Ta sẽ trình diễn tiết mục hát múa “Rô băm”. Em chia sẻ: “Ngày nay, bạn nữ có thể mặc nhiều loại quần áo đẹp, có thiết kế công phu nhưng em vẫn thấy thích nhất, tự tin nhất khi mặc trang phục truyền thống, tôn vinh vẻ đẹp của dân tộc mình”.

Còn bạn Chiêm Hoàng Diệu (TX Bình Minh) mặc trang phục ra đồng của dân tộc Khmer, đầu đội chiếc khăn rằn krama tham gia biểu diễn thời trang và múa dân vũ “Niềm vui trên cánh đồng”.

Em góp lời: “Phụ nữ trong trang phục truyền thống trở nên dịu dàng, uyển chuyển, thùy mị. Nét đẹp này là “tài sản” riêng của chúng em, em sẽ cố gắng giữ mãi điệu múa của dân tộc mình. Đến đây là một cơ hội để em học hỏi và thể hiện mình”.

Cô Thạch Thị Oanh Thia là giáo viên ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, cho biết cô đã đồng hành cùng các bạn thanh niên tham dự liên hoan 5 năm liền. Tiết mục múa “Con cào cào” của trường do cô cùng các bạn biên đạo.

Cô cười, chia sẻ: “Cô trò cùng nhau tập luyện vì thế mà trở nên khăng khít, quý mến nhau hơn. Các em đều biểu diễn bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, bằng tình yêu đối với dân tộc mình nên dù tiết mục chưa hoàn hảo nhưng tình cảm ấy rất đáng trân trọng”.

Vĩnh Long là ngôi nhà chung của 3 dân tộc Kinh- Hoa- Khmer. Mỗi dân tộc có truyền thống đặc trưng riêng, cùng nhau tạo nên bức tranh văn hóa đặc sắc.

Là đơn vị người Hoa duy nhất, các bạn trẻ TP Vĩnh Long tham gia các tiết mục: thời trang dân tộc Hoa, múa “Mai Hoa Lệ”, múa “Quả táo nhỏ” và hát múa “Người là niềm tin tất thắng”.

Cùng với nhóm bạn mặc trang phục truyền thống của người Hoa đang ôn lại những động tác múa, chuẩn bị lên sân khấu, bạn Đặng Huỳnh Anh (sinh viên ĐH Cửu Long) cho biết: “Đây là lần đầu em tham gia liên hoan nên thấy nôn nao, háo hức giao lưu, học hỏi và mong muốn giới thiệu truyền thống văn hóa của dân tộc mình qua điệu múa, lời ca tiếng hát”.

Thiếu nữ Khmer (Vũng Liêm) uyển chuyển trong điệu múa dân tộc.
Thiếu nữ Khmer (Vũng Liêm) uyển chuyển trong điệu múa dân tộc.

Liên hoan diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhưng các đội đã mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, mãn nhãn với những vũ điệu tinh hoa văn hóa của các dân tộc anh em.

Nổi bật như tiết mục “Hát vui ngày hội” (Vũng Liêm), hát múa dân tộc Khmer “Rô băm” (Trà Ôn), biểu diễn thời trang dân tộc (Tam Bình)…

Theo anh Bùi Văn Chiều- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, nét mới của năm nay là lần đầu tiên có những tiết mục múa dân vũ- loại hình được nhiều bạn trẻ quan tâm.

Nó gần gũi lại hiện đại nhưng vẫn giữ được những tinh hoa truyền thống của dân tộc. Anh cho rằng, liên hoan là sân chơi đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của thanh niên dân tộc, là nơi thanh niên mang lời ca tiếng hát, thể hiện năng khiếu biểu diễn nghệ thuật dân tộc.

Qua đó, thể hiện tính năng động của tuổi trẻ trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.

  • Bài, ảnh: CẨM HUỆ- PHƯƠNG THÚY