Chuyện làng văn nghệ

Tác giả phần lời ca khúc "Chuyện giàn thiên lý" sống khỏe nhờ sáng tác thơ trào phúng

Cập nhật, 05:25, Chủ Nhật, 06/08/2017 (GMT+7)

Nhà thơ Yên Thao (SN 1927) có tên khai sinh là Nguyễn Bảo Thịnh, nguyên quán xã Đông Ngạc, quận Từ Liêm. Hiện thường trú tại 78 Phố Huế- Hà Nội. Ông còn có bút danh: Cử Yên, Nguyễn Bảo, Thái Dương, Lang Bang. 

Tham gia cách mạng từ năm 1945, từng tốt nghiệp cán bộ Việt minh khóa 6 năm 1945. Sau vào Khu 4 phụ trách chính trị viên Chi đội Lê Trực (Quảng Bình). Năm 1946 là phóng viên Báo Chiến Đấu Quân khu II và quân Bạch Đằng (tiền thân của Báo Quân khu III ngày nay).

Sau năm 1954 hòa bình lập lại, ông làm kế toán tại Sở Lương thực Hà Nội. Năm 1957- 1991, làm phóng viên, rồi Trưởng Ban Văn hóa- Văn nghệ Báo Hà Nội mới.

Nghỉ hưu, nhà thơ Yên Thao thành lập CLB Thơ trào phúng Hà Nội. Không chỉ quy tụ các cây bút trào phúng nổi tiếng Thủ đô như Chu Hà, Tú Sót, Lê Khả Sỹ, Lã Vọng, Hồ Sỹ Giang mà các tỉnh cận kề Hà Nội cũng tham gia như Ngô Liên Tùng (ở Hà Đông), Lê Hồng Thiện (ở Hưng Yên)... sinh hoạt tại 19 Hàng Buồm.

Thời kỳ này, hàng tháng Đài Truyền hình Việt Nam đều có chương trình gặp gỡ các nhà thơ trào phúng, phỏng vấn hoặc tường thuật các buổi sinh hoạt CLB Thơ trào phúng Hà Nội do nhà thơ Yên Thao chủ nhiệm.

Nhà thơ Yên Thao làm thơ trữ tình không nhiều, nhưng chỉ một tập thơ “Thép Son” ngót 30 bài (in 1950) do Nhà xuất bản Vệ Quốc Quân xuất bản.

Trong đó có bài thơ “Nhà tôi” đã in ở báo Vệ Quốc Quân (Quân khu III) năm 1946, được nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc chép vào sổ tay.

Bài thơ “Nhà tôi” ấn tượng sâu sắc hình ảnh quê hương cuốn hút, được nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành bài hát “Chuyện giàn thiên lý” nổi tiếng: “... Anh rót cho khéo nhé/ Kẻo nhầm vào nhà tôi?/ Nhà tôi ở cuối chân đồi/ Có giàn thiên lý, có người tôi thương...”

Sau này, nhà thơ Yên Thao ít làm thơ trữ tình, mà chuyển sang làm thơ châm, viết câu đối, câu đố. Nhà thơ luôn chộp bắt những thói hư, tật xấu ngoài xã hội, ứng tác kịp thời nhằm uốn nắn tiêu cực. Chuyện cặp bồ của sếp với gái trẻ, được nhà thơ phê nhẹ mà đau:

“Ở cơ quan gọi bố

Đến câu lạc bộ gọi bồ

Bố bồ có khác chi mô

Chỉ thay một tý lắp vô thôi mà!”

Tệ cờ bạc cũng được nhà thơ Yên Thao nhẹ nhàng nhắc nhở:

“Cờ bạc là bác thằng bần

Biết rồi, khổ lắm khỏi cần nhắc nhau

“Biết rồi” song có biết đâu

Hy vọng “vào cầu” lại hóa ra đê”.

Yên Thao không chỉ phê phán, đả kích nhằm chống để xây, xây để chống, cười để chống lại cái lạc hậu, trì trệ. Với lối viết thật hóm hỉnh:

“Về hưu mà chẳng làm thêm

Thế nào cũng mắc chứng viêm túi quần

Kèm theo nhồi máu cơ… chân

Xếp hàng chờ đợi đến lần lĩnh lương”.

Tại một cửa hàng bán dấm thời bao cấp ở phố Huế Hà Nội, đi qua nhìn thấy tấm biển ghi “Bán dấm 600 đ/lít”. Không biết ai chơi xỏ đã xóa dấu sắc ở chữ dấm thành chữ dâm. Về nhà, Yên Thao làm luôn bốn câu thơ:

“Ở đây bán dấm biển đề

Bàn tay phải gió nào kia nghịch ngầm

Xóa dấu sắc thành bán dâm

Bán dâm giá lẻ 600 một lờ (lít)”

Nhà thơ Yên Thao ý thức rằng mình làm thơ trào phúng, cốt góp một tiếng cười, mong để con người sống tốt hơn, văn minh hơn. Tuy tuổi cao, nhưng lão nhà thơ Yên Thao luôn lạc quan, tự trẻ hóa bằng những câu thơ hài hước khi ở tuổi 70.

“Chóng thật hôm nào mới bảy mươi

Hôm nay bảy mốt cái xuân rồi

Lưa thưa tóc bạc chưa nhiều lắm

Lốm đốm da mồi cũng ít thôi

Sống vui, tác dụng ngang tiên dược

Thương những ai kia sợ tiếng cười”.

So với các nhà thơ trữ tình, các nhà thơ trào phúng đương đại trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đều ở tuổi 65 hoặc xấp xỉ 70 như Lê Khả Sỹ, Ngô Liên Tùng...

Nhưng nhà thơ Yên Thao thì đến tuổi 75 mới được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Năm đó, nhà văn Nguyễn Khải biết tin, từ TP Hồ Chí Minh đã viết bài “Xin chúc mừng anh Yên Thao” gửi đăng ở Báo Văn nghệ số 10 ngày 9/3/2002, trong đó có nhắc lại 2 câu thơ trong bài “Nhà tôi” viết cách đây 40 năm.

Nhà văn Nguyễn Khải viết: “Với Hội Nhà văn, anh Yên Thao là hội viên mới kết nạp cuối năm 2001, nhưng với riêng tôi anh mãi mãi là một người trong nghề, chỉ với một bài thơ bất hủ ấy của anh tôi đã giữ được chút khói sương của tuổi trẻ trong suốt một đời văn, suốt một đời người.

Nhân những ngày đầu xuân của năm Nhâm Ngọ, tôi xin chúc ông anh Yên Thao chân cứng đá mềm, mãi mãi yêu đời, mãi mãi trẻ trung. Không yêu đời, không trẻ trung làm sao làm được thơ trào phúng!”

Đúng như lời trong bài viết của nhà văn Nguyễn Khải, nhờ làm thơ trào phúng mà nhà thơ Yên Thao nay đã 87 tuổi nhưng rất khỏe mạnh, hiện là một trong gần chục hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sắp vào tuổi thượng thọ 90.

LÊ HỒNG BẢO ANH (Hưng Yên)