Chuyện kháng chiến

"Về nhà!"

Cập nhật, 05:14, Thứ Ba, 06/06/2017 (GMT+7)

Đối với nhiều người Việt Nam chúng ta, gia đình là nhà, là tổ ấm, 2 từ “về nhà” bao giờ cũng có sức hấp dẫn kỳ lạ. Sức hút này càng mạnh khi thời gian xa cách các người thân trong gia đình càng lâu hay gặp hoàn cảnh éo le nào đó một người cần hơi ấm của gia đình...

Những người lính trong chiến tranh bị bắt buộc phải xa gia đình, nguy hiểm luôn cận kề, 2 tiếng “về phép” hay cao hơn là “về nhà” luôn là một sự háo hức tột cùng và những người làm công tác binh địch vận của ta luôn thấu hiểu điều đó…

Cùng với cuộc tiến công như vũ bão của Quân Giải Phóng trên khắp chiến trường miền Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh, du kích xã Ngãi Tứ (Tam Bình) tràn lên cắt đứt lộ 37, vây ép mạnh các đồn còn lại trong xã là đồn Ngã Ba, Bến Đò và Bến Xe.

Trước sức ép này, 16 giờ chiều 29/4/1975, các đồn còn lại cuối cùng kể trên lần lượt tháo chạy cuốn theo bọn tề xã trước đó đang co cụm ở ấp Đông Phú.

Chỉ 6 giờ sau đó, toàn bộ các vị trí địch bỏ chạy thì quân ta đều tiếp quản xong và truy bắt được 83 tề xã, cảnh sát và dân vệ. Từ giờ phút này, xã Ngãi Tứ hoàn toàn giải phóng trước nhiều địa phương khác trong tỉnh một ngày.

Tờ mờ sáng hôm sau, trong lúc các lực lượng xã đang bung ra ổn định tình hình địa phương thì một bất ngờ xảy ra: 2 chiếc tàu sắt thình lình ghé vào đổ một lượng lớn quân địch với lình kình súng đạn lên chật cả bến đò An Thới.

Chưa rõ đây là lực lượng nào của địch và đến đây với mục đích gì, dù thấy chúng không còn hùng hổ như trước đây nhưng du kích xã vẫn cương quyết nổ súng chỉ thiên cảnh báo và phát loa kêu gọi chúng đầu hàng.

Thật ra nhóm quân này bao gồm 4 đại đội bảo an thuộc Liên đoàn bảo an số 16 đóng ở huyện Tam Bình do Thiếu tá quận trưởng Tam Bình làm Liên đoàn trưởng cùng bọn cảnh sát và các tên đầu sỏ của chính quyền huyện Tam Bình kéo về đây với ý đồ rút chạy qua TP Cần Thơ.

Có lẽ do địch cũng chưa xác định được lực lượng nào của ta ở đây vì ta không bộc lộ mà chỉ liên tục phát loa gọi hàng với thái độ cứng rắn nên chúng buộc phải dừng lại thăm dò.

Nhiều phút chờ đợi căng thẳng trôi qua, cuối cùng chỉ huy bọn địch buộc phải lên tiếng: “Chưa có lệnh thượng cấp, chúng tôi không dám bỏ súng!”

Các đồng chí lãnh đạo của xã có mặt lúc đó liền hội ý cấp tốc và thống nhất rằng cách địch trả lời như thế cho thấy chúng đã chùn bước, phải tìm cách cô lập các tên ngoan cố đang khống chế bọn lính.

Thực hiện nhận định này, một đại diện của lãnh đạo xã lên loa tiếp tục kêu gọi chúng đầu hàng và chấm dứt bằng một lời dứt khoát được mệnh danh là của chỉ huy cao nhất tại chỗ: “Ai bỏ súng trước được về nhà trước!”

Lời kêu gọi có nội dung khẳng định được bảo đảm an toàn “về nhà” đúng lúc của ta đánh đúng vào tâm tư của đám hỗn quan hỗn quân đã rệu rã tinh thần đang trên đường tháo chạy trong vô vọng này, nên chỉ một thoáng sau từ một tên lính đầu tiên cương quyết vứt súng xuống đất, một tên khác cũng làm theo rồi một tên khác nữa,...

Những khẩu súng các loại lần lượt bị ném xuống đất thành những đống to nhỏ khắp nơi không có gì ngăn cản được nữa...

Không đầy nửa giờ sau, cả bọn đều đầu hàng, cả thảy có 435 tên lính cùng sĩ quan buộc lực lượng du kích phải tức tốc dùng tới 3 chiếc ghe nhỏ để chở 438 khẩu súng các loại, 39 máy thông tin PRC 25 và rất nhiều đạn, lựu đạn về căn cứ ta nhằm tách bọn chúng ra khỏi số vũ khí trên(1).

Liền đó, lãnh đạo xã có cuộc nói chuyện ngắn gọn về chính sách khoan hồng của Mặt trận Giải phóng với tù hàng binh rồi tất cả được cho phép tự do về nhà trong tiếng reo hò mừng rỡ vang dội của họ.

Đây là chiến công binh vận lớn nhất và cũng là cuối cùng của xã Ngãi Tứ góp vào thắng lợi chung của cả nước trong ngày toàn thắng 30/4/1975 lịch sử.

HỒNG VÂN

(1) Số liệu của quyển “Ngãi Tứ anh hùng”