Đầu xuân nói chuyện trầu- cau

Cập nhật, 08:53, Thứ Hai, 06/02/2017 (GMT+7)

Từ lâu, hình ảnh trầu cau đã in đậm trong tâm trí của người Việt Nam qua câu chuyện từ thời huyền sử Hùng Vương và gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần của nhiều người dân Việt. Miếng trầu tuy đơn giản nhưng mang bao ý nghĩa sâu đậm trong đời sống văn hóa của người Việt Nam.

“Miếng trầu đầu câu chuyện”.
“Miếng trầu đầu câu chuyện”.

Trong tập tục lâu đời của người Việt Nam, tiếp đãi khách đến chơi nhà thường phải có miếng trầu, bởi vậy có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”- miếng trầu đi đôi với lời chào. Ăn trầu thể hiện nếp sinh hoạt mang đậm tính dân tộc độc đáo của Việt Nam.

Trầu cau không chỉ được dùng để tiếp khách hàng ngày, trong lễ cưới, hỏi, trong mỗi cuộc vui, buồn của làng quê, là vật tế trong các lễ tế thần, gia tiên, hội làng, mừng thọ; xuân đến, tết về, trầu cau còn được sử dụng làm quà tặng.

Thơ Nguyễn Khuyến có câu: “Kiếm một cơi trầu sang biếu cụ, xin đôi câu đối để mừng ông”. Hơn thế trầu cau còn là đồ cúng giỗ, dân gian có câu “sửa cơi trầu đĩa hoa dâng cụ” để tưởng nhớ tổ tiên, ghi nhớ công ơn nuôi nấng sinh thành của các bậc cha ông. Như thế đủ để biết trầu cau gắn liền với đời sống người dân như thế nào.

Miếng trầu làm cho người ta gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Miếng trầu nhân lên niềm vui, khách đến được mời trầu; tiệc cưới có đĩa trầu để chia vui; ngày lễ, tết, ngày hội miếng trầu với người lạ để làm quen, kết bạn; với người quen miếng trầu là tri âm tri kỷ.

Miếng trầu cũng làm người ta ấm lên trong những ngày đông lạnh giá, làm nguôi vơi bớt nỗi buồn khi nhà có tang, có buồn được sẻ chia cảm thông bởi họ hàng bạn bè làng xóm. Miếng trầu còn là sự thể hiện lòng thành kính của thế hệ sau với các thế hệ trước, cho nên trên mâm cỗ thờ cúng gia tiên của người Việt có trầu cau.

Trầu cau còn trở thành hình tượng của văn học dân gian qua sự tích “Trầu cau”- một câu chuyện bi ai mà thắm đượm nghĩa tình với hình tượng khó quên: cây cau- người chồng, dây trầu- người vợ và hòn đá (vôi)- đứa em trai chồng...

Sự tích ấy có tự khi nào không ai biết. Sau này, trong một lần Vua Hùng đi qua, được nghe câu chuyện cảm động đã sai người lấy quả bổ thành miếng nhỏ rồi nhai với lá cây dây leo thì thấy vị cay nồng, nhai thêm với chút bột lấy từ tảng đá thì thấy thơm và môi đỏ thắm.

Người bèn đặt tên cho lá cây dây leo là lá Trầu, quả là quả Cau và bột từ phiến đá là Vôi rồi dạy cho dân Việt dùng ba thứ vôi, cau và trầu làm biểu tượng tình nghĩa thắm thiết anh- em, vợ- chồng. Tục ăn trầu có từ đó và được phổ biến trong dân gian.

Ngày nay, đời sống kinh tế của người dân ngày một khá lên, cùng với sự hối hả của nhịp sống hiện đại, nét văn hóa mời nhau miếng trầu đầu xuân dần thay đổi.

“Miếng trầu” bây giờ đã được thay thế bằng các loại thực phẩm như: cốc trà, ly rượu, mứt, bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí, hoa quả… Trên mâm cúng tổ tiên ngày tết nhà nào cũng đầy những thịt thà, bánh mứt kẹo, rượu nội, rượu ngoại. Cũng vì thế nhiều nhà đã thiếu đi món trầu cau truyền thống.

Tuy nhiên, trầu cau vẫn là thứ không thể thiếu trong việc giao hiếu, kết thân, cưới hỏi, và đặc biệt trong mâm cúng tổ tiên dịp tết ở các làng quê.

Ngày tết, nhà nào lựa được quả cau, lá trầu đẹp để thắp hương là thể hiện một năm đầy may mắn và tràn đầy tình nghĩa vợ chồng, anh em ruột thịt như ý nghĩa đẹp đẽ của câu chuyện cổ tích “Sự tích trầu cau”.

Với người Việt Nam, trầu cau không đơn thuần chỉ là một thói quen, tập tục mà còn là yếu tố tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống. Trầu cau là đầu trò của giao tiếp, ứng xử, là sự bắt đầu, sự khơi mở tình cảm khiến người ta gần gũi, cởi mở với nhau hơn.

Ngày nay, tuy vẫn giữ vai trò quan trọng trong các lễ nghi truyền thống, nhưng trong cuộc sống thường ngày tục ăn trầu đang dần bị mai một. Bộ dụng cụ ăn trầu dường như đã thành ký ức.

Thói quen ăn trầu hiện chỉ còn tồn tại ở thế hệ người cao tuổi, chủ yếu ở nông thôn, nhưng tục ăn trầu vẫn được tiếp nối trong nghi lễ truyền thống như cúng tế, cưới hỏi, giỗ chạp… điều đó thể hiện ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cho nên, dẫu có mai một, không xuất hiện thường xuyên cũng góp phần bảo tồn, gìn giữ tục ăn trầu cau đến mai sau.

Trầu cau- một giá trị đẹp, một văn hóa ứng xử tình nghĩa trước sau, một triết lý nhân sinh nồng hậu, thắm đượm tình người. Trầu cau sẽ mãi là văn hóa, là vật thiêng, sẽ không thể thiếu vắng cho dù cuộc sống rồi có phát triển đến đâu.

  • ™Bài, ảnh: QUỐC CHIẾN