10 hoa chiến thắng tạo sắc xuân xứ sở

Kỳ 2: Tiến, thoái đúng lúc làm nên chiến thắng

Cập nhật, 13:15, Thứ Ba, 27/12/2016 (GMT+7)
Ở mỗi trận hay chiến dịch đánh quân xâm lược đã qua đều cho thấy quyết tâm bảo vệ Tổ quốc tuyệt vời của cả dân tộc ta. Người Việt Nam yêu chuộng hòa bình nhưng sự toàn vẹn lãnh thổ là vô cùng thiêng liêng.
 
Tùy theo tình hình trong và ngoài nước ở từng thời kỳ, trước những kẻ thù mạnh hơn nhiều lần, ông cha ta đều chọn cách ứng phó và có những cách đánh địch thích hợp, hình thành một hệ thống nghệ thuật quân sự truyền thống truyền lại cho thế hệ sau.
Quân Tây Sơn tiến công đại đồn Ngọc Hồi.Tranh minh họa lấy từ Internet
Quân Tây Sơn tiến công đại đồn Ngọc Hồi.Tranh minh họa lấy từ Internet

Tiến công chủ động cũng là phòng thủ…

Đó là những toan tính đầy sáng tạo và quyền biến của người xưa trước kẻ thù hùng mạnh được thể hiện rõ trước khi trận Như Nguyệt diễn ra vào mùa Xuân năm 1077.

Thấy rõ dã tâm của nhà Tống chuẩn bị xâm lược nước ta, người tổng chỉ huy quân đội lúc đó là Lý Thường Kiệt đề xướng tư tưởng tiến công chủ động mới là cách phòng thủ đất nước tốt nhất được toàn quân ủng hộ.

Đầu năm 1076, lần đầu tiên trong lịch sử giữ nước của dân tộc, quân ta- quân đội một nước nhỏ- đã táo bạo vượt biên giới đánh thẳng vào vùng Ung Châu của nước Tống- một nước hùng mạnh ở phương Bắc- phá tan các kho tàng và các căn cứ chuẩn bị chiến tranh của địch, rồi mau chóng rút về nước lập phòng tuyến ở phía Nam sông Như Nguyệt quyết không lùi một bước trước kẻ thù có quân số đông hơn gấp 5 lần liền sau đó tràn sang.

Chỉ trong vòng một năm mưu trí chiến đấu, quân ta đã lập nên một chiến công lẫy lừng tại phòng tuyến Như Nguyệt: tiêu diệt 30 vạn tên địch (nếu tính cả cuộc tập kích vào thành Ung Châu), buộc địch tiêu tốn gần 5,2 triệu lạng vàng và quan trọng hơn là cho đến gần 200 năm sau họ cũng chưa dám xâm phạm nước ta lần nào nữa.

Tinh thần này cũng thể hiện rõ trong các trận đánh ở Chi Lăng- Xương Giang để kết thúc 10 năm kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh của Bình Định Vương Lê Lợi:

Sau nhiều thắng lợi, đến giữa năm 1427, quân Minh đã bị nghĩa quân vây chặt trong thành Đông Quan. Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, nhà Minh cử 2 đại tướng là Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy 2 đạo binh sang cứu viện.

Với tinh thần chủ động tiến công, ngay khi địch vừa đặt chân vào biên giới, quân ta đã chặn đánh địch và trận đầu tiên đã lấy đầu chủ tướng địch là Liễu Thăng tại ải Chi Lăng (Lạng Sơn).

Tiếp theo là các trận thắng lớn: Tốt Động- Chúc Động, Cần Trạm, Phố Cát thì số địch bị diệt đã lên đến 2 vạn tên, các tướng chỉ huy là Lương Minh thay Liễu Thăng cũng tử trận, Lý Khánh tự vẫn, địch núng thế kéo 7 vạn quân còn lại về cụm vùng Xương Giang.

Thừa thắng, quân ta vừa vây địch ở đây vừa quay sang đánh mũi cứu viện thứ hai của Mộc Thạnh. Mới từ Vân Nam sang, Mộc Thạnh đã nghe tin Liễu Thăng và nhiều tướng cấp cao tử trận thì chưa đánh đã sợ.

Các trận đánh của ta vào đạo quân này diệt thêm 1 vạn quân địch, Mộc Thạnh bị thương thoát chết chạy về nước.

Tại Xương Giang, sau thời gian bao vây và dụ hàng, đến giữa tháng 10/1427, quân ta tổng công kích. Chỉ gần 1 tuần trận Xương Giang kết thúc, 5 vạn quân địch bị tiêu diệt cùng với 300 tướng chỉ huy, số còn lại cùng với đồng bọn ở thành Đông Quan xin nghị hòa với ta để được bình yên về nước.

Như vậy, chưa đầy 1 tháng tích cực tiến công, 10 vạn quân Minh đã bị tiêu diệt, gần như bộ chỉ huy bị giết và bị bắt sống gần hết. 2 mũi cứu viện của địch đều bị thất bại, 2 trận Chi Lăng và Xương Giang khiến cho quân địch bạt vía kinh hồn.

Thoái lui đúng lúc chưa hẳn là thất bại…

Đó là tình hình trước khi trận Đông Bộ Đầu (1258) diễn ra. Trước kẻ thù Nguyên Mông- một trong những đạo quân thiện chiến hùng mạnh nhất thế giới hồi ấy- quan quân nhà Trần dùng kế “vườn không nhà trống” chủ động bỏ cả kinh thành Thăng Long cho địch để bảo toàn lực lượng.

Song song với phát động dân binh không ngừng tiêu hao sinh lực địch ở sau lưng chúng và giữ vững sĩ khí toàn quân, là nghi binh tạo cho địch chủ quan khinh địch rồi chủ động lừa địch vào nơi hiểm yếu có sự chuẩn bị trước của ta tại Đông Bộ Đầu làm trận quyết chiến.

2 vạn tên địch đã bị tiêu diệt trong trận này, sáng 29/1/1258, quân Trần ca khúc khải hoàn về lại Thăng Long sau cuộc thoái lui chiến thuật, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất.

Chiến thắng này tạo cơ sở chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ hai vào năm 1285 và lần thứ ba vào năm 1287- 1288 bằng chiến thắng quyết định trên sông Bạch Đằng, chấm dứt sự tung hoành của đế quốc Nguyên Mông trên lục địa Á Âu.

Cách ứng phó trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược của nhà Trần hơn 500 năm trước là bài học tốt cho cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Thanh của nhà Tây Sơn: gần cuối tháng 11/1788, trước sức mạnh vượt trội của 3 đạo quân Thanh xâm lược, quân Tây Sơn trấn giữ Bắc Hà có một quyết định sáng suốt là làm cuộc rút lui chiến thuật vừa đánh vừa lùi, để trống cả kinh thành Thăng Long cho địch rồi lập tuyến phòng thủ ở Tam Điệp chờ viện binh của Nguyễn Huệ từ Phú Xuân ra.

Với chiến thuật hành quân thần tốc, cuối năm đó đại quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ thống lĩnh đã kịp đến Tam Điệp hội quân và có đủ thời gian chuẩn bị tiến công địch.

Nhờ không bị tiêu hao quân, Tây Sơn có đủ quân số bố trí cho 5 mũi tiến công địch trong thế bất ngờ vào ngày 30 Tết làm nên chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa lẫy lừng, giải phóng Thăng Long ngay ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu trước dự tính 2 ngày và đuổi sạch quân thù ra khỏi đất nước trong một thời gian ngắn sau đó.

Kỳ cuối: Điện Biên Phủ-  niềm tin quyết chiến, quyết thắng

HỒNG VÂN (TP Vĩnh Long)