Truyện ngắn

Lời hẹn sau mười năm

Cập nhật, 04:46, Thứ Bảy, 27/08/2016 (GMT+7)

Làng có tuổi đời trăm năm. Ngày trước, đường làng là mé sông bé tẹo, không đủ chỗ cho hai chiếc xe đạp tránh nhau.Ai cũng thích ở gần sông bởi sông cho nước uống, nước tắm giặt và tống khứ rác rưởi.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Tuy nhà không dày đặc như ở phố bởi còn vườn tược, chuồng trại nhưng vì vệ sinh chung nên làng có một quy định bất thành văn là lấy nước thì giấc sáng, tắm giặt thì trưa hoặc chiều còn xả thải thì lem nhem tối.

Đầu sông cũng là đầu làng. Người ở đầu sông hơn ai hết phải tuân thủ cái quy định bất thành văn kia nếu không muốn bị làng lên án.

Đất cát ở đây còn thừa mứa, với năm mươi mét mặt tiền được chia đều cho mỗi hộ, còn dài thì hàng trăm mét.

Ai có sức thì làm nhiều, không thì còn nguyên đó, chẳng ai lấn chiếm, chẳng ai tranh giành. Người ta công nhận quyền sở hữu đất đai của nhau mặc dù chẳng có tờ giấy lộn nào.

Không rào giậu, không tường bao, các vườn cây trái trông chừng bất tận nhưng chẳng ai tham lam của ai bao giờ. Đó cũng là sân chơi của chúng tôi ngày trước.

Ở đó, tuổi thơ của chúng tôi lớn lên từng ngày bằng những trò chơi dân gian cũ kỹ như bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, ô ăn quan, đánh đáo…

Trước mặt nhà là sông nên người ta làm sàn cho người dùng, có thể là đôi ván ghép, là hai thân dừa cắt khúc buộc lại với nhau hay đơn giản là phiến đá phẳng phiu nào đó.

Đó là chốn riêng tư của đàn bà, con gái: vo gạo, rửa rau, tắm giặt… hay làm những gì họ thích. Sông nhiều cá nên thỉnh thoảng cũng có người ngồi câu.

Bây giờ dân làng đã đông, đất làng không còn cấp không như trước nữa. Con cái ra riêng thì chia khoanh, cắt thửa theo dây đất của ông cha mình được cấp trước đây.

Đường làng giờ thành chi chít, rào giậu cũng đã mọc lên. Chắc tại dâu rể, anh em ngại ở xa mỏi chân, ở gần mỏi miệng, nên phải cổng kín cao tường, đèn nhà ai nấy tỏ?

Làng giờ đã khấm khá, con đường chính vẫn cặp theo mé sông như ngày xưa nhưng rộng rãi, thoáng đãng. Để chuẩn bị mở đường, trưởng làng thông báo các gia đình phải đắp thêm nền nhà phía sau để dời nhà ra.

May là nhà ở đây toàn bằng gỗ nên đám thanh niên, trai tráng chỉ mất mấy ngày công khiêng chuyển là xong.

Miết có con mọn nên chẳng phải làm gì, lẩn quẩn quanh bếp đình xem mấy dì, mấy o nấu nướng. Từ hồi Miết về làm dâu làng này, hôm nay mới thấy người ta đông vui như thế.

Vì cả làng phải di dời nhà nên cả làng đều phải chung tay, góp gạo, góp mắm cho cánh đàn ông ăn no có sức mà khiêng vác.

Làng cho thịt một con bò bự nên đàn bà, con nít cũng không thể không có phần. Vậy là thành ngày hội, đàn ca sáo thổi, rượu thịt say sưa vui sao là vui.

Miết tiếc chồng mình đi làm ăn xa không góp vui được với làng nên cũng không vui. Nhà chồng Miết đông con gái, nhiều dâu rể quý nhưng chẳng ai để ý tới Miết. Miết chọn một góc tối ngồi ăn một mình. Rõ ràng là chị và các em chồng Miết chẳng ưa gì.

Có lẽ là từ khi Miết mở quán hàng buôn bán vặt vạnh cho đỡ vất vả thì chị và các em chồng nghĩ mẹ họ mất đi để lại nhiều của cải cho. Miết thành kẻ cướp trong mắt họ.

Mấy năm bặt tin chồng cũng là lúc chị và các em chồng Miết dương oai tác quái, thừa nước đục thả câu, hoa trái trong vườn mẹ chồng Miết để lại họ thu hoạch tất chẳng cho Miết thứ gì.

Giông gió ác liệt, chồng Miết mất theo con tàu. Khi biết tin dữ này thì con Mai- con gái Miết- mới lên mười.

Chị chồng Miết đưa thằng con trai vừa cưới vợ sang ở nhà ngoại lấy cớ là hương khói cho bà, “không tử chọn tôn”.

Miết ngậm đắng mà không nói gì, hai mẹ con đành co ro trong căn quán chật hẹp, thiếu thốn mọi thứ. Được đằng chân, lân đằng đầu. Người ta rào giậu kín bưng, cổng khóa tường cao.

Nếu không có trưởng làng chắc chị và các em chồng Miết cũng đã nuốt chửng cái quán mất rồi. Đôi ván ghép thềm sông cũng bị người ta trưng dụng, Miết đành làm cái khác. Anh chị em chồng Miết quên mất đó là dâu trong ngôi nhà của mình. Thật oái ăm, nhưng Miết không cô độc.

Hình như ông trời rất công bằng, khi anh chị em chồng Miết ghét bỏ Miết thì hàng xóm càng thương yêu, càng giúp đỡ. Sung sướng hơn nữa là con của Miết đẹp người, đẹp nết, ham học và học giỏi.

Ước nguyện làm cô giáo của con Miết cũng được thỏa mãn vài năm sau đó và giờ đang dạy tại làng. Một kết cục thật sự hoàn hảo.

Khi người ta cần nhờ vả ai đó điều gì, người ta thường tạo cho mình bộ mặt đạo đức kèm theo quà cáp và giọng điệu ngọt ngào năn nỉ ỉ ôi.

Miết thường bảo con Miết quên đi những xấu xa mà anh chị em chồng Miết dành cho hai mẹ con. Lúc đầu Mai không vừa lòng nhưng rồi cô cũng khoan dung bởi cô nghĩ những anh em con chú, con bác với cô có tội tình gì đâu, nên con cháu họ càng không có tội tình gì.

Cô chỉ chú tâm tới sự công minh trong đối xử chúng với đám học trò yêu quý của mình. Chính vì đạo lý trong sáng đó mà tình yêu của dân làng dành cho cô ngày càng nhiều hơn.

Miết bây giờ thành mệnh phụ, mệnh phụ làng. Công việc buôn bán nhàn nhã, đủ ăn đủ sống nên người càng đẹp ra. Biết bao câu đưa đẩy, bao lời đẩy đưa nhưng Miết còn ngại ngùng. Có nghĩ chăng là những lúc đêm về, khi tiếng côn trùng nỉ non đây đó.

Trong cái không gian tĩnh mịch của bóng tối, kẻ cô đơn thường thấy mình thiếu thốn, khao khát tình yêu. Nhưng rồi chất “hạnh” trong người đàn bà Á Đông trỗi dậy, Miết hẹn mình khi nào con gái lập gia đình hẳn hay.

Cho đến một ngày, Miết nhận được phong thư từ nước ngoài gửi về. Mười mấy năm rồi còn gì. Miết chẳng thể nào dám tin vào mắt mình nữa, nét chữ thân thuộc kia làm Miết ngất đi.

“ …Biển động dữ dội, con tàu nghiêng hẳn về một phía, anh và đồng đội được lệnh xuống bè cứu sinh. Mưa và sương mù dày đặc chẳng thể nhìn rõ mặt người trong vòng vài mét.

Có ai đó hét thật to, cho bè tránh ra xa kẻo tàu chìm cuốn bè xuống đáy biển. Sáu đứa anh hì hục chèo thục mạng, cho tới khi không còn thấy con tàu dài gần hai trăm mét khuất hẳn trong màn sương nữa mới dám nghỉ ngơi.

Qua nhiều ngày lênh đênh trên biển, đói và khát, bọn anh lả đi, bè cứu sinh được người ta cứu giúp, họ đưa các anh đến một đảo hoang, sau này anh mới biết, ở đó là làng chài của thổ dân bản địa và chính cư dân nơi đây đã cứu các anh.

Trong sáu người trên bè, giờ còn bốn, hai người đã vĩnh viễn về với biển khơi do nhiều vết thương hở không được cấp cứu kịp thời, còn người sống thì mạng sống thoi thóp.

Ân nhân cứu mạng các anh là các thổ dân đi thuyền độc mộc, tiếng nói như chim, chẳng biết người nước nào. Họ đưa các anh về làng của họ chăm sóc, cưu mang.

Nói là làng nhưng thực chất leo teo vài nóc nhà tranh tre nứa lá. Cuộc sống còn rất hoang dã nhưng rất thật thà.

Món ăn của họ là tôm cá và bột cây rừng, cây Sago. Cây này cho một loại bột nấu dẻo và ngon như bột nếp ở quê mình.

Làng có vài chiếc xuồng độc mộc, họ đánh bắt cá bằng phi lao và câu. Một đôi năm có tàu cứu trợ của nước sở tại đến giúp lương thực, thuốc men và ngư cụ, còn chuyện di dời họ vào đất liền thì không thể, họ trốn hết vào rừng.

Lúc đầu thì bọn anh cũng trông mong tàu đó ghê lắm, nhưng thời gian cứ hun hút trôi, còn hy vọng thì càng mỏi mòn. Trong cái rủi có cái may, thời gian là liều thuốc giúp cho người ta dễ dàng hòa hợp với nghịch cảnh.

Bọn anh, giờ đứa nào cũng được dân làng yêu thương, quý trọng bởi bọn anh biết sống vì cộng đồng, biết làm ra hạt muối phục vụ đời sống cho họ, thứ mà trước đây là cực kỳ xa xỉ.

…..

Bây giờ thì mọi thứ đã an bài, chỉ mong em và con tha thứ cho anh. Anh và các bạn anh không thể từ chối tấm thịnh tình của họ, họ đã cứu vớt và cưu mang các anh còn bắt các anh lấy con gái của họ nữa. Bắt lấy con gái hay gả con gái thì cũng thế em ạ, nhưng chắc chắn là chẳng thể từ chối.

Luật tục của họ, từ chối lấy con gái của họ là sự xúc phạm, sự phản bội ghê gớm, mà phản bội thì không thể sống.

Không phải anh biện minh cho mình đâu, nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, dẫu gan dạ đầy mình như các anh cũng đành chịu.

Đôi lúc anh tự hỏi mình là ai và tại sao phải dấn thân vào ngõ cụt này. Nhưng khi đối diện với cái chết, con người ta chọn sống, còn sống như thế nào, còn tùy hoàn cảnh lúc ấy phải không em? Anh muốn em thử đặt mình vào trường hợp ấy, để hiểu cho anh, để tha thứ cho anh.

Chắc bé Mai đã lớn, đã lập gia đình? Anh cầu mong cho con được hạnh phúc. Còn em? Anh không nghĩ là em đã bước đi bước nữa, nhưng nếu đã, thì cũng đúng quy luật tình yêu đấy thôi.

Anh bao giờ dám trách em đâu, mười mấy năm qua rồi còn gì. Anh không dám hẹn ngày tái ngộ với em và con em ạ, vì người đàn bà nào đi qua đời anh đều rất đáng yêu, dẫu người ấy là một thổ dân đen nhẻm xấu xí.

Anh chỉ cầu mong ân trên gia hộ cho em và con sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt… Hôn em”.

Hai năm sau, Miết cũng đến được hoang đảo đó bằng chuyến tàu du lịch của Philippines. Đó là tour du lịch Ngày Tình yêu, một ngày của tháng hai trời yên, biển lặng.

Miết không khó để tìm gặp chồng mình. Một cuộc hội ngộ bất ngờ và đầy nước mắt. Cô thương anh cơ cực quá, cơ cực đến mức đồng tiền ở đây chẳng biết dùng vào việc gì.

Con cái anh chẳng biết có học hành gì không nhưng nghe lời chào, Miết nghĩ chúng có sự dạy dỗ. Làng bây giờ không còn heo hút và hoang dã như khi anh đến nhưng cũng còn nghèo và lạc hậu.

Lạc hậu nhưng không phải đóng khố hay ở trần. Cô vợ thổ dân của anh cũng khá xinh xắn, hoạt bát. Cô chẳng e dè gì khi biết Miết là vợ của anh ở Việt Nam sang tìm chồng.

Ngôn ngữ bất đồng nhưng nhìn ánh mắt hân hoan của hai người đàn bà, ai cũng hiểu, phụ nữ ở đâu cũng có lòng bao dung và sẵn sàng hy sinh. Miết chân thành mời hai người về Việt Nam sinh sống.

Cô vợ thổ dân thì thích thú ra mặt còn anh thì đắn đo suy nghĩ. Đêm trên đảo, Miết dành hết thời gian tâm sự với chồng nhưng cũng chẳng lay chuyển được anh.

Anh bảo: “Với em thì sao cũng được nhưng với con và xóm giềng thì không thể, em à. Ở đất nước còn nặng phong kiến và gia giáo như nước mình thì xã hội khó có thể cảm thông cho hoàn cảnh của anh được. Hơn nữa, còn con.

Nó là con gái mà là cô giáo, liệu cuộc sống tinh thần của nó có bị xáo trộn? Hình ảnh người cha trong lòng con trẻ bao giờ cũng đáng kính có còn chăng khi mà anh thấy mình chẳng ra gì.

Anh cũng không thể bỏ mẹ con cô ấy nơi này được. Anh không phải là hạng người bội nghĩa vong ân. Còn em, anh biết em rất có can đảm sống nhưng can đảm hy sinh chồng thì…”

Chỉ nói được thế, rồi hai người ôm nhau trong nước mắt. Trước khi chia tay Miết, anh hứa mười năm nữa anh sẽ về với cô, khi ấy những đứa con của anh và người vợ bản xứ đã mười tám, đôi mươi tuổi có thể vững bước trên đường đời.

Đêm đã tan, vầng dương đang lấp ló, không sáng lắm nhưng có thể thấy rõ những dòng nước mắt còn in hằn trên đôi má gầy gò của anh. Miết tin chồng, tin anh sẽ về.

Cô vít cổ anh hôn miết, như sợ anh sẽ tan vào mây khói. Trên bến cát hoang vu đôi còng gió đang xây lâu đài tình ái, còn họ thì sắp sửa chia ly. Biển thật đẹp nhưng vô cùng hung dữ không đáng yêu như họ tưởng, họ lầm, nhưng biết sao...

LÝ THỊ MINH CHÂU (Lâm Đồng)