Truyện ngắn

Dâu phố tết quê...

Cập nhật, 08:40, Thứ Hai, 23/05/2016 (GMT+7)

Thy ngồi bần thần trước gương sau khi đã lục tung tủ đồ chọn lấy một bộ quần áo đứng đắn, già dặn nhất. Bộ đồ này Thy chỉ mặc mỗi lần đi lễ chùa cùng mẹ hoặc đi những nơi chẳng thể váy vóc điệu đà hay dặm phấn tô son.

Ảnh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Ảnh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Chiều nay, Thy về quê chồng tương lai đón tết, đây cũng là lần đầu tiên Quang đưa nàng về ra mắt. Thy xinh đẹp lại giỏi giang nhưng cũng tự biết mình không đảm đang, khéo léo nên cứ lần khất hoài chuyến thăm nhà anh dù chuyện cưới xin hai người đều đã định.

Cuối năm bận rộn chạy đua với chỉ tiêu phòng ban đề ra vậy mà Thy đã kịp dắt lưng kinh nghiệm một lớp học nấu ăn cấp tốc. Quà cáp Thy cũng đã chuẩn bị đâu vào đấy, sáng nay chỉ chờ Quang đi công tác về là cả hai đã sẵn sàng lên đường về quê anh.

Ấy vậy mà Thy cứ bứt rứt không yên nhất là khi thấy người ta yêu nhau mà thảnh thơi đi du lịch. Đằng này nàng sẽ phải khép nép trước họ tộc, gia đình, bà con cô bác nhà Quang.

Muốn nói gì cũng phải uốn lưỡi bảy lần, làm cái gì cũng ngó trước nhìn sau. Chưa gì mẹ Thy đã đe “cứ tồng tộc hơn hớn như cô có mà người ta chết khiếp”.

Thy than “biết thế gật đầu lấy quách anh nào ở phố có phải đỡ cực thân”. Chị giúp việc cứ tủm tỉm cười, đi ra đi vào hát véo von một bài ca tình yêu nào đó. Chị bảo:

- Thy sướng thật đấy. Chị mà có tình yêu thì cực nhọc mấy chị cũng vui, chẳng thở ngắn than dài như Thy đâu.

- Gớm. Yêu mà sướng thế sao chị không yêu đi mà còn ở giá đến giờ?

Chị nhún vai, xách làn khuất sau cánh cổng vừa đúng lúc Quang đến. Anh hết nhìn Thy từ đầu đến chân lại nhìn đống đồ đạc lỉnh kỉnh mà nàng định tha về trong chuyến xe ngày tết mà bật cười:

- Trông em kìa. Tóc đen, mặt mộc lại kín cổng cao tường. Em là dâu quê thứ thiệt rồi, ăn đứt bọn con gái quê anh ra phố chứ chả chơi. Đừng nói là anh mới đi công tác có nửa tháng mà em đã thay đổi nhiều hơn cả quãng thời gian mấy năm mình yêu nhau đấy nhé.

Thy quay nhìn mình trong gương, xịu mặt than:

- Trông em xấu xí quê mùa lắm 
đúng không?

- Em cứ là em, tóc thơm và môi thắm. Ở quê giờ thoáng lắm rồi, chẳng như các cụ xưa đâu mà em lo. Cái quý là dâu thảo vợ hiền chứ hình thức bên ngoài đâu có quan trọng chi em.

Quang quyết định đèo Thy về quê thay vì ôtô khách. Tàu xe cuối năm chật như nêm, anh sợ cô dâu của mình chưa về đến quê người yêu đã sợ xanh cả mắt.

Nàng sợ chen chúc, sợ mùi hôi hỗn độn với đủ thứ hàng hóa ngày cận tết. Cũng phải thôi vì từ bé Thy sống trong đủ đầy bao bọc, cuộc sống của nàng lúc nào cũng tinh tươm.

Vì thương anh mà bỗng nhiên nàng phải gò mình lại cho vừa vặn với đất lề quê thói. Thy ngồi sau lưng anh ôm một đống quà quê, gió sông vun vút thổi tung tóc rối. Đến bây giờ Thy mới cảm nhận rõ không khí tết tràn ngập trên mọi nẻo đường.

Một vài chợ hoa đã sắp tàn, người lao động nghèo thường chọn thời điểm này mua hoa cho rẻ. Người mua vui vì có hoa tết cho gia đình mà người bán cũng mừng vì sắp được về với vợ con.

Thỉnh thoảng trong gió lất phất cánh đào tàn, xe trôi qua những nụ cười thơ ngây trẻ nhỏ, những lo toan nhàu nhĩ mặt người già. Những mưu sinh từ phố trở về quê, chất chồng sau xe là cái tết của cả nhà.

Thy đoán trong những túi nhỏ, túi to kia là bộ quần áo mới cho con nhỏ, là ít bánh kẹo mua vội trước lúc về, là cái ti vi cũ nhà chủ cho mang về xem cho vui, là ít thuốc Bắc kiếm cho mẹ già đau yếu. Trời đã sang xuân mà sao vẫn lạnh, vài tia nắng không đủ sưởi ấm cho từng ấy ước hẹn sum vầy.

Một năm với nhiều khó khăn hơn nên hình như cái tết của mỗi người đã nghèo đi đôi chút. Thy bỗng nhận ra vai anh gầy quá, cuộc chạy đua công việc cuối năm đã vắt kiệt sức người. Muốn dựa vào vai anh như một niềm an ủi, nhưng túi quà ôm phía trước to quá. Bất giác Thy tủm tỉm cười.

* * *

Chặng đường hơn trăm cây số ê ẩm hết người. Nhưng Thy những muốn xe cứ trôi đi đừng dừng lại vì cổng làng anh đã ở trước mặt rồi. Tiếng lợn kêu eng éc, tiếng hò nhau đập chiếu phơi chăn, trẻ con chạy quanh làng hét hò ầm ĩ.

Có vài đứa còn chạy theo xe chú Quang đến cổng nhà để xem tận mặt cô dâu mới. Thy đỏ mặt vì hai tiếng “cô dâu” nghe vừa bùi ngùi vừa bỡ ngỡ. Bố mẹ anh đang dọn nhà vội phủi tay chạy ra cổng đón. Thy ngửi thấy mùi bánh chưng đun, mùi mứt gừng thơm, mùi của hương hoa nở đầu hè.

Chị dâu anh ngó ra bảo vào bếp ngồi hơ tay cho ấm. Nhìn Thy lóng ngóng chạm tay vào mọi việc, chị cười hiền khô bảo để đó chị làm cho. Bữa cơm đầu tiên ở nhà anh, Thy không trả lời hết được những câu hỏi thơ ngây của mấy đứa con nít.

Chúng khen da Thy trắng, khen tóc Thy dài, nhưng cô ơi sao tóc cô xơ thế? Thy ngượng ngùng ngó nhìn Quang, ừ thì tóc Thy đã qua bao lần nhuộm ép làm sao còn mượt được như tóc chị dâu anh. Chị vỗ nhẹ vai Thy giục “ăn đi em, chiều chị đun nước bồ kết cho mà gội tóc”.

Chiều đó Thy theo chị ra vườn hái lá đun nước tắm tất niên. Vườn nhà anh nhỏ thôi nhưng thứ gì cần cũng đủ. Sự tinh tươm gọn ghẽ từ nhà ra vườn chắc nhờ nhiều vào bàn tay đảm đang của chị.

Tay chị không nõn nà như tay Thy mà đen đúa. Nhưng chị làm việc gì cũng nhanh, cũng gọn chẳng vụng về như mấy ngón tay sơn nhũ bóng của Thy. Chị cười bảo:

- Phụ nữ là phải chăm chút mình như Thy ý. Chị ở quê lam lũ từ nhỏ quen rồi.

- Em cái gì cũng vụng.

- Học dần rồi quen hết. Mỗi người giỏi mỗi việc, em có về làm dâu cũng mấy khi ở quê đâu. Đừng có nghĩ ngợi chi cho nhọc nhằn đầu óc.

Nhưng muốn không nghĩ cũng chẳng xong. Chiều đó thấy Thy lụi hụi dưới bếp với Quang nên cả nhà tạo điều kiện cho đôi lứa riêng tư vừa nấu nướng vừa rủ rỉ.

Ấy vậy là ông bà thì quanh quẩn tỉa hoa ngoài vườn, chị dâu thì lúi húi vớt bánh chưng. Bố mẹ giao nhiệm vụ cho hai đứa cắt tiết con gà trống để luộc cúng tất niên.

Cái khoản này không phải là Thy không nghĩ đến, sáng nay trước lúc về Thy đã ghé chợ mua một con gà trống mổ sẵn thật ngon rồi. Nhưng mẹ anh bảo gà cúng tất niên nên phải chọn gà thật kỹ, đẹp từ lông đến da, mổ xong là luộc luôn cho tươi ngon cúng tổ tiên mới phải phép và có lộc.

Vậy là cuối cùng vẫn không thoát được nhiệm vụ bất khả thi là giữ gà để Quang cắt tiết. Không nhẽ lại cầu cứu chị dâu, cũng chẳng dám mở lời bảo “bác ơi cháu sợ…”.

Quang xem ra hiểu chuyện nhưng vẫn muốn để đó xem Thy sẽ làm gì. Thy nhắm chặt mắt, tay nắm hờ cổ gà báo hại Quang chưa kịp cắt tiết thì đã để con gà trống đạp mạnh chân chạy mất. Cả nhà cũng chạy tán loạn che chắn dồn gà khắp vườn. Được một buổi mệt bở hơi tai nên Thy quyết phục thù.

Lần này Thy vẫn nhắm mắt nhưng tay nàng thì ghì chặt cổ gà, thậm chí nàng đã phải nghiến răng mà giữ. Dĩ nhiên là chú gà đã chết trước khi bị cắt tiết, phần đầu gà tụ máu nên khi luộc bị thâm đen. Gà xấu không mang cúng giao thừa, bố anh cười xòa bảo:

- Chắc các cụ cũng muốn ăn thịt gà do dâu mới chọn mua dưới thành phố mang về xem có khác gì gà quê mình không đấy mà.

Quang thêm lời:

- Mà con thấy gà Thy mua da vàng ươm rất đẹp. Riêng dung nhan hẳn là đã ăn đứt chú gà vườn này rồi bố ạ.

Cả nhà cười vui vẻ chỉ có Thy là xấu hổ giấu mặt vào lưng người yêu. Chị dâu kéo tay Thy xuống bếp đồ xôi, bếp lửa nhen lên ấm áp khiến Thy thấy nhớ nhà.

Tết nhà Thy không quá cầu kỳ, phần lớn lễ cúng hay đồ ăn đều được đặt mua ở những nơi quen thuộc. Nên tối cuối năm nào Thy cũng rảnh rang lượn phố với bạn bè, đến sát giờ giao thừa mới mò về. Chỉ cần mươi phút là đồ cúng đã được sắp xong xuôi nên thấy tết nhẹ tênh.

Nhưng cũng có lẽ vì thế mà Thy không cảm nhận được nhiều dư vị tết. Mấy ngày sau, chị giúp việc từ quê lên nhìn đống đồ ăn sẵn chất trong tủ lạnh mà lắc đầu cười: “Tết mà như không phải tết”.

Giờ thì Thy hiểu vì sao chị giúp việc lại than, bởi chị ấy cũng giống như chị dâu anh Quang thôi, cái tết ấm cúng là tình người chăm chút, vun vén đến từng góc vườn xó nhỏ. Là được quây quần bên nhau cùng dọn dẹp nhà cửa, kể cho nhau nghe bao chuyện của cách xa.

Mẹ anh bảo tết chẳng ăn uống gì nhiều nhưng cả năm con cái mải làm ăn kinh tế, tết mới được ngồi ăn chung với nhau mấy bữa cơm. Tiếc là mấy năm nay nhà Quang không được sum họp đủ đầy vì vẫn có người còn ở lại phương xa đón tết.

Thy bỗng thấy thương cái dáng vừa tất tưởi vừa lầm lũi của chị dâu Quang. Cùng là phụ nữ với nhau hẳn nhiên là Thy hiểu thấu nỗi trống vắng cô đơn của chị khi năm dài tháng rộng không có chồng kề bên chia sẻ. Chồng chị đi xuất khẩu lao động nhiều năm, từ lúc mấy đứa nhỏ vẫn còn bé xíu, thử hỏi đã bao cái tết ở nhà chồng, chị lặng lẽ lo toan.

- Anh không về chắc chị buồn nhiều…

- Chị quen rồi. Với lại anh qua bên đó làm ăn vất vả mà mình ở nhà hơi tý cũng buồn rầu thì càng chỉ làm anh lo lắng. Mà thực ra cũng có giải quyết được gì đâu.

- Anh còn định đi xa như thế bao lâu nữa chị?

- Chắc cũng tranh thủ đi vài năm nữa. Bên đó làm ăn bằng mấy bên này. Cố gắng vất vả để con cái sau này được học hành đến nơi đến chốn. Mà anh chị cũng có vốn xoay xở làm ăn kinh tế.

Hai người phụ nữ im lặng trong căn bếp nhỏ, lửa cháy bập bùng Thy mở vung đảo đều xôi. Mùi nếp mới quện với đỗ xanh thơm phức. Chị khen Thy đồ xôi sao khéo quá…

Đêm giao thừa ấm cúng, thỉnh thoảng chuông điện thoại lại reo. Lúc thì anh trai Quang gọi về chúc tết từng người. Khi thì mấy đứa bạn thân gọi trêu Thy xem lưng có đau, áo có nhàu, tay có đầy dầu mỡ hay không? Chị giúp việc nhà Thy cũng bày đặt nhắn tin hăm dọa chơi “đừng khóc trong đêm giao thừa mà xui nguyên năm chẳn”.

Thy ngồi tựa vai Quang nghe hương cây lặng lẽ bay về, bên hiên nhà như có tiếng mưa xuân. Trong nhà, lũ trẻ còn mải giành nhau đếm lì xì. Ở ngoài ngõ thấp thoáng bóng người đi hái lộc. Cảm giác bình yên nhen lên trong lòng Thy ấm áp. Quang khẽ hôn lên tóc người yêu thoảng hương bồ kết và cả mùi hoa bưởi khô chị dâu hái để dành trong suốt một mùa hoa…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG