Lái xe và... rượu

Cập nhật, 05:51, Thứ Sáu, 03/01/2020 (GMT+7)

Một “bác tài” tên L.K.T. vừa bị phạt 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng vì vi phạm nồng độ cồn khi lái xe trên cao tốc Pháp Vân- Ninh Bình. 

Còn ông Đ.T.L. ở Hà Nội chỉ uống 2 chén rượu cùng bạn (khi đo nồng độ cồn là 0,489 mg/l khí thở) cũng bị phạt 7 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng vì điều khiển xe máy vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Vậy là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 sẽ khiến bất cứ ai lỡ uống bia rượu cũng phải phân vân khi cầm vô lăng hay điều khiển xe máy. Bị phạt nặng hay nhẹ còn tùy vào mức độ cồn nhiều hay ít, có nghĩa là dù uống ít vẫn bị phạt như ông Đ.T.L.

Nghị định 100/2019 thay thế Nghị định 46/2016 có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông.

Trong khi Nghị định 46/2016 trước đây quy định xử phạt từ 16- 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 4- 6 tháng thì nay theo Nghị định 100/2019, người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3) bị phạt tiền từ 30- 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22- 24 tháng (có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở).

Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ có nồng độ cồn quá mức cho phép cũng bị phạt từ 400-600 ngàn đồng. Đối với người điều khiển ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy cũng phải đóng mức phạt tương tự.

Ông Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia- cho rằng đây là chủ trương rất thuận lòng dân trong giai đoạn này. Còn Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thì cho rằng xử phạt nghiêm, ngăn chặn người có nồng độ cồn lái xe là món quà tết có ý nghĩa và nhân văn nhất. Bởi việc này ngăn ngừa được tai nạn, đem lại an toàn cho người vi phạm và cộng đồng.

Dù còn một số người chưa đồng tình việc xử phạt này, nhưng đại đa số ủng hộ và cho đây là những động thái quyết liệt nhằm tăng cường hơn nữa đảm bảo an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông.

Để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người vi phạm và những người khác, việc cấm uống rượu khi lái xe là cần thiết! 

THY HƯƠNG