Thách thức "chưa giàu đã già"

Cập nhật, 06:52, Thứ Sáu, 20/12/2019 (GMT+7)

Theo kết quả tổng điều tra dân số mới công bố, Việt Nam đang trong ngưỡng cơ cấu dân số vàng, với số người trong độ tuổi lao động 15-64 tuổi chiếm 68% tổng dân số.

Các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao công tác dân số của Việt Nam. Việt Nam không chỉ giảm được tỷ lệ sinh, mà chất lượng dân số được cải thiện đáng kể trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, số liệu cũng cho thấy tốc độ già hóa của Việt Nam đang diễn ra rất nhanh. Tỷ lệ dân số có độ tuổi trên 65 hiện chiếm 7,76% tổng dân số, chỉ số già hóa tăng 2 con số so với cách đây 10 năm và gấp 2 lần so với năm 1999.

Theo Tổng cục Dân số, Việt Nam là nước có tốc độ già hóa thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Ở các nước phát triển, quá trình chuyển đổi từ già hóa dân số sang dân số già phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm, nhưng Việt Nam chỉ khoảng 17-20 năm. Dự báo đến 2050, Việt Nam sẽ trở thành “nước siêu già” với tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 18%.

“Càng ngày càng già” là vấn đề chung của rất nhiều quốc gia Châu Á. Nhưng, điều đáng buồn với Việt Nam, là chúng ta già nhưng chưa kịp giàu. Khi tỷ lệ dân số tham gia vào lực lượng lao động đạt mức cao nhất, GDP của Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt tới 32,585 và 31,718 đô la Mỹ/người/năm. Trung Quốc với dân số khổng lồ cũng đã đạt con số ấn tượng 9,526 đô la Mỹ/người/năm.

Trong khi các nước láng giềng đã tận dụng thành công thời kỳ hưng thịnh của dân số để làm giàu, nền kinh tế của chúng ta vẫn đang quá chậm so với tốc độ già đi của dân số. Việt Nam- quốc gia đạt “cơ cấu dân số vàng” vào năm 2013, đạt thu nhập bình quân đầu người 5,024 đô la Mỹ. Indonesia và Phillipines sẽ bước vào “thanh xuân” của họ trong vòng 2 thập kỷ nữa, với mức thu nhập bình quân đầu người dự kiến gấp vài lần “thanh xuân” của người Việt. Cuộc đua khắc nghiệt giữa tăng trưởng và dân số không chỉ làm đau đầu các nhà quản lý, mà còn gợi bao trăn trở cho chính chúng ta, những người con đất Việt Nam.

Tại hội nghị công bố kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 hôm qua (19/12), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu nghiên cứu những số liệu thống kê để tìm ra giải pháp giúp Việt Nam khắc phục tình trạng “chưa giàu đã già”, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. 

HOÀNG HÀ