"Lý lịch" nông sản

Cập nhật, 05:38, Thứ Tư, 27/11/2019 (GMT+7)

Để đạt chuẩn xuất khẩu, bản thân nông sản Việt Nam không những phải bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn phải có “hồ sơ lai lịch” rõ ràng. 

Việc cấp mã số vùng trồng là yếu tố tiên quyết và căn bản để thực hiện quy chế kiểm dịch thực vật, không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Sau khi siết chặt chất lượng đối với mặt hàng gạo, thịt heo, thủy sản,… mới đây Trung Quốc tiếp tục đưa ra yêu cầu cao với hoa quả Việt Nam bằng những điều kiện khắt khe. Nếu không đáp ứng được những điều kiện mới này, hàng Việt Nam có thể bí đầu ra, thậm chí khủng hoảng thừa.

Bộ Công thương vừa thông báo về những thay đổi trong chính sách nhập khẩu nông sản, trong đó bao gồm mặt hàng rau quả như chuối, thanh long, xoài, nhãn...

Từ ngày 1/4/2018, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin giấy phép kiểm dịch động vật, thực vật nhập khẩu tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây cần cung cấp thêm “hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm”.

Với quy định mới của Trung Quốc thì chỉ những doanh nghiệp có liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với nông dân và đang xuất khẩu sang thị trường có yêu cầu truy xuất nguồn gốc như Mỹ, Nhật hay Châu Âu ít gặp khó khăn. Còn những cơ sở nhỏ lẻ khó đáp ứng được những điều kiện cao của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc phải truy xuất nguồn gốc, dán nhãn sẽ khiến chi phí tăng lên, đẩy giá hàng xuất khẩu tăng theo. Khi giá cao thì khó cạnh tranh lại những đối thủ như Thái Lan, Myanmar… vốn cũng đang xuất khẩu mạnh hàng sang Trung Quốc.

Theo số liệu Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện đã cấp trên 1.700 mã số vùng trồng và hơn 1.400 nhà đóng gói phục vụ cho xuất khẩu, chủ yếu xuất khẩu đi Trung Quốc. Với diện tích 150.000ha, khoảng 15% diện tích cây ăn quả trên cả nước được cấp mã số vùng trồng.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, để phát triển cây ăn quả bền vững và có sản phẩm tốt xuất khẩu thì việc trước tiên cần làm là các địa phương rà soát, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, vùng xuất khẩu để cấp mã số vùng trồng; giám sát việc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm tại các vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu; đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan nghiên cứu khoa học, tạo sự chặt chẽ, hiệu quả và bền vững; ban hành chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản để có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nông sản...

Đây là việc khó, nhưng không thể không làm.

HOÀNG HÀ