Giám sát và phản biện xã hội

Cập nhật, 05:47, Thứ Năm, 19/09/2019 (GMT+7)

Có thể nói, thời gian qua hoạt động của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã có nhiều đổi mới và đạt hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đồng thuận xã hội.

Trong đó, hoạt động giám sát, phản biện góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chính là khâu đột phá trong hoạt động của mặt trận.

Công tác này đã trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội. Số liệu báo cáo tại Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019- 2024:

Trong nhiệm kỳ, UBMTTQ cấp tỉnh chủ trì và tham gia giám sát liên ngành được 4.093 cuộc; UBMTTQ cấp huyện chủ trì giám sát 22.679 cuộc; UBMTTQ cấp xã chủ trì giám sát 466.012 cuộc.

UBMTTQ các cấp đã tổ chức 86.872 cuộc phản biện xã hội, trong đó có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế- xã hội và đời sống nhân dân.

Hoạt động này thật sự có ý nghĩa, tác dụng thiết thực trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, qua đó tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng chính sách pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Điều người dân cần là UBMTTQ phải nắm bắt đầy đủ, hiểu biết sâu sắc tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Để nhân dân phát huy quyền làm chủ, bày tỏ ý kiến, kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thì việc mở rộng thành phần và đa dạng hóa các hình thức để lắng nghe đa chiều, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân là nhân tố quan trọng bảo đảm cho UBMTTQ các cấp có những đề nghị xác đáng, trúng, đúng, kịp thời với Đảng, Nhà nước trong việc đề ra và ban hành những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân… 

THY HƯƠNG