Đất nghèo nuôi những anh hùng (*)

Cập nhật, 06:20, Thứ Bảy, 28/09/2019 (GMT+7)

Ngày 27/9, người dân đã đến Hội trường UBND huyện Lai Vung (Đồng Tháp) thắp nén hương tiễn đưa người Anh hùng phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy về an nghỉ với lòng đất mẹ, trong niềm thương tiếc ngập tràn.

Ngày trước đó, đông đảo đồng đội, cán bộ, chiến sĩ và người dân đã đến nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (TP Hồ Chí Minh) dự lễ truy điệu và đưa linh cữu Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy về quê nhà tại huyện Lai Vung.

Thiếu tướng Lê Hồng Sơn- Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không- Không quân xúc động chia sẻ: Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy là một phi công huyền thoại, uy tín với Đảng, Quân đội và nhân dân.

Ông Bảy là ai mà được nhiều người yêu quý đến vậy? Từ lâu người dân cả nước đều biết ông là một Anh hùng phi công có cuộc đời và tên gọi gắn liền với số 7: tên Bảy, 7 lần bắn rơi máy bay địch, 7 ngày học xong 7 lớp…

Là người con của quê hương Đồng Tháp, tập kết ra Bắc từ 1954, rồi được cử đi học phi công lái máy bay chiến đấu Mig-17, ông đã gần 100 lần xuất kích, bắn rơi 7 máy bay địch và được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967, nhiều lần được gặp Bác Hồ...

Báo chí bình luận: những huyền thoại của phi công anh hùng mọi thời đại Nguyễn Văn Bảy chính là sự gan dạ, bản lĩnh, sáng tạo được tôi luyện trong cuộc đời lao động, chiến đấu của ông.

Trong khi những người may mắn có dịp tiếp xúc lại cảm thấy thân thiết, yêu mến ông ở phong thái giản dị, chân thành đậm chất Nam Bộ. Ông xưng hô thân mật, rất đỗi gần gũi, chân phương như ngọn cỏ, bờ tre, mảnh ruộng quê hương ông vậy.

Sinh ra trong gia đình nông dân chân đất Nam Bộ nhưng từ nhỏ ông Nguyễn Văn Bảy đã nuôi ý chí tham gia cách mạng, bảo vệ Tổ quốc. 17 tuổi, ông đã lên đường tham gia kháng chiến và đã tạo nên một cuộc đời huyền thoại, đầy ý nghĩa. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy là một nhân cách đáng học hỏi.

Phải chăng vì:

Đất nghèo nuôi những anh hùng

Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên

Đạp quân thù xuống đất đen

Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa

(trích “Việt Nam quê hương ta” của Nguyễn Đình Thi).

Khi đất nước có giặc, ông Nguyễn Văn Bảy lên đường đánh giặc, nhưng khi nhiệm vụ đất nước đã hoàn thành, ông trở về làm người nông dân Nam Bộ chân chất, vui thú ruộng vườn tuổi già. 

TRẦN PHƯỚC