Trăn trở lệch chuẩn giá trị đạo đức giới trẻ

Cập nhật, 06:15, Thứ Sáu, 23/08/2019 (GMT+7)

Hội nghị “Tình hình thực hiện Luật Thanh niên và những kiến nghị cho Luật Thanh niên (sửa đổi)”, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức nhiều ý kiến cho rằng, Luật Thanh niên ban hành từ năm 2005 “chưa thực sự đi vào cuộc sống”.

Nguyên nhân, một số quy định của Luật Thanh niên (2005) chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và khó áp dụng. Nguồn lực đầu tư cho thanh niên so với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương chưa tương xứng và hiệu quả thấp.

Thiếu cơ chế điều phối trong thực hiện chính sách quy định trong luật, chưa có sự gắn kết hữu cơ giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách.

Cơ chế tạo điều kiện khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên còn nhiều hạn chế... Do đó, việc sửa đổi luật là cần thiết.

Gần đây, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu bên cạnh mặt tích cực khiến cho dư luận xã hội lo lắng về cơ hội làm việc của người trẻ bị giảm.

Nếu tuổi nghỉ hưu tăng thì sẽ tước quyền đi làm của người trẻ. Tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt, người trẻ chắc chắn sẽ thất nghiệp. Trong khi nếu giải quyết việc làm tốt thì sẽ làm tốt công tác giáo dục, do dễ quản lý hơn, thanh niên sẽ ít mắc tệ nạn hơn.

Sự lệch chuẩn giá trị đạo đức của người trẻ cũng là nỗi trăn trở. Việc giáo dục thanh niên, trong đó có đạo đức lối sống là vấn đề cần được quan tâm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc suy thoái đạo đức, lối sống của thanh niên, nhưng hạn chế đầu tiên là nền tảng gia đình. Con người phải được giáo dục từ nhỏ, nhưng trong các gia đình trẻ đang thiếu hụt kiến thức. Cần nâng cấp kiến thức cho các gia đình trẻ để có nền tảng giáo dục tốt hơn.

HOÀNG HÀ