"Ô nhiễm trắng"

Cập nhật, 05:10, Thứ Ba, 11/06/2019 (GMT+7)

Lễ ra quân phong trào chống rác thải nhựa trên toàn quốc mới đây cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương vì một môi trường không rác thải nhựa. Tuy nhiên, để phong trào lan rộng và hiệu quả thì không thể tuyên truyền suông mà cần có hành động cụ thể.

Mỗi ngày, Việt Nam xả khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa, trong đó có túi nilon. Theo số liệu của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, mỗi một phút có đến 1.000 túi nilon được sử dụng và chỉ có 27% trong số này được xử lý và tái chế.

Rác thải nhựa- đặc biệt là túi nilon- mất đến ít nhất hơn 100 năm để tự phân thủy. Ở một số vùng biển Việt Nam, trong mỗi mẻ lưới kéo lên, cứ 3 phần cá thì có một phần rác thải nhựa. “Đến năm 2050, rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cá nếu xét về trọng lượng ở đại dương”- đó là lời cảnh báo được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Đây chính là một gánh nặng cho môi trường, thậm chí, còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia gọi là “ô nhiễm trắng”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rác thải nhựa tràn lan ở Việt Nam là do việc quản lý và xử lý rác thải còn rất lỏng lẻo, chủ yếu là phương pháp chôn lấp. Các nhà chức trách chưa kiên quyết đề ra những chính sách hạn chế, thậm chí là cấm sử dụng túi nilon. Người dân vẫn “vô tư” sử dụng túi nilon dùng một lần mỗi khi đi chợ vì “tiện lợi”.

Cùng với các nước, tại Việt Nam, phong trào chống rác thải nhựa hay các sáng kiến thay thế túi nilon, ống hút, sản phẩm nhựa bằng những vật dụng khác thân thiện với môi trường đã và đang được Chính phủ khuyến khích, phát động rộng rãi…

Vì vậy, giải quyết ô nhiễm môi trường- nhất là ô nhiễm do rác thải nhựa và túi nilon gây ra- là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, có sự chung tay của các cấp, các ngành, của toàn xã hội. 

HOÀNG HÀ