Đừng méo mó thi đua!

Cập nhật, 05:29, Thứ Tư, 12/06/2019 (GMT+7)

“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”- câu nói quen thuộc ấy không một người dân nào không ghi nhớ.

Kể từ ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, đến nay câu nói ấy đã trở thành “kim chỉ nam”, là động lực để khơi dậy không ít phong trào, gây dựng nên nhiều điển hình tiên tiến, tạo ra sức lan tỏa rộng lớn, thúc đẩy hoạt động kinh tế- xã hội và mọi mặt đời sống đi lên.

Hơn 70 năm qua, lời chỉ dạy của Bác, thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua, vẫn là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Từ các phong trào thi đua lớn trong 2 cuộc kháng chiến kiến quốc như “Diệt giặc đói”, “Diệt giặc dốt”, “Diệt giặc ngoại xâm”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Sóng duyên hải, gió đại phong” cho đến các phong trào sau này như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì Trường Sa thân yêu”, đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển đất nước.

Các phong trào thi đua bám sát được mục tiêu cách mạng trong mỗi thời kỳ đã huy động được sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên tất cả các lĩnh vực, từ học tập, nghiên cứu khoa học đến lao động, sản xuất, kinh doanh.

Trên các lĩnh vực chiến đấu, quốc phòng, an ninh đều xuất hiện các cá nhân, tập thể điển hình, anh hùng, có nhiều thành tích to lớn và cống hiến xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta.

Tuy nhiên, điều nhiều người băn khoăn rằng sự lan tỏa của những điển hình có được từ thi đua trong đời sống vẫn chưa được như mong muốn. Hơn thế nữa, tình trạng thi đua kiểu chiều rộng thì tốt, nhưng chiều sâu lại hạn chế.

Thi đua để mang lại sự phát triển mọi mặt, chứ không phải thi đua vì danh hiệu, dù danh hiệu và khen thưởng là cần thiết. Nếu chỉ vì danh hiệu, vì động cơ không trong sáng sẽ làm méo mó thi đua. 

HOÀNG HÀ