Biểu hiện "bệnh thành tích"!

Cập nhật, 05:17, Thứ Năm, 04/04/2019 (GMT+7)

Bộ Nông nghiệp- PTNT vừa họp sơ kết và triển khai kế hoạch sản xuất lúa Hè Thu. Theo đó, năm 2019, ĐBSCL sẽ xuống giống khoảng 1,6 triệu hecta, tương đương với diện tích sản xuất vụ Đông Xuân.

Như vậy, tính chung cả năm 2019, ĐBSCL sẽ xuống giống trên 4,2 triệu hecta lúa, với sản lượng đạt gần 26,5 triệu tấn, tăng gần 35.000ha về diện tích và hơn 644.000 tấn lúa so với năm 2018.

Vì sao phải gia tăng diện tích và sản lượng liên tục trong khi Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đang quyết liệt “giải quyết đầu ra cho lúa Đông Xuân”?

Đó là câu hỏi mà các chuyên gia đặt ra với ngành nông nghiệp, trong khi tình hình hạn mặn ĐBSCL đang diễn biến đầy bất lợi cho sản xuất cây lúa.

Theo GS,TS. Võ Tòng Xuân, lúa gạo nước ta đang được sản xuất thặng dư trên 10 triệu tấn/năm. Nguồn cung tăng nhiều mà cầu không tăng tương xứng thì giá phải sụt giảm, hơn nữa, trồng lúa cần nhiều nước ngọt nhưng giá gạo lại quá thấp, dân trồng lúa không được hưởng lợi bao nhiêu.

Do vậy, dứt khoát phải giảm diện tích trồng lúa, chuyển các diện tích lúa bấp bênh, vốn đầu tư cao ở vùng phèn nặng, nhiễm mặn sang nuôi trồng cây con khác có giá trị cao, như trồng cây ăn trái thích hợp, nuôi cá đồng, nuôi tôm…

Theo các chuyên gia, một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp- PTNT hiện nay là phải đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, cải thiện thu nhập cho người trực tiếp làm ra lương thực, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng duy trì sản xuất và đảm bảo an ninh lương thực bền vững.

Không thể năm nào cũng gia tăng diện tích và sản lượng. Đó là biểu hiện căn bệnh thành tích! 

HOÀNG HÀ