Phát triển bền vững

Cập nhật, 05:50, Thứ Tư, 13/02/2019 (GMT+7)

Diễn đàn Bền vững Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội toàn diện phục vụ phát triển bền vững” vừa được tổ chức, nhằm kết nối các nhà khoa học, các lực lượng trí thức- doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam cùng thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững của Việt Nam vừa được tổ chức tạo sự quan tâm lớn đến các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế.

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có những diện mạo mới; đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh; tầm vóc, vị thế và uy tín trên trường quốc tế từng bước cải thiện.

Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP đạt cao nhất trong khu vực với 7,08%; thặng dư thương mại gấp hơn 3 lần năm 2017 là 7,21 tỷ USD.

“Đó là mức tăng trưởng nhanh và bền vững”- Chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) Nguyễn Đức Khương bình luận.

Tuy nhiên, thách thức, rủi ro đối với Việt Nam vẫn còn rất lớn. Giám đốc Quốc gia Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Caitlin Wiesen phân tích: Thách thức đầu tiên là rủi ro bẫy thu nhập trung bình thấp.

Làm thế nào chuyển đổi từ tăng trưởng kinh tế bằng khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ sang hướng đi mới để tăng trưởng năng suất, tăng giá trị cạnh tranh, tạo bền vững cho môi trường, tạo nhiều việc làm là rất cần thiết, song Việt Nam cũng đang phải chịu cạnh tranh dữ dội từ các nước khác trong các ngành thâm dụng lao động và tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh đó, sự tăng tốc của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang đến các cơ hội và rủi ro cho công việc tương lai.

Các chuyên gia dự đoán, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay thế công việc trong một số lĩnh vực mà Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng, với khoảng 70% việc làm có nguy cơ tự động hóa trong 10 năm tới.

Đồng thời, cuộc Cách mạng công nghiệp lần này cũng tạo rủi ro về gia tăng bất bình đẳng và suy giảm sức chống chịu của nền kinh tế.

“Lợi nhuận thu được từ vốn, tài sản sinh lời đồng nghĩa những người không sử dụng kỹ năng sẽ bị bỏ lại phía sau”- bà cảnh báo.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Lê Quang Mạnh, phát triển bền vững bao hàm không chỉ sự phát triển về kinh tế mà còn gắn liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường.

“Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế tiến triển ngày càng nhanh và mạnh mẽ, mang lại những cơ hội phát triển, nhưng đồng thời cũng đi kèm với những thách thức về môi trường, xã hội. Mô thức phát triển bền vững sẽ dần trở thành lựa chọn phổ biến của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam”.

HOÀNG HÀ